Thực hiện Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 – 2010 (gọi tắt là Chương trình), hàng năm, các bộ, ngành trung ương đều phải phối hợp với các địa phương rà soát các xã, thôn đặc biệt khó khăn bổ sung vào diện đầu tư và xã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Đến nay, có 181 xã cơ bản hoàn thành mục tiêu, thoát khỏi diện đầu tư của Chương trình. Trong đó, 4 tỉnh có trên 50% số xã thoát khỏi diện đầu tư của Chương trình là Vĩnh Long, Bình Thuận, Kiên Giang, Bình Phước; 5 tỉnh có từ 30 – 50% số xã thoát khỏi diện đầu tư của Chương trình gồm Quảng Ninh, Khánh Hòa, Trà Vinh, An Giang và Bạc Liêu; 25 tỉnh có dưới 30% số xã thoát khỏi diện đầu tư của Chương trình như Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Gia Lại, Bắc Kạn, Đắk Lắk… nhưng có tới 16 tỉnh không có xã thoát khỏi diện đầu tư của Chương trình, điển hình là Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Phú Thọ…
Số xã bổ sung vào diện đầu tư của Chương trình là 314 xã - nhiều hơn số xã thoát khỏi diện đầu tư của Chương trình. Nguyên nhân được đưa ra là do trong các năm 2007, 2008, 2009 bổ sung 64 xã tái nghèo, 250 xã chia tách đơn vị hành chính theo các Nghị định của Chính phủ nên đã làm tăng số xã đưa vào diện đầu tư của Chương trình.
Đồng thời, hầu hết các xã tuy đã được đầu tư, song vốn đầu tư thấp so với mục tiêu đặt ra, bởi vậy kết cấu hạ tầng vẫn còn yếu và thiếu, trình độ và năng lực cán bộ, mặt bằng dân trí hạn chế, giảm nghèo thì chưa bền vững, số hộ cận nghèo lại cao.
Một vị lãnh đạo Ủy ban Dân tộc tự tin khẳng định: Nhìn chung, việc rà soát, bổ sung đưa các xã, thôn bản vào diện đầu tư, các xã thoát khỏi Chương trình 135 được bình xét từ cơ sở theo tiêu chí rõ ràng, đảm bảo công khai, thống nhất, do đó không xảy ra khiếu kiện, góp phần ổn định về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tuy nhiên, nhìn đi thì cũng phải nhìn lại! Có thể nói, trong công tác chỉ đạo, điều hành, cấp trung ương hiện thiếu cơ chế khuyến khích các địa phương thực hiện tốt, hoàn thành nhanh các mục tiêu của Chương trình. Bên cạnh đó, chưa có chế tài xử lý đối với những địa phương triển khai chậm, kém hiệu quả, nhất là biện pháp để khắc phục tính ỷ lại, không muốn ra khỏi diện đầu tư của Chương trình mặc dù đã đủ điều kiện!
Từ phía địa phương, một số tỉnh ít quan tâm chỉ đạo, giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, trông chờ chỉ đạo của cấp trên nên tác động của một số dự án trong Chương trình đến đời sống của người dân chưa đạt được kết quả như mong muốn. Không những thế, có tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng còn dàn trải, kéo dài thời gian khiến công trình dễ hư hỏng, xuống cấp, năng lực phục vụ hạn chế, thậm chí có công trình chưa được bàn giao cho xã, thôn bản quản lý, sử dụng.
Thục Quyên