Có nên hạn chế phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người ở tuổi vị thành niên?

Có nên hạn chế phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người ở tuổi vị thành niên?
(PLO) - Dự kiến vào ngày bế mạc kỳ họp thứ hai, QH khóa XIV sẽ thông qua Dự thảo Luật Hình sự sửa đổi. Tuy nhiên, các ĐBQH  vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến các nội dung của dự thảo. Ví như quy định về về phạm vị chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội và các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự. 

Bộ luật Hình sự là đạo luật lớn, có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước. Bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng của mọi công dân và quyền bình đẳng giữa các đồng bào dân tộc, bảo vệ lợi ích của nhà nước và bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội. Đồng thời, Bộ luật hình sự còn mang tính giáo dục để mọi người có ý thức tuân thủ pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Nếu để ra sai sót trong Bộ luật hình sự sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, khó lường và mang tính lâu dài.

Tại Dự thảo lần này, Ban soạn thảo đã kế thừa chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội được ghi nhận trong BLHS năm 1999; đồng thời, cụ thể hóa thêm một bước theo hướng thu hẹp phạm vi xử lý hình sự đối với đối tượng này. 

Tuy nhiên, có 03 trường hợp mở rộng hơn phạm vi trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi so với quy định của BLHS năm 1999; theo đó đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự cả đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng thuộc 03 tội danh: cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; hiếp dâm; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Theo Ban soạn thảo nhìn trong tổng thể chính sách xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì quy định này chưa thể hiện nhất quán chủ trương nhân đạo hóa trong chính sách hình sự đối với đối tượng này. Vì vậy, quy định tại khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 cần được sửa đổi để khắc phục bất cập này trên nguyên tắc tiếp tục kế thừa chính sách hình sự nhân đạo của BLHS năm 2015 đối với người dưới 18 tuổi, đồng thời, làm sâu sắc thêm chính sách nhân đạo và tính nhất quán trong chính sách xử lý đối với đối tượng phạm tội là trẻ em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi trên tinh thần bảo đảm lợi ích tốt nhất cho các em. 

Cụ thể, theo quy định này, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các tội danh cụ thể được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015. 

Quy định này của Dự thảo đã nhận được ý kiến trái chiều của các ĐBQH – những người đang giữ trọng trách trong cơ quan ban hành Luật của Quốc gia:

ĐB Nguyễn Thị Xuân - Đắk Lắk : Chưa tạo sự công bằng

Theo tôi tại Khoản 2, Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về 28 tội danh là không thống nhất. Nó chưa tạo sự công bằng về chính sách hình sự. Bởi vì nó không đảm bảo tính khoa học, tính logic của quy định bởi cùng thực hiện một loại tội phạm nhưng đối với tội này thì phải chịu trách nhiệm hình sự, còn tội khác có thể nghiêm trọng hơn, nguy hiểm hơn nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

Thứ hai, tôi cũng băn khoăn quy định này không phù hợp với thực tế tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật do người dưới 18 tuổi thực hiện trong thời gian qua. Theo thống kê của cơ quan chức năng từ năm 2011 đến tháng 06 năm 2015, toàn quốc phát hiện 34685 vụ, 59562 người chưa thành niên phạm tội. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, toàn quốc phát hiện 2582 vụ, 3699 người chưa thành niên phạm tội. Điều này cho thấy xu hướng trẻ hóa tội phạm ngày càng tăng, đáng chú ý nhiều vụ án hình sự về tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng ra tăng trong thời gian vừa qua.

Đặc biệt, tình trạng người chưa thành niên phạm tội vào các tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như về mà túy, về giết người do sử dụng ma túy chiếm tỷ lệ rất cao, gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân. Trước thực trạng đó, chúng ta cần phải có những giải pháp thích hợp để phòng ngừa, xử lý có hiệu quả tình trạng người dưới 18 tuổi phạm tội.

Thứ ba, tôi cho rằng quy định như vậy sẽ tạo kẽ hở cho các đối tượng phạm tội lợi dụng, lôi kéo người chưa thành niên vào việc thực hiện tội phạm. Vì vậy, tôi đề nghị sửa lại Khoản 2, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung như quy định của Khoản 2, Điều 12 Bộ luật hình sự năm 1999 là: "Người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng", để xử lý hiệu quả hơn tình trạng người dưới 18 tuổi phạm tội.

Trong tình hình diễn biến tội phạm do người chưa thành niên hiện nay, theo tôi cũng cần phải cân nhắc bỏ quy định về các biện pháp khiển trách như tại Điều 93 của Bộ luật hình sự năm 2015, biện pháp hòa giải tại cộng đồng, Điều 94 Bộ luật hình sự năm 2015. Vì các biện pháp giáo dục, giám sát đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là chưa phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và không hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu phòng, chống tội phạm ở lứa tuổi chưa thành niên như hiện nay. 

ĐB Tô Văn Tám - Kon Tum: Nhân đạo trong chính sách hình sự, nhưng phải tăng cường giáo dục

Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Chúng ta thấy tình hình vi phạm pháp luật của người chưa thành niên hiện nay đang làm cho dư luận và nhân dân rất bức xúc. Người chưa thành niên bây giờ có những hành vi rất nguy hiểm, vi phạm những hành vi rất nguy hiểm như gây thương tích và bạo lực học đường. Nhất là bạo lực học đường dư luận cũng như nhân dân rất bức xúc và quan tâm. Hay vi phạm vào những hành vi hiếp dâm hay trộm cướp tài sản v.v... Tất cả những việc này gây nên bức xúc. Đi tiếp xúc cử tri trước khi chúng ta sửa luật khóa XIII thì cử tri, nhân dân cũng đề nghị phải xử lý nghiêm bằng hình sự để đảm bảo tính răn đe.

Tuy nhiên, tính chất nhân đạo, quan điểm nhân đạo đối với người chưa thành niên đấy là quan điểm xuyên suốt của Đảng và đã được thể hiện nhất quán trong quá trình xây dựng các đạo luật hình sự của nước ta từ trước tới nay, kể từ Bộ luật hình sự đầu tiên năm 1985 đã quán triệt tinh thần nhân đạo này. Quan điểm nhân đạo đó cũng phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em mà nước ta là thành viên và các quy định pháp luật hình sự này ở nước ta từ trước tới nay đều tương thích với pháp luật quốc tế về quyền trẻ em. 

Bởi vậy, tôi nhất trí với các quy định về việc không xử lý hình sự đối với người đủ từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác, tội hiếp dâm, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản cũng như quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ với một số tội thuộc trường hợp rất nghiêm trọng do cố ý và phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ tăng cường các biện pháp xử lý, giáo dục khác, ví dụ như các biện pháp giáo dục đưa vào trường giáo dưỡng, các biện pháp giáo dục, các biện pháp ngăn chặn, cải tạo khác để ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, như thế đảm bảo tạo điều kiện cho tương lai của các em trong quá trình phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu - Nghệ An: Không nên vì ‘quyền trẻ em” mà nới lỏng

Nhà làm luật dựa trên nguyên tắc những lợi ích tốt nhất cho trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên tham gia. Tôi xin thưa rằng, Việt Nam tham gia Công ước về quyền trẻ em cách đây 26 năm, chúng ta tham gia từ năm 90, không lẽ các quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 ra đời sau 9 năm khi chúng ta tham gia Công ước quốc tế là chúng ta đã vi phạm quyền trẻ em? Chắc chắn không phải như vậy. 

Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 01/07/2013 do Quốc hội khóa XIII vừa mới ban hành, tại Điều 90, Điều 91 quy định độ tuổi còn trẻ hơn và hình thức xử lý còn nghiêm khắc hơn. Cụ thể là người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng quy định trong Bộ luật hình sự 1999 thì áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, không lẽ những quy định đó chúng ta vi phạm quyền trẻ em, chắc chắn cũng không phải.

Chúng ta vin vào việc thực hiện quyền trẻ em theo công ước quốc tế để thu hẹp phạm vi xử lý hình sự đối với một số hành vi phạm tội của người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi là không thuyết phục.

Theo Khoản 2, Điều 12 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định "người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng". Theo quy định của luật, tội cố ý bao giờ cũng đi qua 3 giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn phạm tội chưa đạt và giai đoạn phạm tội đã hoàn thành. Nếu đi theo quy định này thì mới sinh ra quy định đến Khoản 3, Điều 17 là "người chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm hình sự vì tội đã thực hiện". 

Điều đó nghĩa là một hành vi cố ý giai đoạn thực hiện tội phạm đã bắt đầu phải xử lý bằng hình sự rồi. Trong lúc đó người chưa thành niên của chúng ta tại Khoản 3 mà sửa đổi Điều 12 quy định "người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội giết người và cướp tài sản mới là phạm tội" là không đúng, là bỏ lọt, bởi vì tội phạm rất nghiêm trọng quy định tại chương tội phạm an ninh quốc gia. Tôi thống kê sơ bộ có 13 tội, như tôi phân tích sau này nó sử dụng trẻ em khủng bố, đưa vào tổ chức giao liên chúng ta ngăn chặn thế nào?

Đọc thêm

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.

Khởi tố 4 cán bộ liên quan sai phạm trong công tác tuyển sinh

Năm học 2021 - 2022, có 36/60 học sinh tuyển sinh không đúng quy định vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quan Hóa.
(PLVN) - Ngày 10/1, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố 4 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến vụ sai phạm trong tuyển sinh tại Trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú THCS huyện Quan Hóa.

Từ bạn tù đến đồng bọn ma túy, bộ ba lĩnh án chung thân

Các bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 10/1, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy đối với 3 bị cáo: Nguyễn Phú Long Thành (SN 1976, trú phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP. Hà Nội); Vi Xuân Hoài (SN 1954, trú xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) và Kha Văn Minh (SN 1977, trú xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An).

Ông Trần Đình Triển bị phạt 3 năm tù

Luật sư Trần Đình Triển. (Ảnh: Facebook Trần Đình Triển)
(PLVN) - Bị cáo Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, bị tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 3 năm tù vì tội lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm lợi ích Nhà nước, tổ chức, cá nhân.