Nhiều văn bản hành chính “gây náo loạn”
Theo đó, dư luận đã bức xúc về Văn bản số 2383/BVHTTDL-TCDL ngày 2/6 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng liên quan đến phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh tại một buổi tọa đàm. Văn bản nêu rõ: Tại tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà”, ông Huỳnh Tấn Vinh được mời tham dự và trình bày các ý kiến kiến nghị liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà. “Mặc dù đã được chủ trì tọa đàm nhắc nhở về việc cân nhắc kỹ nội dung phát ngôn, đảm bảo chuẩn xác nhưng ông Huỳnh Tấn Vinh vẫn cố tình phát biểu tại tọa đàm những nội dung thiếu chính xác” - văn bản này cho hay.
Bất chấp ngay sau đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát thông cáo báo chí thu hồi Văn bản 2383 và Thứ trưởng Bộ này lên tiếng xin lỗi thì dư luận cũng thêm một phen “dậy sóng” bởi trước đấy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liên tục có những văn bản tương tự.
Cụ thể là Công văn số 932/BVHTTDL- TTr ngày 10/3/2017 yêu cầu các tỉnh, thành phố không tổ chức các hoạt động của ba tổ chức là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và Hội Sinh vật cảnh trong một số hoạt động. Trong đó có nội dung “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị: 1. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng không tổ chức các hoạt động nêu trên trong lĩnh vực, địa bàn quản lý...; 2. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam dừng việc tổ chức vinh danh và công nhận “Cây di sản”; cấp bằng cho hệ thống đền…”.
Tiếp đến là quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trước năm 1975 rồi đỉnh điểm là Văn bản 278/GP-NTBD cấp phép lưu hành phổ biến cho hơn 300 ca khúc, trong đó có bài hát “Tiến quân ca” - quốc ca của Việt Nam, đều do Cục Nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký. Sự việc khiến đại biểu Quốc hội khi trao đổi với báo chí cũng bày tỏ sự ngạc nhiên và bất ngờ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng từng phân tích: “Nếu là do sự thiếu trách nhiệm, làm không đến nơi, đến chốn của những người làm công tác này thì phải có hình thức xử lý phù hợp và công bố rộng rãi với nhân dân và cử tri. Vì đây là vấn đề đụng đến văn hóa của cả đất nước, của cả dân tộc, ảnh hưởng đến dư luận xã hội, chứ không phải là một quyết định hành chính đơn thuần.
Đã đến lúc phải “dẹp” áp đặt mệnh lệnh hành chính
Đối với Công văn số 932, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã làm văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra văn bản trái với thẩm quyền này. Đồng thời, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã gửi công văn tới Cục Kiểm tra văn bản (KTVB) quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) yêu cầu xem xét tính pháp lý. Cục KTVB quy phạm pháp luật đã xem xét và thấy rằng, với cách diễn đạt có tính chất “đề nghị” tại Công văn số 932/BVHTTDL-TTr, căn cứ vào khoản 1 Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, nội dung nêu trên không phải quy phạm pháp luật. Vì vậy, theo quy định tại Điều 103 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc xem xét tính hợp pháp của Công văn số 932 - văn bản hành chính của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - không thuộc thẩm quyền của Cục.
Tuy nhiên, Cục KTVB quy phạm pháp luật có nêu: Trong thực tiễn thi hành pháp luật, nếu các cơ quan, công chức nhà nước viện dẫn những nội dung tại Công văn số 932 để thực hiện hành vi trái với quy định pháp luật hiện hành, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam thì sẽ không đảm bảo tính hợp pháp và Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam có thể thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật (Luật Khiếu nại năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành).
Liên quan đến Văn bản 2383, qua theo dõi thông tin báo chí, đại diện Cục KTVB quy phạm pháp luật cho biết đây cũng là văn bản hành chính, không thuộc thẩm quyền của Cục. Hơn nữa, văn bản này đã bị thu hồi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng yêu cầu chỉ đạo xử lý như vừa qua là không đúng thẩm quyền. Ông Huỳnh Tấn Vinh phát biểu quan điểm của mình với mục đích chung là bảo vệ cảnh quan, môi trường và thậm chí cả an ninh quốc gia tại Sơn Trà. Đáng lẽ với tư cách cơ quan quản lý nhà nước thì phải phản biện ngay, chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính áp đặt buộc kiểm điểm, giải trình, xử lý.
Còn hệ quả từ việc ban hành những quyết định cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn đã nhìn thấy được. Do phản ứng của công luận, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phải rút lại quyết định thu hồi này. Ông Nguyễn Đăng Chương đã phải kiểm điểm nghiêm khắc, thôi giữ chức Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn về công tác tại Văn phòng Bộ để thực hiện một số công việc, chờ bố trí công tác khác phù hợp.
Đặc biệt, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến sự cố này. Khi kết luận phần thảo luận kinh tế, xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, việc cấp phép tác phẩm âm nhạc vừa qua là một bài học đối với ngành Văn hóa. “Tôi đã điện cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị cho thôi giữ chức với ông Cục trưởng” - Thủ tướng nói và cho rằng Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã xử lý nghiêm trong vấn đề này.
Rộng hơn, nên chăng đã đến lúc, các tổ chức, nhân dân bị ảnh hưởng quyền lợi cần phải lên tiếng mạnh mẽ, thậm chí khởi kiện ra tòa, mới mong dẹp sự bát nháo trong ban hành các văn bản hành chính?