Nước mắt ngày xuống xe tử thần (Kỳ 12) - Chuyện chưa kể về vụ án nghịch tử hại cha
“Ròng rã hai chục năm qua, con dâu và cháu nội tôi đã phải chịu sự bạo hành của con trai tôi. Nỗi đau đớn uất ức dồn nén quá lâu khiến cháu nội tôi nông nổi gây tội ác. Xin Tòa xem xét giảm án cho cháu...”, mẹ của nạn nhân, cũng là bà nội của bị cáo Phan Minh Mẫn (20 tuổi, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế nghiệp vụ Phú Lâm, TP.Hồ Chí Minh) trình bày tại phiên tòa phúc thẩm mà Mẫn được giảm án từ tử hình xuống tù chung thân về tội giết cha.
Thảm kịch một gia đình
Bà cụ tóc bạc trắng, trông sầu não và tiều tụy hơn tuổi 70 của mình rất nhiều, giãi bày trong tiếng nấc rồi lả đi trong vòng tay người con dâu. Trong dòng nước mắt chứa chan, tấn bi kịch của một gia đình có người cha bạo ngược là nguyên nhân khiến bị cáo Mẫn ra tay sát hại đấng sinh thành làm nhói lòng người nghe.
Phan Minh Mẫn đã phạm trọng tội ở tuổi 20. Ảnh: VnExpres. |
Hai chục năm trước, ông Phan Minh T. kết hôn với bà Nguyễn Thị Kim Ánh. Họ sinh được hai người con một trai một gái mà đứa con đầu là bị cáo Phan Minh Mẫn. Ông T làm tài xế lái xe chở hàng, bà Ánh làm tạp vụ cho một công ty nên gia cảnh cũng bần hàn, chỉ tằn tiện đủ xài. Ông T không chuyên tâm làm ăn mà chỉ ham nhậu nhẹt, cứ say rượu lại chửi mắng rồi đánh đập vợ không tiếc tay.
Cũng vì ông T tối ngày say xỉn nên không ai dám thuê ông chở hàng. Không có tiền tiêu, ông T lại trút giận lên đầu vợ, không khí gia đình lúc nào cũng u ám não nề. Mọi gánh nặng áo cơm đè nặng lên đôi vai người vợ bất hạnh. Biết rõ con trai mình bạo ngược, thương xót con dâu, chính mẹ đẻ ông T đã nhiều lần khuyên bà Ánh nên ly hôn để giải thoát cho mình. Nhưng bản tính bao dung nhẫn nhịn, bà Ánh vẫn cắn răng chịu đựng vì các con. Người phụ nữ bất hạnh đâu biết rằng, đó là ngọn nguồn của vụ án mạng đau lòng.
Bà Nguyễn Thị Kim Ánh kể: Phan Minh Mẫn hiền lành, trầm tính nhưng rất tình cảm, chịu thương chịu khó. Từ nhỏ đã phải chứng kiến tất cả nỗi thống khổ tủi nhục của mẹ. Chính anh em Mẫn cũng bị ông T đánh mắng nhiều trận nên càng hận cha bao nhiêu, Mẫn lại càng thương mẹ bấy nhiêu. Anh em Mẫn lớn lên cùng cảnh tượng quen thuộc là những lần người cha say rượu sỉ nhục, hành hung mẹ vô cớ.
Và nỗi đau đớn uất ức cứ thế tích tụ trong lòng anh em Mẫn, đến nỗi có thời gian Mẫn rơi vào trạng thái trầm cảm vì chuyện gia đình. Anh em, bà con lối xóm biết chuyện ai cũng thương Mẫn, ái ngại cho bà Ánh nhưng chẳng giúp được gì...
Vì thương mẹ, không muốn trở thành gánh nặng cho mẹ nên dù rất ham học nhưng Mẫn đã tự nguyện nghỉ học để đi làm nuôi thân và đỡ mẹ nuôi em. Đi làm được một năm, do sự động viên của mẹ và bà nội, Mẫn nộp đơn xin học tại Trường Cao đẳng Kinh tế nghiệp vụ Phú Lâm để sau này có nghề nghiệp ổn định. Bản tính hiền lành chịu khó lại ham học nên Mẫn được thầy cô bạn bè yêu mến. Vậy nên cái tin Mẫn bột phát sát hại cha đẻ khiến ai cũng bàng hoàng...
Thương mẹ, con trai nông nổi hại cha
Ngày 7/11/2009 (tức 2 ngày trước khi xảy ra vụ án mạng), ông T lại nhậu say, trở về nhà gây sự chửi bới vợ con trong nồng nặc hơi rượu dù bà Ánh và các con chẳng có tội tình gì. Loạng choạng bước vào nhà, ông T vớ luôn cây quạt đứng định phang thẳng vào đầu bà Ánh. Cũng may khi đó Mẫn đã chạy tới chụp được cây quạt trên tay cha để mẹ thoát ra ngoài.
Bà Ánh được con trai cứu thoát đòn hiểm trong gang tấc. Còn ông T sau khi chửi bới, đập phá đồ đạc chán thì lăn ra ngủ chẳng biết trời đất là gì.
Nỗi đau của bà nội, mẹ và em gái bị cáo Mẫn tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: VnExpress. |
Chiều 9/11/2009, Mẫn đi học về bỗng thấy nhà yên ả lạ thường. Người cha say rượu đang nằm ngủ dưới sàn phòng khách. Nhớ lại những lần cha say rượu, vô cớ đánh mẹ dã man, nỗi uất ức bỗng bùng phát trong lòng cậu thanh niên 20 tuổi. Mẫn oán trách vì cha mà mẹ mình cả đời bị khổ ải, đòn roi; vì cha rượu chè không chịu làm ăn mà anh em mình phải thua kém bạn bè. Ý nghĩ tàn bạo thoáng qua đầu gã trai mới lớn: Chỉ khi nào ông ấy chết thì có lẽ mẹ con Mẫn mới được giải thoát.
Trong phút nông nổi ngông cuồng, Mẫn nảy sinh ý định mua dây điện về chích cha. Sau khi mua mấy thứ cần dùng, Mẫn lấy ổ cắm điện dẫn điện từ phòng mình ra chỗ cha ngủ, rồi cắm phích vào ổ điện, gí dây điện vào người cha cho đến khi ông nằm bất động.
Với tội ác “trời không dung, đất không tha”, dù Mẫn đã thành khẩn, ăn năn hối cải, dù bà Ánh - đại diện cho người bị hại, cũng là người rứt ruột cùng với bị hại sinh ra kẻ tội đồ đã khẩn thiết xin giảm nhẹ tội cho bị cáo nhưng TAND TP.Hồ Chí Minh vẫn tuyên phạt bị cáo Phan Minh Mẫn mức cao nhất là tử hình.
Hồi sinh sau những lỗi lầm
Mẫn làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bà Ánh cũng viết đơn trình bày xin hoàn cảnh gia đình là nguyên nhân dẫn đến Mẫn phạm tội với mục đích xin giảm nhẹ hình phạt cho con trai. Lá đơn của người phụ nữ bất hạnh rất dài, ẩn chứa nỗi đau đớn tủi nhục của người vợ bị chồng bạo hành suốt hai chục năm ròng. Bà nhận rằng để xảy ra tấn bi kịch gia đình, vợ chồng bà cũng là người có lỗi.
Tại phiên tòa phúc thẩm, khi Hội đồng xét xử hỏi bà Ánh vì sao không tìm cách giải quyết bạo lực gia đình, để con cái chứng kiến mãi cảnh đó ắt sẽ bị ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, bà thật thà giãi bày: “Dù chồng thường xuyên đánh đập, chửi bới vợ con nhưng không hiểu sao tôi không dứt tình được. Có lẽ tôi còn mắc nợ ổng. Mà thật ra, lúc không say xỉn ổng cũng không đến nỗi”.
Có mặt tại Tòa, bà nội của Mẫn cũng xin Hội đồng xét xử cho phát biểu. Trong dòng nước mắt, bà cụ lại kể tội con trai và nhắc đến những trận đòn roi ông ta đổ xuống đầu người con dâu và cháu nội. Thương con xót cháu, chính bà đã nhiều lần khuyên con dâu nên đoạn tình với con trai mình. Ai cũng biết, cụ đang phải cố nén nỗi đau mất con, cố tìm mọi lý do dù mỏng manh nhất để bấu víu, tìm cho đứa cháu đích tôn một cơ hội sống. Nhờ vậy, Phan Minh Mẫn đã được Tòa phúc thẩm giảm mức án từ tử hình xuống tù chung thân về tội “Giết người”.
“Đội ơn pháp luật đã mở lượng khoan hồng, cho con được sống. Con hứa sẽ cải tạo tốt để đền đáp công ơn mẹ, vì cả cuộc đời mẹ con chỉ toàn nước mắt... Cầu mong dưới suối vàng, cha cũng tha thứ cho con”, vài phút ngắn ngủi sau giờ tuyên án, bị cáo Phan Minh Mẫn nghẹn ngào trình bày trong nước mắt sám hối.
Sau những lỗi lầm, con đường phục thiện lại mở ra trước kẻ tội đồ trẻ tuổi, dẫu hắn đã phải trả cái giá quá đắt.
Sông Thương
(Còn tiếp)