Giới chức Mỹ cho biết, cựu binh Esteban Santiago hôm 6/1 vừa qua đã đáp chuyến bay từ Alaska tới sân bay Fort Lauderdale ở Florida. Rời máy bay, tên này đã lấy một khẩu súng ngắn trong hành lý ký gửi, đi vào nhà tắm để nạp đạn rồi sau đó quay trở ra, nã đạn về những người khác. Vụ tấn công khiến 5 người thiệt mạng này đã dấy lên những câu hỏi về việc cần phải bảo vệ hơn nữa đối với an toàn của hành khách cũng như chính sách xử lý vũ khí ở các sân bay của Mỹ.
“Rõ ràng chúng ta phải xem xét lại không chỉ về việc liệu mọi người có thể mang vũ khí lên máy bay kể cả trong hành lý ký gửi hay không mà tôi nghĩ chúng ta cần phải xem xét kỹ lại cả vấn đề an ninh ở xung quanh khu vực nhận hành lý ký gửi” – nghị sỹ Mỹ Debbie Wasserman-Schultz nhận định.
Các chuyên gia thực thi pháp lý và an ninh giao thông vận tải Mỹ nói rằng khu vực nhận hành lý ký gửi vẫn là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất ở sân bay. Bởi, tại khu vực này, tình hình an ninh lỏng lẻo hơn những khu vực khác trong khi lượng người đến và rời đi rất lớn.
“Vụ việc cho thấy khu vực nhận hành lý là mục tiêu dễ dàng nhất trong các mục tiêu dễ dàng. Tôi nghĩ vào một trường tiểu học thậm chí còn khó hơn vào khu vực lấy hành lý ký gửi ở sân bay” – ông Chris Grollnek, một cựu quan chức Mỹ chuyên về các vấn đề an ninh, đặc biệt là các vụ xả súng, nói.
Sau khi xem xét lại các vụ tấn công khủng bố và các âm mưu tấn công xảy ra thời gian qua, giới chức Mỹ mới đây đã đưa ra một số chính sách hạn chế mới như yêu cầu hành khách cởi bỏ giày dép ở cửa kiểm tra an ninh nhằm phát hiện khả năng mang theo thuốc nổ cũng như giới hạn lượng dung dịch được mang theo trên hành lý xách tay.
Song, các chuyên gia nói rằng các khu vực mở ở sân bay vẫn dễ bị tổn thương vì an ninh sân bay chủ yếu vẫn tập trung vào kiểm kiểm tra hành khách để đảm bảo an toàn trên các chuyến bay. Những lỗ hổng này đã bộc lộ sau một số vụ đánh bom liều chết ở khu vực mua vé và sảnh chờ ở Brussels và Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Grollnek và các chuyên gia khác nói rằng chỉ có cách ngăn chặn các vụ tấn công như vậy là tăng cường việc kiểm tra việc sử dụng vũ khí để đảm bảo những người lẽ ra không thể sở hữu súng có thứ vũ khí này cũng như khuyến khích công chúng cảnh báo nhà chức trách nếu họ cho rằng bạn bè hay người thân của họ có hành động bất thường.
Bên cạnh đó, vụ việc cũng dấy lên những tranh cãi về “khu vực không súng” ở sân bay. Florida là 1 trong 6 bang hạn chế vũ khí ở sân bay với các khu vực không súng. Tuy nhiên, ở các sân bay tại các bang này, hành khách vẫn có thể mang vũ khí tới sân bay để để trong hành lý ký gửi và nhận lại khi hạ cánh. Trước vụ việc, một số nhà làm luật của bang đã đề nghị nới lỏng hạn chế trên với lý do việc thực hiện quy định như vậy sẽ ngăn cản khả năng bảo vệ mình khỏi những vụ tấn công của người dân.
Những ý kiến phản đối thì cho rằng việc cho phép nhiều người mang súng sẽ chỉ khiến tình hình trở nên nguy hiểm hơn. “Vụ việc vừa qua là lời nhắc nhở chúng ta rằng không nên để chỗ cho súng ống ở sân bay” – một nhà vận động không súng ống ở Florida tên Michelle Gajda nhận định. Còn ông Kevin Michalowski – tổng biên tập một tạp chí – lại cho rằng việc áp dụng khu vực không súng sẽ khiến những người muốn thực hiện các vụ giết người hàng loạt có thể dễ dàng gây án mà không bị người khác cản trở.
Bà Mary Schiavo – một cựu thanh tra ở Bộ Giao thông vận tải Mỹ - nói rằng có một giải pháp an toàn là yêu cầu hành khách chuyển vũ trước thời gian di chuyển hoặc hạn chế vận chuyển vũ khí trên máy bay nhưng các biện pháp này có thể dẫn đến rắc rối về vấn đề hiến pháp về quyền lại giữa các bang cũng như các quyền được hiến định của người dân.
Giới chức Mỹ cho biết, các hành khách ở sân bay Fort Lauderdale đã mất 25.000 món đồ là hành lý, điện thoại và các vật dụng trong quá trình xảy ra vụ xả súng.