Một trong những hình thức mang lại hiệu quả thiết thực phải nói tới chính là phổ biến, giáo dục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng đi liền với đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
Phát huy thế mạnh của phương tiện thông tin đại chúng về tính lan tỏa, nhanh, kịp thời, phủ sóng rộng khắp nên thời gian qua, các chuyên trang, chuyên mục pháp luật trên các loại hình báo chí Trung ương và địa phương được cải tiến, tăng về số lượng, nâng cao chất lượng. Có thể kể đến một số chương trình điển hình như chương trình “Đối thoại chính sách”, “Chính sách và cuộc sống” trên kênh VTV1; “Pháp luật và cuộc sống”, “Kinh doanh và pháp luật” trên kênh VTV2; gameshow truyền hình về pháp luật “Sức nước ngàn năm”, chuyên mục “Cái lý cái tình/ Khu dân cư rắc rối” trên kênh VTV3; chương trình “Tòa tuyên án” trên kênh VTV6; chương trình “Vì an ninh Tổ quốc”, “Bản tin pháp luật”, “Quốc hội với cử tri” trên VOV1; chuyên mục “Văn hóa giao thông”, “Các vấn đề xã hội” trên VOVTV…
Nhiều chuyên mục pháp luật được các báo của Thông tấn xã Việt Nam duy trì như “Văn bản, chính sách mới”, “Pháp luật – Đời sống – Xã hội”, “An toàn giao thông”, “Giải đáp pháp luật”, “Chính phủ với người dân”… Một số cơ quan báo chí tổ chức các diễn đàn trao đổi, tọa đàm về chính sách và dự thảo chính sách; thông tin về thực tiễn tình hình thi hành pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật.
Trong giai đoạn 2003 – 2019, các bộ, ngành Trung ương đã tổ chức tuyên truyền hàng triệu tin, bài, phóng sự đăng tải và phát sóng trên các chuyên trang, chuyên mục pháp luật, đài truyền hình, đài truyền thanh. Số lượng tin bài đăng tải tăng đều đặn mỗi năm. Còn ở địa phương, đã có sự phối hợp với Đài Truyền hình tỉnh, Đài Phát thanh, các cơ quan báo đài địa phương với các sở, ngành, đoàn thể trong việc xây dựng và thực hiện các chuyên mục pháp luật ngày càng chặt chẽ và hiệu quả, nổi bật có chuyên mục “An ninh Hưng Yên” phối hợp đăng phát 7.650 tin, bài, phóng sự.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động PBGDPL được nhiều đơn vị, địa phương hết sức coi trọng, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Hiện nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương đều đã xây dựng các trang thông tin điện tử (website). Qua khảo sát của Bộ Tư pháp, có 4 bộ, ngành Trung ương và 5 địa phương có Cổng hoặc Trang thông tin điện tử PBGDPL riêng. Nhiều địa phương đã thiết lập các chuyên mục PBGDPL trên Cổng hoặc Trang thông tin điện tử (55/63 tỉnh, thành phố); 100% bộ, ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện việc đăng tải công khai các văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản để lấy ý kiến lên Cổng hoặc Trang thông tin điện tử.
Ngành Kiểm sát đã phát triển mạng lưới trang tin điện tử trong toàn hệ thống với 66 website với lượng độc giả tương đối lớn (trong đó có 60/63 website của các VKSND cấp tỉnh). Từ năm 2002, ngành Kiểm sát đã triển khai truyền hình trực tuyến và năm 2014 thì hoàn thành hệ thống này với hơn 800 điểm cầu đến tận VKSND cấp huyện. Tương tự, ngành Tòa án cũng đã đưa mạng lưới truyền hình hội nghị đến 710 TAND cấp huyện và từ ngày 1/7/2017, TAND các cấp đã công bố các bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Đặc biệt, việc tuyên truyền PBGDPL qua mạng xã hội được một số bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai. Chẳng hạn, Công an TP Đà Nẵng duy trì hoạt động của 2 trang Facebook “Cảnh sát giao thông TP Đà Đẵng” và “Tuổi trẻ Công an TP Đà Nẵng”; trang Facebook “Tư vấn pháp luật” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk; Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhắn tin cho hơn 79,7 nghìn thuê bao di động trên cả nước, tổ chức hội nghị trực tuyến với cấp huyện (Thanh Hóa, Cao Bằng), tư vấn pháp luật trực tiếp trên sóng phát thanh (Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp)…