Lớn lao hơn những điều chúng ta đã cho đi
Bước sang năm 2021, Tiếp sức mùa thi (TSMT) đã hỗ trợ cho gần 20 triệu thí sinh và người nhà thí sinh trên cả nước. Triển khai hơn 58 nghìn đội hình tình nguyện các cấp, với sự tham gia của hơn 1 triệu thanh niên, sinh viên tình nguyện. Tổng nguồn lực huy động được gần 200 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên Việt Nam cho biết: Cùng với những thay đổi trong cách thức thi tốt nghiệp, TSMT đã có nhiều cách làm, hỗ trợ hiệu quả các thí sinh và người nhà. Từ năm 2002 - 2014, chương trình tập trung hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh tại 7 cụm thi ở 7 tỉnh, thành phố. Năm 2015 đến nay, TSMT được triển khai rộng rãi tại 63 tỉnh, thành phố. Hiện, chương trình không chỉ hỗ trợ thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia mà còn cả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của các địa phương.
Ông Nguyễn Minh Triết nhắn gửi: “Khi nào các bạn sĩ tử còn cần những tình nguyện viên tiếp sức thì lúc đó vẫn còn chương trình TSMT. Nếu bạn nào chưa tham gia thì hãy thử một lần đến với chương trình, các bạn hãy tham gia với phương châm TSMT không chỉ tiếp sức cho thí sinh mà còn tiếp sức cho chính bản thân mình, với tinh thần trải nghiệm để cống hiến và trưởng thành.
Chia sẻ về mô hình tiếp sức thí sinh tại huyện đảo Phú Quý, ông Nguyễn Quốc Huy, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận cho biết, mỗi năm có khoảng 260 thí sinh khối lớp 12 phải di chuyển từ huyện đảo Phú Quý vào đất liền để tham dự kỳ thi THPT. Vì vậy, Bình Thuận triển khai mô hình “Taxi miễn phí”, vận động các hãng taxi hỗ trợ đưa đón các em từ bến tàu về chỗ ở. Đồng thời, tổ chức các đội xe ôm miễn phí đưa đón thí sinh từ điểm ăn ở đến điểm thi và ngược lại. Bên cạnh đó, các nguồn lực nấu các bữa ăn miễn phí, tặng quà động viên, tiếp thêm động lực cho các thí sinh từ huyện đảo vào đất liền thi.
Ông Lê Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP HCM, xúc động: “Bản thân tôi từng là thí sinh, được hỗ trợ bởi TSMT, sau đó tôi là tình nguyện viên tham gia đi tiếp sức và gắn bó với chương trình cho tới hôm nay. Tôi không thể nào quên kỷ niệm năm 2005, khi bước xuống Bến xe Miền Đông tôi ấn tượng với màu áo xanh của các anh chị tình nguyện viên TSMT. Từ giây phút đó, tôi đã tâm niệm khi trở thành sinh viên thì phải tham gia vào hoạt động ý nghĩa này. Và rồi, TSMT là hoạt động tình nguyện tôi tham gia đầu tiên trong đời và gắn bó với chương trình cho tới hôm nay”.
Từ người xa lạ thành ba má
Thành công của chương trình TSMT không chỉ có màu áo xanh tình nguyện của những bạn sinh viên không quản ngại nắng mưa mà còn có sự hỗ trợ từ lực lượng chức năng cho đến những chủ trọ dễ thương, chú xe ôm vui tính và cả sự thầm lặng của nhiều tấm lòng không cần ai phải nhớ mặt, nhận tên.
Ông Thạch Ngọc Khanh (62 tuổi, Đội xe ôm Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông) nhớ lại: “Đã hơn 5 năm nay, từ khi thí sinh các tỉnh không còn về thành phố đi thi nữa cũng là từng ấy thời gian tôi không còn cơ hội chở thí sinh miễn phí như trước đây. Con đi thi mà cha mẹ phải mang theo gà, vịt rồi có phụ huynh phải mang cả chó đi để bán lấy tiền lo cho con. Nhìn thấy những hoàn cảnh như vậy, chẳng ai cầm lòng được.
“Tôi nhớ khởi điểm là lúc tôi nhìn thấy những cháu sinh viên tình nguyện đi làm TSMT. Ngày đó sinh viên khổ lắm, các cháu đi học mà không có tiền để ăn, đi làm tình nguyện trời mưa cũng không có dù để che…, thế mà các cháu cũng xông pha giúp đỡ cho thí sinh thì không lẽ mình không làm được. Chính hình ảnh đẹp của sinh viên tình nguyện đã cho tôi động lực để cùng chung tay giúp đỡ thí sinh có một kỳ thi suôn sẻ và tốt đẹp”, ông Khanh nhớ lại.
Ông Khanh chia sẻ, “Nhờ tham gia TSMT mà tôi có thêm nhiều đứa con, đứa nào cũng học đại học, cũng thành tài và rất tốt bụng”.
Tương tự, bà Đỗ Thị Thu (TP HCM) - người đã có 14 năm cho thí sinh ở miễn phí chia sẻ: “Nhiều năm trước, thấy học trò đi thi khổ quá chừng, nhiều cháu phải ở ngoài công viên, không có chỗ tắm rửa, ngủ nghỉ đàng hoàng. Vì vậy, tôi đăng ký để cho thí sinh đến ở miễn phí. Nhưng có lúc nhiều quá, lên đến hơn 100 thí sinh, chưa kể phụ huynh. Chật quá không còn chỗ ở, tôi phải lên các chùa rồi huy động cả các nhà hàng xóm để cho thí sinh đến ở. Giờ nhiều cháu thành công, cứ mỗi giai đoạn trong cuộc đời như thi đỗ đại học, tốt nghiệp ra trường, thành đạt, lấy vợ, lấy chồng, sinh con…, các cháu đều tìm đến tôi để báo tin. Từng đó thôi là tôi vui lắm rồi”.