Nan giải xử lý “điểm đen” mới phát sinh
Tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và mục tiêu Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2023 của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia. Đáng chú ý, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục rà soát, xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông mới phát sinh.
Trên thực tế, bên cạnh các nguyên nhân chủ quan gây ra tai nạn giao thông như ý thức của người tham gia giao thông, chất lượng của các phương tiện giao thông, thì cơ sở hạ tầng kém chất lượng, xuống cấp, bố trí không hợp lý các biển báo... cũng là nguyên nhân quan trọng. Đặc biệt, khi nhu cầu vận tải, du lịch tăng cao, nguy cơ phát sinh các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông mới cũng gia tăng.
Đơn cử, tại khu vực miền Bắc, trên quốc lộ 6 đoạn Hòa Bình - Sơn La, ghi nhận trong 2 tháng đầu năm 2023 có 9 người chết vì tai nạn giao thông. Đây là con số đột biến bởi cũng trong thời gian này, tuyến đường tương đồng về địa hình là quốc lộ 3 đoạn Bắc Kạn - Cao Bằng chỉ ghi nhận 8 vụ tai nạn, 5 người bị thương, không có nạn nhân tử vong. Thậm chí, có vị trí trên quốc lộ 6 chỉ trong thời gian ngắn liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, có vị trí xảy ra 3 vụ lật xe…
Một ví dụ khác là tại TP HCM, Sở Giao thông Vận tải thống kê thành phố đã thực hiện xoá được 2 “điểm đen” tai nạn giao thông trong năm 2022, nhưng lại có 7 “điểm đen” phát sinh mới. Tính đến đầu năm 2023, Sở xác định toàn thành phố còn 9 “điểm đen” tai nạn giao thông. Những vị trí như giao lộ Thoại Ngọc Hầu - Lũy Bán Bích (quận Tân Phú); cầu Ba Son, quận 1 - giao giữa nhánh cầu chính và nhánh dẫn từ đường Tôn Đức Thắng lên cầu; Xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức (đoạn từ trụ điện T39C đến trụ điện T40C); …
Đáng nói, những điểm chung của đa số các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông là đều có lưu lượng phương tiện đông, đặc biệt vào giờ cao điểm hoặc có nhiều điểm giao cắt phức tạp, hoặc người điều khiển phương tiện không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông…
Kiểm điểm trách nhiệm từng địa bàn, lĩnh vực
Trước đó, về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ ưu tiên nguồn vốn ngân sách để tập trung xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông; tuy nhiên việc đầu tư xử lý hiện gặp nhiều khó khăn do kinh phí mới đáp ứng được 40% nhu cầu tại các tuyến mà Bộ Giao thông Vận tải quản lý, chưa tính các địa phương. Trong 3 tháng đầu năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành sửa chữa toàn bộ các “điểm đen” chuyển tiếp từ năm 2022, đồng thời chuẩn bị xử lý 2 “điểm đen” mới với kinh phí 8,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trên toàn quốc có hơn 600.000km đường giao thông nhưng Bộ Giao thông Vận tải chỉ quản lý 25.000km (quốc lộ và đường cao tốc), còn lại chủ yếu là tỉnh lộ, huyện lộ. Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các địa phương quan tâm giải quyết, bố trí kinh phí khắc phục các “điểm đen” thuộc đường tỉnh, huyện, thị xã trên địa bàn và rà soát, có báo cáo, đề xuất để Bộ ưu tiên kinh phí xử lý các điểm thuộc tuyến quốc lộ.
Từ đầu năm 2023 đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022: giảm 15,43% về số vụ, giảm 15,23% về số người chết và giảm 8,57% số người bị thương. Bên cạnh đó vẫn còn 16 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2022, trong đó 11 tỉnh tăng trên 20% là: Thái Bình, Hà Tĩnh, An Giang, Hà Giang, Tây Ninh, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kon Tum, Lạng Sơn và Sơn La.
Đối với các tỉnh, thành phố có tai nạn giao thông tăng cao trong quý I, Phó Thủ tướng đề nghị tổ chức kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của từng địa bàn, lĩnh vực để xảy ra tai nạn giao thông tăng, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao hiệu quả xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn trong thời gian tới, rất cần có sự phối hợp, chủ động trao đổi chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương, kết hợp với sự tăng cường kiểm tra chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông đối với hoạt động vận tải trên từng địa bàn, quyết liệt xử lý vi phạm, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật để ngăn ngừa tai nạn giao thông.
Theo quy định tại Thông tư số 26/2012/TT-BGTVT quy định về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường bộ đang khai thác, “điểm đen” tai nạn giao thông (gọi tắt là “điểm đen”) được xác định là tình hình tai nạn giao thông xảy ra trong một năm (12 tháng), thuộc một trong các trường hợp: 02 vụ tai nạn giao thông có người chết; 03 vụ tai nạn trở lên, trong đó có 01 vụ có người chết; 04 vụ tai nạn trở lên, nhưng chỉ có người bị thương. Điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (gọi tắt là điểm tiềm ẩn) được xác định theo các tiêu chí: Hiện trạng công trình đường bộ, hiện trạng khu vực và tình hình tai nạn giao thông xảy ra trong một năm (12 tháng), thuộc một trong các trường hợp có yếu tố gây mất an toàn giao thông, hoặc xảy ra 05 vụ va chạm trở lên, hoặc có ít nhất 01 vụ tai nạn nhưng chỉ có người bị thương.