Hôm qua, 28/3, VCCI cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018. Được thực hiện năm thứ 14 liên tiếp, báo cáo PCI 2018 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ hơn 12.000 DN, trong đó có gần 11.000 DN dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, TP và trên 1.500 DN đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 20 địa phương tại Việt Nam.
“Dàn nhạc” cải cách ở các địa phương đã đồng đều hơn
PCI 2018 đã có những cải thiện đáng kể so với những năm trước đây. Tỉnh trung vị đã đạt điểm số PCI 61,76 điểm, cao nhất trong hơn một thập kỷ qua, kể từ khi bắt đầu tiến hành PCI.
“Điểm trung vị tăng lên và xu hướng hội tụ điểm số PCI giữa các các tỉnh, thành phố đi sau với các tỉnh, thành phố dẫn đầu đã cho thấy sức lan toả và bao trùm hơn trong nỗ lực cải cách và nâng cao năng lực điều hành kinh tế ở các địa phương. Dàn nhạc cải cách ở các địa phương đã đồng thanh, đồng điệu hơn…”- TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu.
Dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2018 là Quảng Ninh với 70,36 điểm trên thang điểm 100. Đây là địa phương hai năm liên tiếp giữ vị trí quán quân. Kế đến là Đồng Tháp (70,19 điểm), Long An (68,09 điểm), Bến Tre (67,67 điểm). Năm nay, ba địa phương này đã vượt lên 1 bậc so với chính mình. Các tỉnh, TP tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, TP đứng đầu bao gồm Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hà Nội và TP HCM. Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Cần Thơ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Nghệ An và Bình Định…
Đã có những tín hiệu rất tích cực từ Hà Nội, lần đầu tiên Thủ đô - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước lọt vào nhóm 10 tỉnh, TP được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành và sự thông thoáng của môi trường kinh doanh. Đây là thứ hạng cao nhất mà Hà Nội có được từ trước đến nay.
Đáng chú ý, trong Bảng xếp hạng PCI 2018 không có địa phương nào nằm trong nhóm “thấp”, chỉ có 2 địa phương nằm trong nhóm “tương đối thấp” là Lai Châu và Đắk Nông, trong khi PCI 2017 có 1 địa phương nằm trong nhóm “thấp” (Đắk Nông) và có đến 11 địa phương nằm trong nhóm “tương đối thấp”
Mặc dù đứng cuối bảng nhưng Đắk Nông đã có sự cải thiện đáng kể về điểm số, từ 55,12 điểm lên 58,16 điểm. Nếu tính địa phương đứng đầu PCI 2018 là Quảng Ninh và địa phương đứng cuối bảng là Đắk Nông thì chênh lệch chỉ là 12,2 điểm, thấp hơn nhiều so với các năm trước (PCI 2017 chênh lệch 15,57 điểm, PCI 2016 chênh lệch là 17,01 điểm).
Chi phí không chính thức, tham nhũng vặt giảm rõ rệt
Báo cáo PCI 2018 cũng chỉ ra các xu hướng nổi bật đáng mừng của năm 2018. Đó là: chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham nhũng vặt đã giảm rõ rệt so với thời kỳ trước. Môi trường kinh doanh cũng trở nên bình đẳng hơn. Việc “ưu ái” DN Nhà nước và DN FDI so với DN tư nhân trong nước đã giảm đáng kể. Các cấp chính quyền tỉnh nhìn chung đã trở nên năng động và sáng tạo hơn. Cải cách hành chính tiếp tục có bước tiến. Đặc biệt việc thanh tra, kiểm tra trùng lặp đã giảm đáng kể so với mấy năm trước. Đó là các tín hiệu cho thấy các nỗ lực cải cách hành chính và chống tham nhũng đã phát huy tác dụng.
Mức độ lạc quan và niềm tin của cộng đồng DN vào môi trường kinh doanh vẫn được duy trì ở mức tương đối cao. 49,3% DN tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh. 42,4% DN sẽ tiếp tục duy trì quy mô hiện tại. Chỉ có 8,3% dự kiến giảm quy mô sản xuất kinh doanh hoặc đóng cửa (riêng đối với DN FDI thì tỷ lệ có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh cao hơn đạt tới 56%).
Mặc dù khẳng định “bức tranh” tổng thể của môi trường kinh doanh là tích cực, nhưng người đứng đầu VCCI vẫn lưu ý rằng còn nhiều điểm đáng quan ngại. Ông dẫn chứng: Chi phí không chính thức giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. 58% DN trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu. 54% DN vẫn phải trả chi phí bôi trơn. Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn nhưng vẫn còn không ít gập ghềnh. Vẫn có tới 40% DN cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái DN Nhà nước và DN FDI hơn các DN tư nhân.
Bên cạnh đó, việc gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Thủ tục hậu đăng ký kinh doanh vẫn là gánh nặng. Có tới trên dưới 30% DN cho biết họ gặp nhiều khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và các giấy phép phù hợp với tiêu chuẩn và các giấy tờ quy định khác. Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông vận tải… Tính minh bạch, cũng theo phản ánh của DN còn ít được cải thiện. Chất lượng nguồn nhân lực và các dịch vụ hỗ trợ DN chưa cao. Các DN dân doanh nhất là các DN siêu nhỏ, vừa và nhỏ đang rất khó khăn.
“Để tiếp tục phát triển khu vực kinh tế tư nhân, việc khắc phục những điểm nghẽn thể chế và chính sách nêu trên vẫn cần là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ và cơ quan chính quyền các cấp…” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Tại buổi công bố PCI 2018, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cũng chính thức công bố USAID sẽ tiếp tục gia hạn dự án PCI thêm 3 năm nữa…
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam phần lớn sẽ được quyết định bởi chất lượng điều hành và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Do vậy, sự năng động, tiên phong của lãnh đạo địa phương, sự chuyên nghiệp, mẫn cán của bộ máy công chức các tỉnh, TP đang quyết định tốc độ và đường hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Chỉ số PCI chính là sự cổ vũ mạnh mẽ của cộng đồng DN cho sự chuyển đổi mạnh mẽ từ cấp địa phương tại Việt Nam”.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu