Việc chia sẻ rộng rãi clip video, hình ảnh và ra sức đưa ra những ý kiến chủ quan của mình dứt khoát là chuyện không nên. Bởi, nếu tôn trọng và biết đồng cảm với nỗi đau và mất mát của người khác thì không làm như vậy.
Tuy nhiên, đây là dịp để cha mẹ nhìn lại mình, xem lại cách ứng xử với con cái có phù hợp và đúng đắn chưa, chứ không nên mạnh miệng phê phán rằng nguyên nhân của việc trẻ em tìm đến cái chết là do áp lực học hành, kỳ vọng quá đáng mà bố mẹ gây ra.
Ở lứa tuổi vị thành niên, có quan niệm của ngành tâm lý học giáo dục coi là “thời kỳ đổ vỡ”, “khó bảo”. Phải hiểu là trẻ em trong giai đoạn này tâm lý chưa ổn định, mong manh, “dễ vỡ”, bắt đầu học làm người lớn nhưng tâm hồn trẻ thơ, muốn thể hiện “cái tôi” tự lập, dễ nhầm lẫn với tự ái là tự trọng và đặc biệt là có những hành động và suy nghĩ cực đoan, “không giống ai”.
Một biểu hiện ở lứa tuổi này dễ nhận thấy là trẻ em mong muốn và đòi hỏi cha mẹ và cả những người chung quanh nữa đối xử với mình như người lớn. Nếu không được như vậy, ắt nảy sinh các hành động tiêu cực mà các bậc cha mẹ cho là “dại dột”, “hỗn hào”, thậm chí là “ngu si”, càng khiến trẻ lâm vào con đường cụt.
Lứa tuổi này đã có nhận thức nên bố mẹ không còn là “thần tượng” như lúc còn thơ bé nữa. Chúng nhận ra rằng người lớn cũng có thói xấu và “thần tượng” sụp đổ khiến đứa trẻ hoang mang, đặc biệt khi chúng chứng kiến và nhận ra rằng, người lớn nói một đằng, làm một nẻo và chúng không thể chấp nhận được điều đó. Khi trẻ em nhận xét: “Cháu học cho bố mẹ cháu chứ có phải cho cháu đâu!” thì là chỉ dấu cho một thái độ tiêu cực xuất hiện.
Một bà mẹ khoe trên Facebook rằng mình chưa bao giờ gây áp lực học hành cho con nhưng đứa con đó nói với ông nó rằng: “Cháu không học thêm là chết với mẹ cháu. Cháu mà cầm điện thoại là mẹ quát: Làm bài tập xong chưa, lúc nào cũng chơi, liệu hồn đấy!”.
Làm sao đòi hỏi trẻ có suy nghĩ chín chắn ngay được và chúng có những hành động cực đoan như một phản ứng, tỏ thái độ với cha mẹ thì chưa hẳn duy nhất là áp lực học hành, còn những mối quan hệ xã hội khác nữa như buồn chán, thất vọng trong tình bạn, thậm chí cả tình yêu, hoặc thái độ không công bằng, phân biệt đối xử từ người lớn.
Thật may mắn cho một đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình hòa thuận, bố nghiêm khắc, mẹ nhân từ và đều biết tôn trọng con. Đạo lý còn đây và mãi mãi đúng: “Cây xanh thì lá cũng xanh/Cha mẹ hiền lành để đức cho con”.