Tất cả vẫn vẹn nguyên trong không gian của Người
55 năm qua, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Khu di tích) đã đón gần 90 triệu khách từ khắp mọi miền đất nước và từ khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đến thăm. Vào những dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc khánh, mỗi ngày Khu di tích đón hàng vạn lượt người.
Bà Lê Thị Phượng - Giám đốc Khu di tích cho biết, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Bộ Chính trị đã ra quyết định bảo vệ, bảo quản, giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch. Quyết định được đưa ra với lòng biết ơn vô hạn vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đặc biệt là đồng bào chiến sĩ miền Nam đang ngày đêm chiến đấu anh dũng hy sinh để thống nhất đất nước.
Cũng theo bà Lê Thị Phượng, quần thể Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch gồm có các di tích như: Phủ Chủ tịch, Nhà 54, nhà sàn, phòng họp Bộ Chính trị, nhà 67, nhà bếp A, nhà bếp B, nhà Bác ký sắc lệnh, hầm H66, hầm D1… Và 1.738 tài liệu, hiện vật vốn có thuộc các nhà di tích. Cùng đó là các di tích ngoài trời như ao cá, giàn hoa Phủ Chủ tịch, đường Xoài, đường mòn Hồ Chí Minh, cầu gỗ qua ao… Thêm 50 cây di tích, là những cây Bác đem về trồng hoặc các tổ chức, cá nhân ở các địa phương hay nước ngoài gửi tặng và Bác trực tiếp chăm sóc.
Đường xoài tại Khu di tích Phủ chủ tịch tại Khu di tích Phủ chủ tịch. (Nguồn: Khu Di tích) |
Tại Lễ kỷ niệm và khai mạc triển lãm “55 năm ngày Bác đi xa, 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969 - 2024)” do Khu di tích tổ chức vào cuối tháng 8/2024, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương đã nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất đã để lại cho đất nước, Nhân dân ta một di sản văn hóa vô giá, đó là Khu di tích về Người tại Phủ Chủ tịch. Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống, làm việc 15 năm cuối đời (1954 - 1969), quãng thời gian trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Người đã cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đề ra đường lối chiến lược, sách lược cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Sau khi Bác Hồ qua đời, ngày 2/9/1969, quần thể di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hình thành trong khu vực Phủ Chủ tịch, có giá trị, ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trải qua bao biến động lịch sử, thời gian chiến tranh ác liệt, di sản nơi ở và làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch vẫn được bảo vệ an toàn, chu đáo, hạn chế đến mức thấp nhất mọi tác động ảnh hưởng từ tự nhiên và con người, đồng thời liên tục đón khách tham quan trong nước, quốc tế; tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng và cuộc sống đời thường của Bác”. Ông Hoàng Đạo Cương khẳng định, đây chính là trường học lớn cho mọi thế hệ người Việt Nam đến nghiên cứu, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là nơi hội tụ tình cảm của Nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, là “điểm đến” trong quan hệ ngoại giao của Đảng và Nhà nước.
Với giá trị, ý nghĩa đặc biệt quan trọng mang tính lịch sử, chính trị văn hóa, khoa học và tính nguyên trạng của Khu di tích, ngày 12/8/2009, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một trong 10 di tích được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng quốc gia đặc biệt đợt đầu tiên. Trong suốt 55 năm qua, Khu di tích đã trở thành “địa chỉ đỏ” của đất nước, là nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Trường học lớn về đạo lý làm người
Trong một bài thơ, nhà thơ Tố Hữu từng gọi nơi này là “Cõi Bác xưa”: “Nhà gác đơn sơ, một góc vườn/Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi sơn/Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối/Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn…”. Cõi ấy vừa là “cõi thiêng”, “cõi người hiền”, vừa là cõi văn hóa thanh tao, giản dị. Cõi ấy cũng là cõi của cỏ cây, hoa lá, của nếp nhà sàn đơn sơ, của ao cá thân thương. Không gian của làng quê Việt đến tận cùng từ mỗi khóm hoa, vị hương, hòn sỏi, ngọn cỏ, tiếng chim, giọt nắng...
Dừng bên đường xoài, trong tán cây rợp mát, chuyện kể của nữ thuyết minh Khu di tích kể về cuộc gặp gỡ cảm động giữa Bác Hồ với đoàn đại biểu anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc năm 1965. Ngay tại con đường nhỏ này, Bác đã ân cần hỏi thăm nữ Anh hùng Tạ Thị Kiều đến từ Mỏ Cày, Bến Tre, Anh hùng Hồ Vai, đại diện tiêu biểu của đồng bào Pa Kô kiên cường, bất khuất và nhiều người con ưu tú của miền Nam. Tình cảm Bác dành cho các đại biểu như người cha đón những đứa con thân yêu lâu ngày trở về. Bức ảnh chụp Bác Hồ bình dị giữa đoàn đại biểu anh hùng, chiến sĩ miền Nam trên đường xoài hôm đó đã trở thành kỷ vật, ghi lại khoảnh khắc đẹp, làm xúc động hàng triệu trái tim đồng bào. Đường xoài cũng là con đường mà Bác thường đi bộ sau giờ làm việc và tập thể dục mỗi buổi sáng với mong muốn có đủ sức khỏe vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam…
Khu Di tích nơi lưu giữ kỷ niệm trân quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: BQL Lăng Chủ tịch HCM) |
“Chúng tôi thỉnh thoảng được Người trực tiếp đến xem việc ăn uống; được Người cho quà mỗi lần Người đi công tác nước ngoài về; được xem phim với Người vào tối thứ Bảy hàng tuần tại nhà khách Phủ Chủ tịch. Tết cổ truyền dân tộc hàng năm, Người mời một bữa cơm tất niên và chụp ảnh chung với Người” - TS. Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích kể lại. Cũng theo tư liệu mà TS. Trần Viết Hoàn kể lại đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (https://www.bqllang.gov.vn) vào năm 2012, khi kinh tế khó khăn, đời sống Nhân dân còn khổ, mọi người ăn cơm độn với ngô, khoai, sắn, Bác bảo cán bộ, Nhân dân ăn độn bao nhiêu phần trăm, độn cho Bác từng ấy. Ngày hè nóng bức, Bác thường dùng chiếc quạt lá cọ, Người giải thích: “Để dành điện cho sản xuất, dành điện cho sinh hoạt của dân”. Khi chiếc vỏ áo bông vá lần hai ở vai, xin Bác cho thay vỏ áo khác, Người bảo: “Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân, đừng bỏ cái phúc đó đi”. Khi đôi dép cao su mà Bác đi hàng ngày đã quá cũ, Bác đề nghị lấy miếng cao su khác vá vào gót và lấy những chiếc đinh nhỏ đóng vào quai của đôi dép cũ để giữ cho quai khỏi tuột, như thế là thay dép mới cho Bác rồi”...
Theo GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong Khu di tích Phủ Chủ tịch từ nơi ở, nơi làm việc, phòng tiếp khách, bếp ăn đến vật dụng hàng ngày, đến từng gốc cây, nhành hoa, đường đi lối lại, ao cá đến cả không khí và sắc trời đã gắn với con người vĩ đại Hồ Chí Minh. Ao cá hiện nay cũng chính là nơi mà Bác Hồ từng ngồi cho cá ăn trước kia. Con đường mà mọi người đến thăm khu nhà Bác ở cũng là con đường trước đây Bác thường đi qua với những gốc cây, những rễ cây mà tên của chúng là do Bác Hồ đặt... “Nơi đây là trường học lớn về đạo lý làm người mà Bác Hồ đã để lại cho chúng ta”, theo GS.TS Lê Văn Lợi.
Hàng rào râm bụt bên nhà sàn gợi nhớ hình ảnh ngôi nhà ở Làng Sen quê hương Bác. Đầu nhà sàn là cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng, hàng ngày Bác vẫn dành thời gian để chăm sóc, tưới tắm cho cây như gửi gắm vào trong đó tất cả tình cảm Bác dành cho đồng bào miền Nam. Theo tư liệu của Khu di tích, trước lúc đi xa Bác còn căn dặn đồng chí Vũ Kỳ tìm thêm các giống xoài miền Nam trồng xen kẽ giữa những cây xoài cổ thụ trên con đường xoài để cây có thời gian kịp phát triển thay thế những cây đã già cỗi.
Đến với Khu di tích, có một điều dễ nhận thấy là các cán bộ làm việc ở đây đều cống hiến thầm lặng với tất cả niềm yêu kính Bác, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác, nhân lên giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong lòng du khách trong nước cũng như quốc tế, như Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương đã phát biểu tại Lễ kỷ niệm vừa qua: “Đó là những đóng góp vô cùng lớn lao, rất đáng tự hào trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”.
Và có lẽ cũng từ đó mà khi đến với Khu di tích, nhiều du khách quốc tế đã lý giải được, vì sao người Việt Nam mến yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thế, vì sao họ luôn gọi vị lãnh tụ của mình thật thân thương hai tiếng “Bác Hồ”...