Dự thảo Nghị định dự kiến sửa đổi, bổ sung 24 nội dung, trong đó có 20 nội dung sửa đổi, 3 nội dung bổ sung mới và 1 nội dung bãi bỏ, tập trung các khó khăn, vướng mắc khác của Luật THADS và các vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành Nghị định. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung chủ yếu các nội dung cụ thể về trình tự, thủ tục THA đang vướng mắc. Về định hướng xây dựng Nghị định, cần rà soát để sửa đổi, bổ sung những quy định của Nghị định mà Luật THADS giao Chính phủ quy định cụ thể và những nội dung Chính phủ hướng dẫn biện pháp thi hành.
Một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định đó là trách nhiệm của của UBND cấp xã trong trường hợp không có người bảo quản tài sản theo Điều 58 Luật THADS.
Theo Điều 58, việc bảo quản tài sản thi hành án được thực hiện bằng một trong các hình thức: Giao cho người phải thi hành án, người thân thích của người phải thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 40 của Luật này hoặc người đang sử dụng, bảo quản; giao cho cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản; bảo quản tại kho của cơ quan THADS. Tài sản là kim khí quý, đá quý, tiền hoặc giấy tờ có giá được bảo quản tại Kho bạc nhà nước.
Việc giao bảo quản tài sản phải được lập biên bản ghi rõ loại tài sản, tình trạng tài sản, giờ, ngày, tháng, năm giao; họ, tên Chấp hành viên, đương sự, người được giao bảo quản, người làm chứng, nếu có; quyền, nghĩa vụ của người được giao bảo quản tài sản và có chữ ký của các bên. Trường hợp có người từ chối ký thì phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do. Đối với cá nhân, tổ chức được giao bảo quản tài sản sẽ được trả thù lao và được thanh toán chi phí bảo quản tài sản. Thù lao và chi phí bảo quản tài sản do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Biên bản giao bảo quản tài sản được giao cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người được giao bảo quản tài sản hoặc người đang sử dụng, bảo quản tài sản và lưu hồ sơ thi hành án. Người được giao bảo quản tài sản vi phạm quy định của pháp luật trong việc bảo quản tài sản thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Với quy định như trên, Chấp hành viên có tới ba hình thức giao bảo quản tài sản kê biên thi hành án và hoàn toàn được quyền lựa chọn một trong ba hình thức quy định trên để giao bảo quản sao cho phù hợp với điều kiện thực tế (điều kiện của người được giao bảo quản) và đảm bảo hiệu quả của việc thi hành án.
Trên thực tế, khi được lựa chọn các hình thức giao bảo quản tài sản kê biên, Chấp hành viên đã lựa chọn hình thức bảo quản đối với tất cả các tài sản là động sản tại kho của Cơ quan THADS. Vì việc bảo quản tài sản tại kho Cơ quan THADS có nhiều thuận lợi và thực sự đem lại hiệu quả trong công tác THADS, hạn chế được hiện tượng tẩu tán tài sản kê biên. Đồng thời góp phần khiến đương sự lựa chọn biện pháp thi hành có lợi cho họ, đó là việc tự nguyện thi hành để họ sớm được nhận lại tài sản đang bị thu giữ.
Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp tài sản là nhà ở và tài sản gắn liền với đất ở miền núi, hẻo lánh, không có ai nhận bảo quản tài sản hoặc giá trị tài sản thấp nên việc thuê tổ chức bảo quản chuyên nghiệp là không khả thi. Trong khi đó, kho thi hành án của một số Cơ quan THADS hiện nay chưa được xây dựng lại hoặc diện tích kho còn nhỏ hoặc chất lượng kho đã xuống cấp... không đảm bảo cho việc bảo quản các tài sản kê biên. Song, pháp luật hiện chưa có quy định giải quyết vấn đề này, gây khó khăn cho cơ quan THADS trong quá trình thực hiện.
Do đó, Tổng cục THADS đề xuất bổ sung quy định: “Trường hợp không giao bảo quản được theo quy định tại Điều 58, Điều 112 Luật THADS thì việc bảo quản tài sản thuộc về trách nhiệm của UBND cấp xã trong thời gian chưa xử lý được tài sản”.
Quy định như vậy được đánh giá là tạo thuận lợi cho cơ quan THADS nhưng lại làm phát sinh trách nhiệm cho UBND cấp xã. Đồng thời sẽ khó khả thi vì khó dự liệu hết được các vấn đề khi triển khai trên thực tế như trình tự, thủ tục như thế nào, quy định bồi thường ra sao nếu xảy ra mất mát tài sản… Do vậy, cần đánh giá tác động và nghiên cứu kỹ lưỡng hơn quy định này để đảm bảo khả thi.