Chuyện những phụ nữ làm 'nghề đàn ông'

Chị Nguyễn Thị Phúc bên chiếc xe rong ruổi khắp các con phố ở Hà Nội.
Chị Nguyễn Thị Phúc bên chiếc xe rong ruổi khắp các con phố ở Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xóa tan quan niệm chỉ có nam giới mới phù hợp với nghề bảo vệ, xây dựng hay xe ôm… , nhiều “bóng hồng” đã và đang chứng minh được thực lực của mình trong những công việc này.

Phụ nữ làm bảo vệ

Chị Nguyễn Thị Vân, 38 tuổi, quê ở Hà Giang, có làn da trắng và khuôn mặt hiền. Như các đồng nghiệp nam khác, chị trực bảo vệ - trông xe ở 1 chung cư trên địa bàn quận Đống Đa cả ca ngày và ca đêm. Chị gắn bó với công việc này 13 năm nay. Chị Vân kể, lúc chưa lập gia đình, chị từng thử đi tìm công việc ở nhiều nơi, thế nhưng chị dường như "không có duyên làm công nhân". Chị được anh trai giới thiệu vào công ty bảo vệ.

“Nói chung tôi cũng thấy có duyên với việc bảo vệ và dần dần yêu thích nghề này. Thời gian đầu khi bắt đầu công việc, tôi chịu không ít áp lực, vì đôi lúc gặp khách hàng không tôn trọng, gây khó dễ. Những lúc đó tôi phải nhờ người chỉ huy hoặc Ban quản lý của tòa nhà can thiệp”, chị Vân chia sẻ. "Khi người ta có lời lẽ xúc phạm cũng thấy tủi thân lắm, nhưng tôi lại tự trấn an mình, nghề nào cũng có chuyện nọ chuyện kia. Mình làm việc chân chính, được đào tạo nghiệp vụ và cố gắng hoàn thành công việc là tốt rồi. Tôi rèn luyện tính nhẫn nại, xử lý khéo léo và linh hoạt theo các tình huống phát sinh. Công việc theo đó ngày càng thuận lợi hơn”.

Chị Nguyễn Thị Vân, 38 tuổi, quê ở Hà Giang, thấy mình phù hợp với công việc bảo vệ - trông xe chung cư.

Chị Nguyễn Thị Vân, 38 tuổi, quê ở Hà Giang, thấy mình phù hợp với công việc bảo vệ - trông xe chung cư.

Chị Vân cho hay, trước đây chị làm bảo vệ ở một nhà hàng, khi khách đến hướng dẫn khách đỗ xe rồi lại sắp xếp xe; có những chiếc xe rất nặng, nhưng chị vẫn cố gắng dắt, xếp gọn hàng, thẳng lối. Nay chị hướng dẫn ô tô, trông xe máy, thi thoảng đi kiểm tra, kiểm soát an ninh cho tòa nhà.

Qua mỗi chỗ làm, chị lại có thêm trải nghiệm mới, lại thay đổi bản thân để phù hợp. “Trong 13 năm làm bảo vệ, tôi có nhiều kỷ niệm lắm, vui có buồn có nhưng chung quy, tôi thấy mình hợp với việc này”, chị Vân nói.

Cùng lúc, chị Vân làm 2 công việc để trang trải cuộc sống.

Cùng lúc, chị Vân làm 2 công việc để trang trải cuộc sống.

Chị Vân đã có 3 con và cả 3 con nhỏ đều ở quê cùng bố và bà ngoại. Hiện chị phải cùng lúc làm 2 công việc để trang trải cuộc sống, lo kinh tế cho gia đình.

“Ngày trước thì tôi làm luân phiên ca ngày, ca đêm, nhưng giờ tôi chủ yếu làm ca đêm thôi. Tôi tranh thủ ban ngày đi làm thêm việc khác. Biết phụ nữ làm đêm sẽ ảnh hưởng sức khỏe rất nhiều, nhưng hoàn cảnh không cho phép, nên tôi phải cố gắng", chị Vân giãi bày.

Ngày 20/10, xa gia đình, xa chồng con, chị lấy những lời chào hỏi ân cần từ người quen hoặc lời chúc từ các vị khách thân thiện làm niềm vui cho mình.

“Tôi chúc tất cả phụ nữ luôn vui vẻ, làm đúng nghề mình thích, luôn hạnh phúc và xinh đẹp”, chị Vân nhắn gửi.

Ngày 20/10, chị Vân lấy những lời chào hỏi ân cần từ người quen hoặc lời chúc từ các vị khách thân thiện làm niềm vui cho mình.

Ngày 20/10, chị Vân lấy những lời chào hỏi ân cần từ người quen hoặc lời chúc từ các vị khách thân thiện làm niềm vui cho mình.

30 năm chăm sóc, xây mộ ở nghĩa trang

Nhắc đến xây dựng, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến những người đàn ông. Tuy nhiên, có một người phụ nữ đã 30 năm gắn bó với công việc xây mộ, chăm sóc những mộ phần ở nghĩa trang. Đó là bà Nguyễn Thị Chiện, 58 tuổi, ở Yên Kỳ, Ba Vì, Hà Nội.

Vừa kết thúc công việc dọn dẹp, cắt cỏ cho những ngôi mộ, bà Chiện cho biết, việc chính của bà là chăm sóc các phần mộ giúp các gia đình ở xa, không lên thăm mộ thường xuyên. Cuối năm, gia đình nào có nhu cầu xây mộ thì bà nhận làm luôn.

Từ nhỏ, hình ảnh "in trong tâm trí" bà, việc xây dựng, nhất là xây mồ mả là của đàn ông. Thế nhưng gia đình gặp những chuyện không may, chồng mất, một mình nuôi 2 con, bà đã chọn công việc này để có việc làm, trang trải sinh hoạt, nuôi các con ăn, học.

“Việc xây mộ bất kể thời gian, cứ có người hẹn thì cả ban đêm tôi cùng mọi người trong tổ cũng tập trung xây cho họ. Ngày thường tôi cắt cỏ, dọn dẹp quanh các ngôi mộ. Phục vụ người âm, nhiều lúc cũng thấy hơi sợ, nhưng nghĩ đến những khoản tiền phải trả, tiền cho các con ăn, học, tôi lại cố gắng. Còn trẻ, khỏe thì ở nghĩa trang từ sáng đến tối mới về, giờ có tuổi rồi nên buổi trưa về nghỉ ngơi một chút mới có thể tiếp tục công việc vào buổi chiều", bà Chiện tâm sự.

Nhắc đến ngày 20/10, bà Chiện khá bất ngờ. “Quanh năm làm bạn với đất, cát, những ngôi nhà của người đã khuất nên tôi cũng chẳng nhớ ngày tháng, chẳng biết ngày dành cho phụ nữ. Tôi chỉ mong bản thân có nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc này, có đồng ra đồng vào. Tôi chúc những người phụ nữ Việt Nam khác cũng có thật nhiều sức khỏe”, bà Chiện bày tỏ.

Chị xe ôm dãi nắng dầm mưa, rong ruổi khắp Hà Nội

Dù đã 8h tối nhưng chị Phúc mới chỉ chạy được hơn 300.000 đồng cho 13 chuyến xe.

Dù đã 8h tối nhưng chị Phúc mới chỉ chạy được hơn 300.000 đồng cho 13 chuyến xe.

Chị Nguyễn Thị Phúc, sinh năm 1979, ở huyện Đông Anh, Hà Nội, là lao động chính của gia đình, phải làm mọi việc để trang trải cuộc sống. Gia đình khó khăn, chồng chị Phúc khuyết tật từ nhỏ nên không thể chia sẻ công việc, 3 con của chị thì vẫn đang tuổi đi học. Con lớn nhất của chị Phúc vừa học xong lớp 9 nhưng không đủ điều kiện học lên cấp 3 nên đi học nghề.

Chị Phúc chọn gắn bó với nghề xe ôm công nghệ. Hàng ngày chị dậy trước 5h sáng, vượt hơn 20km từ Đông Anh sang nội thành Hà Nội để đón khách. Công việc phải dãi nắng dầm mưa, rong ruổi khắp nơi và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Tay lái yếu, sức khỏe yếu, chưa thuộc hết đường khiến chị Phúc gặp nhiều khó khăn. Nam giới làm xe ôm cực nhọc 1 thì chị cực nhọc gấp 10. Thế nhưng, với người phụ nữ 44 tuổi ấy, thì lái xe ôm tự do, thu nhập cải thiện hơn những nghề lao động tay chân khác...

“Trước kia cứ việc nào có tiền là tôi làm, tôi từng xách vữa xây dựng, cõng bột đá, bán đồ ăn đêm... Thế nhưng khi tôi mang bầu thì người ta không muốn thuê nữa. Buôn bán đồ ăn đêm thì lãi lời chẳng bao nhiêu, đóng tiền điện, tiền học phí cho con âm cả tiền hàng. Công việc chạy xe ôm này dù vất vả, cũng đi sớm về khuya, dãi nắng dầm mưa nhưng phù hợp với hoàn cảnh. Dù thế nào, tôi vẫn phải gồng lên vì chồng, vì con”, chị Phúc bộc bạch.

Chị Phúc ráng chờ cuốc xe ôm cuối ngày để thêm thu nhập.

Chị Phúc ráng chờ cuốc xe ôm cuối ngày để thêm thu nhập.

Thu nhập mỗi tháng của chị Phúc dao động khoảng 9 đến 10 triệu đồng. Con số này nếu so với nhiều nghề lao động phổ thông khác thì không ít, nhưng để trang trải cuộc sống cho cả gia đình 5 người thì vẫn rất khó khăn, chưa kể tiền học cho 3 con của chị.

Để có thêm tiền, hàng ngày chị Phúc phải làm việc đến khoảng 12h đêm. Dù mệt và đói nhưng chị không ăn cơm ở ngoài, chỉ uống nước sâm tự pha để cầm hơi, chờ đến khi xong việc về nhà mới ăn tối.

Đi làm trên chiếc xe gần như đã “hết date”, không ít lần khách hàng hỏi “sao không mua lấy chiếc xe khác mà chạy, xe này vừa cũ lại vừa tốn xăng?”. Chị chỉ biết gượng cười, vì “không đi xe này thì chẳng còn xe nào khác”. Chị chỉ mong sau mỗi cuốc xe, khách hàng đều đánh giá 5 sao để thêm động lực cố gắng hơn.

Ngày 20/10 đến, ước mong của người phụ nữ ấy là có thể dành dụm được chút ít tiền, mua một chiếc xe cũ khác, tiết kiệm xăng hơn...

Chiếc xe máy của chị Phúc đã hỏng hóc nhiều chỗ, chị phải dán băng dính lại để cố định những phần bị vỡ. Xe vừa cũ lại vừa tốn xăng gây nhiều khó khăn cho chị trong công việc.

Chiếc xe máy của chị Phúc đã hỏng hóc nhiều chỗ, chị phải dán băng dính lại để cố định những phần bị vỡ. Xe vừa cũ lại vừa tốn xăng gây nhiều khó khăn cho chị trong công việc.

Phụ nữ “thổi hồn” cho làng nghề

Đam mê công việc tưởng “đóng đinh” là của đàn ông, nghệ nhân Phan Thị Thuận, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, còn góp phần “thổi hồn” cho làng nghề, phát triển làng nghề.

Đau đáu khi giá tằm rớt thê thảm, bán không ai mua, bà Thuận quyết đi tìm đầu ra cho sản phẩm truyền thống này.

Bà Thuận xây dựng quy trình sản xuất khép kín, ở đó, con tằm sẽ dệt tơ thành phẩm. Năm 2012, bà Thuận chính thức "trình làng" sản phẩm và phương pháp chăn tơ do tằm tự dệt. Sản phẩm đã được Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen và đạt giải Nhất giải pháp sáng tạo, với mền bông tơ tằm do con tằm tự dệt năm 2015.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận là nghệ nhân đầu tiên dệt thành công lụa tơ sen ở Việt Nam.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận là nghệ nhân đầu tiên dệt thành công lụa tơ sen ở Việt Nam.

Thành công với các sản phẩm tơ tằm, bà Thuận tiếp tục “bắt sen nhả tơ”. Từ đầu năm 2017, bà Thuận bắt tay vào nghiên cứu lụa tơ sen. Công đoạn tạo tơ sen còn khó khăn gấp bội nhưng bà đã hoàn toàn làm được chỉ thêu từ tơ sen.

Tơ sen được thêu vào áo thành bông hoa sen hoặc thêu khăn quàng cổ. Lụa tơ sen lập tức tạo được tiếng vang. Năm 2019, lụa tơ sen vinh dự được lựa chọn là sản phẩm quà tặng Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản.

Song hành với việc hoàn thành tốt thiên chức làm mẹ, làm vợ, còn rất nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn luôn cố gắng tìm chỗ đứng phù hợp với mình, khẳng định vai trò bản thân trong gia đình và xã hội... Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) xin kính chúc tất cả những người phụ nữ nhiều sức khỏe, bền bỉ với công việc để góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, phát triển đất nước.

Đọc thêm

Toạ đàm về 'Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên'

Toạ đàm về 'Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên'
(PLVN) - Chiều nay, 12/12, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh - Trưởng Khoa thăm dò và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương và Ths. Trần Trọng Đại - Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Luật Hà Nội toạ đàm về “Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên” tại Báo Pháp luật Việt Nam.

Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh Lâm Đồng

Phỏng vấn trực tiếp ngay tại chương trình.
(PLVN) - Chương trình Tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động và hướng nghiệp diễn ra chiều 11/12 tại Trường THPT Nguyễn Huệ (xã Tân Lâm, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đã thu hút hơn 500 học sinh cùng đông đảo phụ huynh, người lao động, cơ sở đào tạo tham gia. Đặc biệt, 7 đơn vị tuyển dụng là các doanh nghiệp đến từ Lâm Đồng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã đem tới chương trình hàng trăm cơ hội việc làm trong và ngoài nước.

Cần tiến tới việc luật hóa khám sức khỏe tiền hôn nhân

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là hình thức sàng lọc quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dân số. (Ảnh: BV Phụ sản Hà Nội)
(PLVN) - “Khám sức khỏe trước hôn nhân chuẩn bị hành trang đón thế hệ vàng” là 1 trong 5 thông điệp của Tháng hành động Quốc gia về dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2024. Đây cũng là thông điệp phù hợp với chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc” của năm nay.

“Sạch” từ ý thức mỗi người dân

Sông Tô Lịch (Hà Nội) (Ảnh: Dân trí).
(PLVN) -  Với những người yêu Hà Nội, mỗi khi có dịp đến thăm Thủ đô, cùng với sự thán phục, tự hào về sự phát triển của Hà Nội qua từng tháng, từng năm; thì vẫn còn đó một số băn khoăn: Vì sao con sông Tô Lịch chạy giữa lòng thành phố vẫn ô nhiễm, hôi hám, vì sao chất lượng không khí Hà Nội vẫn chưa cải thiện, vì sao tình trạng xả rác bừa bãi vẫn tồn tại ở một số nơi?

Loạt tin vui lớn dành cho người Ninh Bình

Cảnh Lễ hội truyền thống Báo bản làng Nộn Khê (xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình).
(PLVN) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công nhận Lễ hội truyền thống Báo bản làng Nộn Khê (huyện Yên Mô) và Đền Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn, đều thuộc tỉnh Ninh Bình) là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, UBND tỉnh Ninh Bình công nhận khu vực thị trấn Thịnh Vượng đạt tiêu chí đô thị loại V, đánh dấu bước phát triển mới của huyện Gia Viễn.