Chuyện về Tổng Cục 2: Lê Hữu Thúy với điệp vụ tuyệt mật ở Côn Đảo

Ông Lê Hữu Thúy (ngoài cùng bên phải) với các tình báo viên Đặng Trần Quốc (Ba Quốc) Trần Hiệu, Mười Hương, Phạm Xuân Ẩn…
Ông Lê Hữu Thúy (ngoài cùng bên phải) với các tình báo viên Đặng Trần Quốc (Ba Quốc) Trần Hiệu, Mười Hương, Phạm Xuân Ẩn…
(PLO) - Bị địch bắt, bỏ tù, ông vẫn có những điệp vụ xuất sắc, lấy được danh sách 17.000 tù chính trị để ta chuyển đến Hội nghị Paris, cứu hàng chục ngàn đồng chí khỏi bị địch thủ tiêu...
Biền biệt mấy chục năm xa nhà 
Ông đã đi xa, để lại trong lòng người thân, đồng đội ánh mắt lấp lánh cười sau cặp kính trắng cùng niềm tiếc thương, kính trọng.
Tôi nhớ mãi giọng nói bùi ngùi khi ông kể: “Tôi là con trai một trong nhà, còn lại là chị em gái. Khi đi làm cách mạng, chỉ còn mẹ. Biết tôi đi xa, mẹ chỉ mong một ngày gặp lại con. Vậy mà tôi đi mấy chục năm trời biền biệt…
Năm 1965, khi tôi đang đối đầu với những gian khó trong Nam thì ngoài xứ Thanh xa lắc, mẹ tôi mất. Mấy ngày trời hấp hối, mẹ chỉ có một ước nguyện cuối cùng là được gặp con trai...
Tôi hình dung trong cái lạnh buốt giá của những cơn gió mùa đông năm ấy, có người mẹ già lưng còng, tóc bạc, chiều chiều, sớm sớm ngóng về phương trời xa, cầu mong cho con mình được bình yên, mơ một ngày được ôm con trong vòng tay như ngày thơ bé...
Tôi đâu có biết,  thực tại, người mẹ yêu quý phải chịu cảnh gia đình bị quy là địa chủ lại có con trai chính là tôi - vào Nam theo giặc…”.
Ông là anh hùng tình báo Lê Hữu Thúy. Vẻ nho nhã, lịch lãm nơi ông có sức thuyết phục kỳ lạ. Trong cuốn sách giới thiệu đơn vị và cá nhân anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam, có đoạn viết về ông:
“Suốt 50 năm hoạt động trong những điều kiện khó khăn và nguy hiểm, đồng chí luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, giữ vững khí tiết của người chiến sỹ cách mạng chủ động tiến công địch, lập nhiều chiến công xuất sắc...”.
Sinh năm 1926 tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa, gia đình tuy không người theo đạo nhưng ông được cho đi học trường dòng, được học chữ Nho, giáo lý… Chính sự ngẫu nhiên đó, sau này lại như một sự sắp đặt cho nghề tình báo của ông. Khi vào Nam hoạt động, ông học thêm về triết học qua một linh mục là khoa trưởng ở một trường đại học.
Năm 1956, về Sài Gòn, đồng chí Mười Hương chỉ thị ông đi sâu vào khối công giáo di cư. Qua các mối quan hệ quen biết với nhiều linh mục, ông dễ dàng thực hiện những bước đầu tiên nhiệm vụ được giao. Ông bắt mối với linh mục Vũ Đình Trác làm tờ báo “Di cư”; làm phụ tá chủ bút báo “Đường sống”... Những bài xã luận am hiểu sâu sắc về thời cuộc, đặc biệt là đời sống xã hội của các giáo phái lúc bấy giờ của ông gây được tiếng vang lớn, có những ảnh hưởng nhất định với công chúng.
Là một trong những thành viên của lưới tình báo H10 (thuộc Cụm A22), ông cùng đồng đội có nhiệm vụ “điều tra, thu thập tin tức, tài liệu có giá trị chiến lược và các kế hoạch chiến dịch của Mỹ, Ngụy”, và đã “chịu đựng gian khổ, bám địch lâu dài, đi sâu vào hàng ngũ địch và các giáo phái phản động, thu thập được nhiều tài liệu, tin tức về quân sự, chính trị có giá trị chiến lược cao kịp thời phục vụ cho sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh của Đảng và Quân đội...”  (Trích trong cuốn Cá nhân và đơn vị anh hùng ngành Tình báo Quốc phòng 
Việt Nam).
Bị tù đày, vẫn có điệp vụ xuất sắc
Ngay cả kẻ địch cũng phải thừa nhận những thành tích xuất sắc của lưới tình báo trong đó có ông. Trong bộ hồ sơ ta thu được tại Tổng nha cảnh sát ngụy Sài Gòn có đoạn: “Từ trước đến nay, ngoại trừ những giai thoại giả tưởng trong tiểu thuyết trinh thám, chưa bao giờ có những tổ điệp báo thành công đến như thế... Cụm (A22) đã phát triển một hệ thống điệp viên vô cùng quan trọng và đã len lỏi vào nhiều cơ quan đầu não của Việt Nam Cộng hòa. Những tin tức quan trọng mà Cảnh sát quốc gia biết họ cung cấp đều có giá trị giúp cho Hà Nội có được những dữ kiện chắc chắn khi ấn định chính sách của họ đối với cuộc chiến tranh...”.
Còn “ông cố vấn” Vũ Ngọc Nhạ có lần nói về ông: “Ông Lê Hữu Thúy khi đương chức phụ tá thông tin chiêu hồi của Nguyễn Văn Thiệu là một trong những chiến sỹ tình báo trong lưới (H10-A22) lập công đặc biệt xuất sắc”.
Nhà tình báo Lê Hữu Thúy.
 Nhà tình báo Lê Hữu Thúy.
Có một điều hết sức đặc biệt khi nhớ đến ông. Đó là, không chỉ lập công khi đang hoạt động mà ngay cả khi đã bị địch bắt, tù đày, ông vẫn có những điệp vụ xuất sắc. Thời gian ông bị Ngô Đình Cẩn bắt giam ở Huế, ông biết giữa Ngô Đình Cẩn và Ngô Đình Nhu có mâu thuẫn, vì Cẩn như một lãnh chúa miền Trung, độc quyền bắt bớ, thao túng, nhiều lúc phớt lờ chính quyền Sài Gòn do Nhu, Diệm cầm đầu. 
Ông cũng hiểu rằng, nếu Cẩn bị diệt, kho hồ sơ của nhân vật này lọt vào tay bọn đảo chính thì vô cùng nguy hiểm, vì có khoảng 70-80 đồng chí cán bộ của ta sẽ bị lộ. Nếu đốt được số hồ sơ đó, những đồng chí này sẽ thoát tù và tiếp tục vị trí công tác của mình.
Sau khi tính toán kỹ lưỡng, ông tìm cách tiếp cận Lê Văn Dư - Trưởng Ty Công an Thừa Thiên, Giám đốc trại giam. Tên này đang lo sợ, ít khi vào cơ quan, thường ở lại khu tập trung quân sự của Ngô Đình Cẩn. Khi được tin Ngô Đình Diệm bị bắt ở Sài Gòn, ông chớp ngay cơ hội để thủ tiêu số hồ sơ tù cộng sản trên. “Phải đưa ra khỏi văn phòng để đốt”, nghĩ vậy, ông rủ một đồng chí cùng thực hiện. Nhân có cuộc điện thoại của Lê Văn Dư, ông nói với bọn bảo vệ: “Ông Dư ra lệnh đốt hết hồ sơ tù!”. 
“Mệnh lệnh” được chấp hành không chút nghi ngờ vì Cẩn bắt tất cả các thành phần chống đối, không riêng gì cộng sản. Chúng giúp ông đưa hồ sơ ra khỏi nơi bảo vệ, đổ xăng đốt sạch. Nhìn những gốc tích chứng minh các đồng chí của mình là cộng sản đang biến thành tro bụi, ông thấy ngọn lửa cũng reo vui như chính lòng mình vậy.
Năm 1969, hoạt động của lưới bị lộ, ông bị chính quyền Sài Gòn kết án tù chung thân khổ sai, năm 1971 bị đày ra Côn Đảo. Trước khi xuống tàu, ông được trung tâm chỉ thị tìm mọi cách ra ngoài làm dịch vụ để tiếp tục nhận công tác. Sau mấy tháng bị giam, ông được người quen có chức vị ở đảo vận động được ra ngoài dạy kèm tiếng Anh cho con chúa đảo, vừa làm phụ kế toán cho một tù nhân sắp được ra tù để thay thế người này.
Thời gian này, Hội nghị bốn bên ở Paris có bàn thảo về việc trao đổi tù chính trị. Chính quyền Thiệu được Mỹ tiếp tay âm mưu chuyển tù chính trị của ta thành thường phạm, chống lại việc trao trả, lập danh sách thủ tiêu những người cộng sản kiên cường (số này lên đến hàng chục ngàn). Thiệu trắng trợn thông báo tại Hội nghị, số tù chính trị ở đảo chỉ có 5 ngàn người - ít hơn rất nhiều con số của phái đoàn ta đưa ra. Phía ta lúc ấy chưa có đủ chứng cớ, chưa thuyết phục được dư luận thế giới ủng hộ.
Đầu năm 1973, ông được trung tâm giao nhiệm vụ thu thập tài liệu, chứng cớ về số tù chính trị ở đảo để làm căn cứ cho phái đoàn ta trong Hội nghị Paris. Ngày hai buổi, ông giúp việc cho kế toán trưởng. Từ danh sách thực phẩm, ông nắm được số tù khoảng 20 ngàn, trong đó có 17 ngàn tù chính trị, 3 ngàn tù thường phạm. 
Nhưng như thế chưa phải là chứng cớ, phải làm sao lấy được tài liệu gốc của chúng thì mới có sức thuyết phục. Đợi cơ hội có nhiều người qua lại, ông lên phòng quản đốc xin thêm người làm kế toán, nhân đó tận mắt quan sát tỉ mỉ vị trí tủ hồ sơ mật, những bản kê khai số liệu có dấu đỏ trên bàn viên chánh văn phòng...
Đến một ngày, lấy cớ phải làm thêm buổi tối để kịp gửi bản kết toán phân phối thực phẩm định kỳ về Nha Cải huấn Sài Gòn, ông được viên kế toán trưởng giao chìa khóa phòng kế toán. Từ phòng này, ông leo qua trần nhà lọt vào phòng quản đốc, lấy được mẫu chìa khóa tủ tài liệu mật. Ít ngày sau, một đồng chí cơ sở làm ở xưởng cơ khí nhà máy điện của đảo đánh cho ông hai chiếc chìa khóa, một của văn phòng kế toán trưởng, một của tủ tài liệu mật ở phòng quản đốc. 
Khi được lệnh của trung tâm, ông thực hiện nhiệm vụ một cách êm xuôi hơn cả sự mong đợi. Ông đã có trong tay văn kiện về hồ sơ số tù cùng 5 bản điện mật liên lạc giữa Sài Gòn và Côn Đảo ghi rõ số tù đất liền gửi ra, số tù chính trị bị chuyển thành thường phạm, số tù chúng định thủ tiêu...
Những tài liệu quan trọng đó đã được các đồng chí của ông chuyển về trung tâm và chúng ta có đầy đủ chứng cớ để vạch mặt chính quyền Thiệu tại Hội nghị Paris, cũng qua đó, dư luận thế giới đã lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh bên bàn Hội nghị của chúng ta. Nguyễn Văn Thiệu khi sang Roma đã bị Giáo hoàng từ chối tiếp (theo công bố của Thiệu, Giáo hoàng đã cam kết với thế giới là Thiệu chỉ giam giữ 5 ngàn tù chính trị Việt cộng).
Trong khi các đồng chí kiên trung của ta mà địch định thủ tiêu hoặc tiếp tục giam cầm được lên danh sách để trao trả, được trở về với đồng đội, ông lại bước vào một cuộc chiến đấu mới… Mật vụ không khó để tìm ra Năm Thúy. Ngay lập tức, ông bị nhốt ở chuồng bò một thời gian với những cuộc thẩm vấn, với những đòn tra tấn. Sau đó, nhờ cách biện hộ khôn khéo và địch cũng không có đủ chứng cớ để kết tội, ông thoát được cửa tử một lần nữa.
Ngày 29/1/1996, ông Lê Hữu Thúy được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Ông vẫn tiếp tục công việc, viết sách, mặc tuổi già, sức yếu. Ông từ biệt cõi đời trong niềm tiếc thương của đồng chí, đồng đội và lớp cán bộ, chiến sỹ kế tiếp sự nghiệp của ông.
(Viết nhân 70 năm ngày thành lập ngành Tình báo Quốc phòng)
(Còn nữa)

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.