Chuyện những F0 chiến thắng COVID-19 tại nhà

Cô gái H.N tại Pháp đã chiến thắng COVID-19 và mong sớm hết dịch để về nhà.
Cô gái H.N tại Pháp đã chiến thắng COVID-19 và mong sớm hết dịch để về nhà.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trên trang cá nhân, một số F0 đã khỏi bệnh chia sẻ khoảng thời gian “chiến đấu” với COVID-19 kiên cường và ngoạn mục tại nhà. Điểm chung của họ khi nhận tin là không hoảng loạn, bình tĩnh để chuẩn bị tinh thần “chung sống” và từng bước vượt qua những ngày không ai mong muốn…

Khi cả nhà cùng là F0

Chị Phạm Hoàng Mỹ Tiên, phường 5, quận 8, TP HCM kể lại, ngày 10/7, ba chị là người đầu tiên trong gia đình có những biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho. Tiếp đó là mẹ chị rồi lần lượt tới cô em gái rồi cả hai vợ chồng chị Tiên. Những ngày đầu, cả nhà ai cũng nghĩ là bị cảm thôi vì hắt hơi, ho sù sụ, rồi sổ mũi.

Và rồi, mọi người cùng bị triệu chứng giống nhau, càng ngày càng nặng hơn, không có dấu hiệu giảm. Người thì mệt lả không làm gì nổi, tay chân rã rời, còn riêng mình thì đau sưng con mắt, mất mùi, mất vị một cách rõ rệt.

Đến ngày 15/7, ba mình sốt ruột quá nên tự mua que test nhanh về test thì dương tính với SARS-CoV-2. Cả gia đình chị đều trải qua hết các triệu chứng ho, sốt, tiêu chảy, đau cơ, mất khứu giác và vị giác là rõ nhất, ăn không ngon miệng nên ăn uống được rất ít.

Bởi bệnh viện khi ấy đã quá tải, nên chỉ có ba mẹ và em gái nhập viện. Còn vợ chồng Tiên và hai con nhỏ ở nhà. Trong khi đó ở nhà, chồng chị Tiên bắt đầu ho nhiều và thở dốc. Riêng chị có dấu hiệu mệt lả người. Hai con của anh chị (một bé 2 tuổi và một bé 4 tuổi) cũng bị phát ban và tiêu chảy, nhưng vẫn ăn uống và chơi ngoan.

Vào thời điểm chia sẻ câu chuyện của mình, chị Tiên cho biết đã trải qua khoảng 21 ngày kể từ khi phát hiện mình và gia đình trở thành F0. Hai ngày trước, ba mẹ chị đã xuất viện, sức khỏe trở lại bình thường. Cô em gái bình phục sớm nên được về trước.

Theo chị Tiên, quan trọng là phải bình tĩnh và lạc quan. Chồng chị thì có triệu chứng ho sốt 4 ngày không giảm nên uống thuốc hạ sốt liều 500mg tầm khoảng 4-5h/lần. Bác sĩ tư vấn uống nước ấm, nếu ho nhiều thì uống thuốc ho. Bác sĩ còn dạy chồng chị cách nằm sấp và hít thở đều từ nhẹ đến sâu dần. Khoảng thời gian chồng chị bị ho nhiều, thở dốc, cả hai vợ chồng chị khá hoảng vì lo tình hình sẽ diễn biến xấu nhanh. Nhưng chỉ sau 2 ngày áp dụng cách hít thở, nằm sấp, tình trạng của anh thuyên giảm hẳn, hai vợ chồng bình tĩnh và lại động viên nhau cố gắng vượt qua.

Ngoài ra, nhà chị cũng xông hơi bằng sả, gừng, chanh hoặc thuốc xông. Nói chung phải đổ mồ hôi mới khỏe, chồng chị có tập thể dục, vận động cơ thể. Còn chị thì do vừa phải làm việc nhà, vừa chăm 2 bé vì vậy cơ thể vận động khá nhiều mà không cần tập thêm. Ngoài ra, nhà chị còn ra phơi nắng ngoài ban công. Về vệ sinh trong nhà, chị Tiên cho biết đã giặt giũ đồ đạc, vệ sinh nhà bếp sạch sẽ, phun xịt khử khắp nhà.

Sau ba tuần vật lộn với nhiều cung bậc không mong muốn, người mẹ bỉm sữa bày tỏ: Thật bình tĩnh và luôn cố gắng tăng cường sức đề kháng: Hoảng loạn chỉ khiến bệnh nặng thêm. Đặc biệt khi bị mất vị giác, khứu giác, không muốn ăn uống gì thì càng phải cố gắng ăn để nạp dinh dưỡng cho cơ thể thêm sức chiến đấu. Tư vấn các bác sĩ uy tín, nghe theo hướng dẫn chính thống của Bộ Y tế, không tùy tiện áp dụng những lời mách của người không có chuyên môn. Và luôn lắng nghe cơ thể mình, nhận ra những dấu hiệu thay đổi để hỏi bác sĩ và làm theo các hướng dẫn kịp thời.

Cô gái Việt một mình ở Pháp: Không hoảng loạn hay sợ hãi

H.N quê ở TP HCM, sống một mình tại Pháp và làm việc trong ngành mỹ phẩm. Đầu tháng 7, H.N đi xét nghiệm và cầm trên tay kết quả dương tính sau 4 ngày có các triệu chứng của COVID-19.

Chia sẻ trên trang cá nhân, H.N cho biết: “Sống ở tâm dịch COVID-19, được nghe các bác sĩ nói nhiều về COVID-19 nên tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý khá tốt. Do đó, tôi chấp nhận kết quả xét nghiệm và không suy nghĩ nhiều. Không hoảng loạn hay sợ hãi, tôi gọi một người bạn mua cho mình những đồ cần thiết để chuẩn bị những ngày điều trị COVID-19 tại nhà. Sống một mình, tôi bị mất vị giác, thính giác, đau nhức toàn thân, thiếu oxy. Lúc đó, tôi chỉ suy nghĩ tới gia đình và nghĩ mình còn phải về nhà nữa. Động lực lớn lao nhất của tôi như vậy, nên tôi lại tự đứng lên và tự lo cho bản thân mình”.

Cô có bệnh nền về tủy sống và tim nhưng cố gắng một mình tự vượt qua mọi thứ để tránh cho gia đình, người thân của mình ở Việt Nam lo lắng. Chỉ có một người bạn ở Pháp biết rõ tình hình sức khỏe của H.N, giúp cô mua đồ ăn, vật dụng cần thiết. Tuy nhiên, tinh thần của H.N rất mạnh mẽ, cô hiểu rằng để chiến thắng được COVID-19 thì điều quan trọng nhất là phải lạc quan, có ý chí mạnh mẽ.

Để có thêm sức khỏe chiến đấu với COVID-19, H.N cố gắng ăn uống thật nhiều, trong đó cô ưu tiên ăn nhiều trái cây, rau, củ, thịt gà, thịt bò, thịt heo, sữa, trứng… mặc dù không có vị giác, uống thuốc giảm sốt, xông lá chanh, sả…

Sau 10 ngày, triệu chứng giảm dần và đến ngày thứ 19, H.N đi xét nghiệm lại lần đầu. Vào ngày thứ 26, cô đi xét nghiệm lại lần 2. Cả 2 lần đều cho kết quả âm tính.

H.N kêu gọi mỗi người nên cẩn thận và phòng tránh dịch thật tốt cho người thân và gia đình mình. Và nếu chẳng may là F0 thì mỗi người đừng nên tin những bài viết gây hoang mang trên mạng xã hội và suy sụp. Khi nhiễm bệnh, điều quan trọng nhất là hãy để tinh thần lạc quan, đừng suy nghĩ tiêu cực. Hoảng loạn dẫn đến tinh thần suy sụp thì mọi thứ sẽ xấu đi.

“Khi mắc COVID-19, bạn không nên nằm vùi một chỗ mà hãy đứng lên tập thể dục hoặc nghe nhạc, xem phim, hoặc làm gì đó tích cực như đi lau nhà, giặt đồ, nấu ăn, ăn những đồ ăn vặt mà mình thích, uống nước ấm. Khi mệt người, khó thở, nên mở cửa sổ ra uống ly nước nóng hoặc chanh nóng mật ong. Tôi thường mở nhạc thiền, sau đó ngồi xếp bằng 2 chân, thẳng lưng hít sâu bằng mũi, thở ra bằng miệng từ từ”, H.N chia sẻ kinh nghiệm.

Do không có nhiều người Việt sống ở đây nên là F0, những lúc tự cách ly, điều trị COVID-19 tại nhà, động lực mạnh mẽ giúp cô đối mặt với dịch bệnh chính là gia đình, những người thân yêu ở Việt Nam đang đợi cô trở về.

Chàng trai F0 tự chữa khỏi sau 10 ngày

Và mới đây, câu chuyện của Tuấn Anh (28 tuổi, hẻm 82 đường Lý Chính Thắng, P. Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM) chiến thắng COVID-19 sau 10 ngày tự cách ly, đã gây xôn xao mạng xã hội. Tuấn Anh cho biết, cũng như bao trường hợp F0 khác, anh cũng gặp phải tình trạng tức ngực, khó thở, nhất là từ ngày thứ 5 trở đi. Tuy nhiên, anh vẫn giữ bình tĩnh và cố gắng sinh hoạt bình thường.

Tuấn Anh “đi qua những ngày kinh khủng” bằng sự lạc quan của mình.

Tuấn Anh “đi qua những ngày kinh khủng” bằng sự lạc quan của mình.

Khi có thông báo bị F0, Tuấn Anh quyết định không thông báo cho ba mẹ dù ba mẹ chỉ ở cách đó 2km. Vì sợ cả nhà lo lắng, anh chỉ báo cho anh chị ruột và một người em trong công ty biết.

Rất bình tĩnh, Tuấn Anh gọi cho một người bạn ở HCDC và một người anh là bác sĩ hỏi cần phải làm gì, rồi ghi lại vào giấy để làm theo. Tuấn Anh cho biết: “Điều đầu tiên, người mắc COVID-19 không được lo lắng hay sợ hãi, cứ sinh hoạt hết sức bình thường, ăn uống bình thường. Mỗi ngày nên tắm 2 lần, súc miệng nước muối loãng 2 lần, khè mũi bằng nước biển sâu Xisat hoặc nước muối sinh lý 2 lần. Về thuốc, mỗi ngày mình uống một viên Paracetamol 500mg và Efferalgan 500mg sáng và chiều. Về ăn, mình ăn nhiều thịt cá, rau xanh. Hôm nào chán ăn, miệng không có vị giác thì dù không muốn cũng phải cố gắng, ăn gì cũng được, miễn phải ăn, đừng bỏ một bữa nào trong ngày”.

Ngoài ra, mỗi ngày chàng trai này bắt buộc mình uống một ly chanh sả mật ong rừng vào buổi sáng, bữa xế chiều một ly sữa hạt, tối một ly cam quế mật ong rừng và 2,5 lít nước/ngày. Và đặc biệt, chàng trai chia sẻ: “Tất cả mình uống theo kiểu nhâm nhi yêu đời, chứ không uống một hơi cho hết luôn. Từ hôm biết tin bị nhiễm, ngày nào mình cũng tự xông hơi ở nhà trong lều xông bằng cam, chanh, sả, quế, vỏ cam, bưởi. Ai không có lều thì đun nồi nước nóng rồi trùm chăn kín vào là xông được. Mình còn tập thể dục liên tục, sáng hít đất 20 cái, gập bụng 20 cái, chiều hít đất 10-20 cái, tối hít đất 10-20 cái. Những ngày mình khó thở, có thể giảm xuống và tập các bài tập nhẹ cho đổ mồ hôi”.

Và để tâm hồn luôn thoải mái, thư giãn, quên đi việc mình đang bị nhiễm COVID-19, chàng trai này tập đàn, vẽ tranh, nghe nhạc nhiều và cả... hát cũng nhiều hơn. Tuấn Anh cho rằng, ca hát giúp mình cảm giác cổ họng có đau hay không và cảm nhận phổi và lồng ngực mình ổn hay không. Quan trọng hơn là ca hát sẽ giúp cho tinh thần vui vẻ, lạc quan. Dĩ nhiên có những ngày triệu chứng nặng, mình bị hắt xì, ho và tức ngực, khó thở liên tục. Mình dừng hoạt động, ra rót ly nước rồi ngồi yên nghe nhạc, đọc tin tức, tập thở chầm chậm lại. Cảm giác này rất đáng sợ và khó chịu, nhưng rất cần sự bình tĩnh để vượt qua. Mình thấy có người khó thở là sợ hãi và khóc, điều đó càng làm cho mình khó thở hơn, Tuấn Anh nhận định.

“Rồi mình cũng bước qua những ngày kinh khủng nhất, chỉ vì sự lạc quan khó tưởng của bản thân. Sức khỏe của mình đã trở lại bình thường như chưa từng mắc Covid-19”, anh chia sẻ. Xem như bản thân đã vượt qua kiếp nạn và anh mong muốn những ai lỡ mắc covid thì hãy thật bình tĩnh, nếu không nguy kịch, có thể tự “chiến đấu” ở nhà sẽ thoải mái hơn nhập viện, khi tình hình đang quá tải… Được biết, Tuấn Anh tốt nghiệp ngành kỹ thuật xây dựng và ngay từ năm thứ 3, anh đã khởi nghiệp, mở công ty riêng chuyên về thiết kế, sản xuất các sản phẩm về Phật giáo.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Tin cùng chuyên mục

Bộ Y tế phối hợp các đối tác thông tin về Tuần lễ Nâng cao Nhận thức về Kháng thuốc (AMR).

Hành động ngay để đối phó mối đe dọa do tăng tỷ lệ kháng kháng sinh

(PLVN) - Sáng nay, 22/11, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế phối hợp tổ chức Tuần lễ Nâng cao Nhận thức về Kháng thuốc (AMR) (từ 18-24/11/2024) với chủ đề “Giáo dục, vận động, hành động ngay”, nhằm mục đích đẩy nhanh các nỗ lực nâng cao nhận thức và hành động đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của kháng thuốc.

Đọc thêm

Lửa nhiệt huyết chưa bao giờ nguội ở chuyên gia chẩn đoán hình ảnh với hơn 40 năm cống hiến

 PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng luôn hết mình vì chuyên môn và vì sức khỏe người dân. (Ảnh trong bài: NVCC)
(PLVN) - Hơn 4 thập kỷ cống hiến trong ngành Y, trải qua nhiều vai trò khác nhau, vị chuyên gia ấy vẫn luôn cháy lửa nghề. Đến nay, khi tuổi đã ngoài 60, ông luôn nỗ lực làm mới bản thân trước guồng quay công nghệ nhằm áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất vào công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, đã từng xảy ra những đợt dịch lớn; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
(PLVN) - Trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.

Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) - Đến nay Bộ Y tế đã phê duyệt giá khám chữa bệnh 15 bệnh viện theo mức lương cơ sở. Bộ này đánh giá, khi điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng, phần đồng chi trả (ở mức 20% và 5%) tăng thêm không nhiều.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng bữa ăn học đường

Cần sự phối hợp từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. (Ảnh minh họa: SKĐS)
(PLVN) -  Thời gian qua, vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh đã trở thành mối lo ngại ở nhiều trường học tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến phụ huynh vô cùng bất an và để lại hệ lụy không nhỏ cho sức khỏe của học sinh.

Tăng thuế thuốc lá để giảm thiệt hại 108.000 tỷ đồng mỗi năm

Bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC)

(PLVN) - Theo ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam, mỗi năm thuốc lá gây tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Việc tăng thuế sẽ làm giảm đáng kể việc tiếp cận thuốc lá, cũng làm giảm tỷ lệ tử vong và tổn thất sức khỏe...

Mắc uốn ván từ khoang miệng

Bệnh nhân mắc uốn ván từ khoang miệng. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - 10 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân L.V.S (nam, 40 tuổi ở Hải Dương) bắt đầu có triệu chứng đau họng nhưng không sốt. Sau 6 ngày dùng thuốc bệnh nhân bắt đầu khó há miệng, khó nói và ăn uống kém. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán ông S. mắc uốn ván.