“Tuýt còi” những đơn vị tổ chức sai phạm
Ngày 10/1/2019, UBND tỉnh Phú Yên ra văn bản yêu cầu dừng tổ chức đêm chung kết cuộc thi “Nữ hoàng Tài năng và Sắc đẹp 2019” vì đơn vị tổ chức không trình được giấy phép do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) cấp.
Theo các thông tin quảng bá, đêm chung kết và xếp hạng cuộc thi “Nữ hoàng Tài năng và Sắc đẹp 2019” dự kiến được tổ chức tại Nhà hát Sao Mai, TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) vào 20 giờ 00 phút ngày 11/1/2019.
“Công ty Nguyên Bảo Media (đơn vị tổ chức đêm chung kết) đã vi phạm các cam kết với UBND tỉnh Phú Yên. Cụ thể là không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thủ tục tổ chức cuộc thi; không trình được giấy phép tổ chức do Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp” - ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên thông tin với báo chí.
Không chỉ “dẹp” cuộc thi “Nữ hoàng Tài năng và Sắc đẹp 2019”, trước đó, cơ quan chức năng đã “tuýt còi” một số cuộc thi khác. Còn nhớ năm 2014, các cơ quan chức năng đã mở cuộc điều tra và phát hiện cuộc thi “Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam 2014” tổ chức không có giấy phép.
Ngày 16/7/2014, sau khi làm việc với đại diện Ban Tổ chức cuộc thi “Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam 2014”, Sở VHTT&DL Hà Nội đã quyết định xử phạt hành chính đơn vị này với mức cao nhất là 50 triệu đồng theo Nghị định 158 của Chính phủ. Đây là một cuộc thi “chui” nên các danh hiệu Nữ hoàng, Á hoàng và các giải thưởng phụ đều không có giá trị, bị “thu hồi”.
Ngày 27/10/2015, Thanh tra Sở VH-TT TP HCM đã ra quyết định phạt hành chính 49 triệu đồng đối với Công ty TNHH Thương mại Giải trí Sao Kim. Đây là mức phạt cho hai vi phạm: đưa thí sinh dự thi người mẫu không đủ các điều kiện theo quy định, tổ chức cuộc thi người đẹp và người mẫu có quy mô toàn quốc tại Việt Nam nhưng không có giấy phép ở cuộc thi “Tìm kiếm người mẫu châu Á 2015”.
Ngoài xử phạt, cơ quan chức năng đã “nói không” với một số cuộc thi sắc đẹp. Ví như, cuộc thi “Hoa khôi Doanh nhân 2017” đã trục trặc trong việc xin giấy phép từ Cục Nghệ thuật Biểu diễn dù trước đó tuyển thí sinh rầm rộ. Thiếu quá nhiều văn bản, giấy tờ từ các cơ quan ban, ngành, một cuộc thi hoa khôi tuyển thí sinh rầm rộ đã bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn từ chối cấp phép và phải thay đổi cách thức, nội dung từ cuộc thi thành chương trình vinh danh sắc đẹp.
Năm 2014, Bộ VHTT&DL có Văn bản số 4392/BVHTTDL-NTBD gửi đến UBND TP Đà Nẵng về việc tổ chức cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam toàn cầu 2015”. Theo đó, Bộ VHTT&DL cho rằng, thời gian qua có một số doanh nghiệp do người Việt Nam định cư tại nước ngoài tổ chức một số cuộc thi như “Hoa hậu Việt Nam quốc tế”, “Hoa hậu Việt Nam thế giới”… trong đó có cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam toàn cầu” do Kim Lợi Media tổ chức.
Tuy nhiên, những thông tin sau đó cho thấy các cuộc thi này thiếu minh bạch, tổ chức không chặt chẽ, giải thưởng trao tràn lan và có những thí sinh vi phạm pháp luật, không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam… Với những điều đó, việc đưa cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam toàn cầu” về Việt Nam trong thời điểm này chưa phù hợp.
Cuộc thi “ao làng” vẫn tràn lan
Dù các cơ quan chức năng đã xử phạt, “dẹp loạn” một số cuộc thi sắc đẹp nhưng có thể thấy, việc xử phạt ấy chưa thấm so với việc tổ chức sắc đẹp tràn lan những năm qua.
Theo quy định, Việt Nam chỉ có 3 cuộc thi được tổ chức là “Hoa hậu Hòa bình Quốc tế”, “Hoa hậu Đại dương” và “Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam”. Ba cuộc thi sắc đẹp này được cấp phép và quản lý theo đúng quy định pháp luật, cái gì chưa hoàn thiện, chưa đúng thì xem xét xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Riêng các cuộc thi hoa khôi thuộc khuôn khổ vùng miền thì được cấp phép 3 cuộc/năm. Mỗi tỉnh được tổ chức một cuộc thi Người đẹp tại địa phương. Các hoạt động mang tính chất sinh hoạt nội bộ kiểu hoa khôi các trường thì Nghị định không quy định. Song các đơn vị tổ chức đã thi nhau “lách” luật: thay vì tổ chức cuộc thi Hoa hậu, mỗi năm, họ tổ chức tràn lan hàng chục cuộc thi: Hoa khôi, Người đẹp, Nữ hoàng…
Việc tổ chức các cuộc thi “ao làng”, trao giải tràn lan như đêm chung kết cuộc thi “Duyên dáng Doanh nhân Việt Nam” diễn ra ngày 19/6/2016 tại TP HCM với nhiều “bi hài”.
Đêm thi chung kết có sự tham gia của 50 thí sinh mà có tới 33 doanh nhân “ẵm” 33 danh hiệu Hoa khôi, Á khôi. Để hợp thức hóa các danh xưng ấy, Ban Tổ chức “đẻ” ra rất nhiều danh hiệu khiến khán giả ai nấy đều thấy “chối” như: Hoa khôi công sở, Hoa khôi có gương mặt khả ái, Hoa khôi triển vọng, Hoa khôi có mái tóc đẹp, Hoa khôi có làn da đẹp, Hoa khôi thể thao, Hoa khôi du lịch, Hoa khôi có nét đẹp qua ảnh, Hoa khôi tự tin, tỏa sáng, Hoa khôi có vẻ đẹp vượt thời gian…
Nhiều Hoa khôi, Á khôi tới nỗi MC đọc “trẹo quai hàm” mà không hết danh hiệu. Trước “bi hài” ấy, ngày 27/6/2018, Bộ VHTT&DL đã có công văn gửi Sở VH-TT TP HCM yêu cầu giải trình.
Không ít người “gai mắt” đã phải thốt lên rằng, các cuộc thi sắc đẹp đang trở thành trò hề, danh hiệu đối với một số thí sinh là trò mua bán rẻ tiền… Chính những cuộc thi tổ chức không giấy phép, không nghiêm túc, trao giải tràn lan cũng khiến cho tình trạng danh hiệu hoa hậu bị lạm dụng và ít nhiều làm giảm lòng tin của công chúng vào các cuộc thi sắc đẹp.
Để sàng lọc các cuộc thi sắc đẹp có trí tuệ và trong sạch, các cơ quan chức năng cần xử phạt mạnh tay hơn nữa khi có vi phạm trong hoạt động này. Đối với cuộc thi sắc đẹp thuộc thẩm quyền cấp phép thì ngoài yêu cầu đầy đủ hồ sơ, cơ quan quản lý nên xem xét mục đích tổ chức.
Nếu cuộc thi chỉ đem lại lợi ích cho một cá nhân hoặc nhóm cá biệt, ít ý nghĩa với xã hội thì thuyết phục đơn vị thôi tổ chức. Khi đã cấp phép thì cơ quan quản lý phải sát sao từ đầu đến cuối, nắm bắt mọi hoạt động của cuộc thi để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời những sai phạm.