Theo dự kiến ngày 5/6/2013, Đại hội Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa VII sẽ chính thức khai mạc. Song dư luận xã hội gần đây đang quan tâm, tranh luận, thậm chí nhiều ý kiến không đồng tình trước thông tin Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch (VH-TT-DL) có ý định đưa Thứ trưởng Lê Khánh Hải làm ứng cử viên (ƯCV) “nặng ký nhất” vào cuộc đua tranh chức Chủ tịch (CT) VFF nhiệm kỳ mới.
Ông Lê Hùng Dũng đang được coi là người phù hợp và xứng tầm nhất để trở thành tân CT VFF. |
Ban đầu, có đến 8 ƯCV cho chiếc ghế “nóng” của VFF, nhưng có 6 ƯCV xin rút lui vì nhiều nguyên nhân. Do vậy, dư luận hiểu rằng lâu nay cuộc đua này chỉ còn lại 2 ƯCV: Ông Phạm Văn Tuấn – Tổng Cục phó Tổng cục Thể dục Thể thao kiêm Phó CT VFF với ông Lê Hùng Dũng – CT Ngân hàng Eximbank; Phó CT VFF phụ trách tài chính.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, một diễn biến và bất ngờ đang đến bởi xuất hiện thông tin Bộ VH-TT-DL tính đến phương án khác là đưa Thứ trưởng Lê Khánh Hải làm ƯCV “nặng ký hơn” để tham gia “cuộc đua”.
Bộ có kế hoạch điều ông Tuấn làm CT Hiệp hội Thể thao Người khuyết tật, nên về nguyên tắc ông Tuấn không thể tham gia vào VFF nữa. Bên cạnh đó, vì lý do tế nhị, rất có thể ông Dũng sẽ rút lui khỏi danh sách ƯCV, mặc dù ông nhận được nhiều sự tín nhiệm, đề cử từ nhiều câu lạc bộ.
Chính vì thế dư luận đang rất quan tâm, bàn tán, tranh luận về chức CT VFF có nhất thiết phải là lãnh đạo Bộ VH-TT-DL hay tổ chức này đã xã hội hóa rồi, thì nên mạnh dạn đột phá giao trọng trách cho những doanh nhân, những nhà hoạt động xã hội có uy tín, biết tận dụng tốt các nguồn lực, các quan hệ xã hội…
Về tiêu chí chọn người đứng đầu tổ chức VFF, ông Nguyễn Trọng Hỷ – đương kim CT VFF - từng phát biểu với báo chí là: “…Ngoài năng lực quản lý tốt, tập hợp cấp dưới, còn phải là người biết kiếm tiền cho bóng đá…Làm CT VFF trong giai đoạn kinh tế khó khăn này thực sự là một thử thách. Chính vì thế phải lựa chọn được người phù hợp…”.
Trả lời vấn đề trên với Pháp luật Việt Nam, ông Đoàn Nguyên Đức – CT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai – một doanh nhân có tình yêu và những việc làm quan trọng cho bóng đá Việt Nam, nêu quan điểm thẳng thắn:
“Bóng đá là môn thể thao được xã hội hóa sớm nhất ở Việt Nam. VFF là một tổ chức xã hội thì không nhất thiết CT phải là người của Bộ chủ quản. Người đứng đầu VFF phải có năng lực, uy tín, kinh nghiệm với bóng đá, quan hệ rộng và phải biết kiếm nhiều tiền về cho bóng đá. Vì làm bóng đá và muốn bóng đá phát triển thì yếu tố cần thiết là phải có tiền!
Theo tôi, căn cứ vào tình hình thực tế bây giờ, ông Lê Hùng Dũng xứng đáng và phù hợp nhất để ngồi vào chiếc ghế “nóng” này, vì ông Dũng có 42 tuổi Đảng, am hiểu sâu sắc và đam mê bóng đá Việt Nam, có uy tín, dám nói dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Ngoài ra ông Dũng còn là người kiếm tiền nhiều nhất cho VFF. Tôi cho rằng xã hội hãy có tầm nhìn rộng hơn, cởi mở hơn để VFF thực sự là một tổ chức xã hội hóa đúng với bản chất của nó”.
Một chuyên gia bóng đá (đề nghị không nêu tên) nói rằng ông không quan trọng CT VFF sắp tới là người của Nhà nước hay người ngoài, nhưng người đó phải uy tín, quản lý giỏi, có kinh nghiệm và đam mê bóng đá, ông đánh giá cao ƯCV Lê Hùng Dũng do người này hội đủ những yếu tố trên, đồng thời làm kinh tế rất thành công ở hai doanh nghiệp (Eximbank, SJC), và quan trọng không kém là ông Dũng có khả năng kiếm nhiều tiền cho VFF.
Còn ông Trần Song Hải – Phó CT Hội Cổ động viên Việt Nam - bày tỏ: CT VFF trước tiên phải thật sự giỏi, tâm huyết, nhìn xa trông rộng, có tiềm lực kinh tế, kêu gọi được tài trợ cho bóng đá để bóng đá sống được. Theo ông Hải, ông Dũng là người phù hợp và xứng tầm nhất để trở thành tân CT VFF.
Trả lời trên một tờ báo ra ngày hôm qua (6/5), nguyên Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Hà Quang Dự - đã chia sẻ: “…8 đời CT VFF đều là quan chức Nhà nước trong và ngoài ngành thể thao nhưng chưa đem lại những đột phá cần thiết để phát triển bóng đá Việt Nam, nên đã đến lúc Bộ VH-TT-DL nên thay đổi tư duy, nhiệm kỳ mới này phải tổ chức lại bộ máy VFF theo cơ cấu khác, nên tận dụng những doanh nhân, cán bộ chuyên môn đã tham gia bóng đá nhiều năm để đứng ra làm chủ công việc ở VFF một thời gian…”
Có thể nói chưa bao giờ cuộc đua tranh vào chiếc ghế CT VFF lại nóng và gây tranh luận sôi nổi như hiện nay. Dư luận xã hội, đặc biệt là của những người quan tâm, có trách nhiệm và yêu bóng đá cho rằng những ai không có khả năng phù hợp, không đam mê thì cũng đừng nên ép người ta ngồi vào vị trí cao nhất của VFF làm gì, vì nhiều khả năng họ sẽ khó thành công ở cương vị này.
Tất cả chúng ta ai cũng mong muốn Đại hội VFF khóa VII sẽ bầu chọn được vị CT mới đủ tâm, tài, nhiều đam mê, phù hợp nhất với bối cảnh bóng đá nước nhà để lèo lái “con thuyền” VFF đi đúng quỹ đạo, ổn định và có những bước đột phá sáng tạo nhằm giúp bóng đá Việt Nam phát triển mạnh, bền vững trong tương lai.
Lê Minh Hùng