Kiểm soát quyền lực tiếp tục là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (ĐVHCKTĐB Vân Đồn - Bắc Vân Phong, Phú Quốc), Chủ tịch UBND đặc khu thực hiện hầu hết các thẩm quyền về quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tại đặc khu, được phân quyền mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế với nhiều thẩm quyền của các cơ quan nhà nước cấp trên.
Cho ý kiến tại phiên họp, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đồng tình với việc trong đặc khu cần có Hội đồng nhân dân để thực hiện nhiệm vụ giám sát bởi lẽ quyền lực càng cao càng đặc biệt, mô hình lại mới, thường xuất hiện cái “nóng” thì càng cần kiểm tra, giám sát quyền lực không để tiềm ẩn những hậu quả nghiêm trọng, làm xấu đi định hướng phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, làm mất đi niềm tin và ảnh hưởng tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm hư hại nền kinh tế của đất nước.
“Với các đơn vị này, nếu có sai phạm rất khó điều chỉnh vì có liên quan đến các doanh nghiệp của nhiều nước trên thế giới”, ĐB Phương nói.
ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhất trí với việc tăng quyền lực cho Chủ tịch UBND đặc khu nhưng cho rằng cần xem xét, rà soát lại các điều luật để điều chỉnh giảm bớt quy định cho Chủ tịch UBND, giao cho Ủy ban nhân dân đặc khu ủy quyền trách nhiệm cho Phó Chủ tịch, một số ban ngành chuyên môn. Bởi, theo ĐB Phương, trong dự thảo có quá nhiều nội dung Chủ tịch Ủy ban đặc khu ký, cấp, quyết định như cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện tại đặc khu; cấp, đổi giấy phép kinh doanh….
“Chủ tịch UBND không thể kiểm soát mọi vấn đề, việc gì Chủ tịch UBND cũng ký thì không có thời gian để lo việc lớn. Theo như dự thảo thì vị trí Chủ tịch rất dễ bị vi phạm trách nhiệm. 100 việc làm tốt mà chỉ cần một việc làm sai thì đã không còn gì nữa rồi”, ông Phương nói.
ĐB Vũ Thị Như Mai (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) cũng bày tỏ băn khoăn về quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch đặc khu trong đầu tư công.
“Hiện nay, theo quy định của dự thảo, chủ tịch đặc khu có thẩm quyền quyết định đầu tư với các dự án nhóm A. Tuy nhiên, theo điều 8 của luật Đầu tư công, dự án nhóm A có đặc thù rất quan trọng, gắn với môi trường, chính trị, an ninh quốc phòng… Vì vậy, cần cân nhắc giao cho Chủ tịch UBND đặc khu quyết định các dự án nhóm A, nhất là các dự án sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước”, ĐB nêu quan điểm.
Dẫn chứng Điều 69 của dự thảo luật, ĐB Mai cho biết, Chủ tịch đặc khu có thẩm quyền vừa lập dự án, thẩm định dự án, phê duyệt, ký kết hợp đồng dự án theo hình thức đầu tư phù hợp tại đặc khu.
“Chúng tôi thấy đây là một quy trình có nhiều công đoạn khác nhau. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện theo nhiều chủ thể khác nhau. Nếu chỉ giao cho một cá nhân có lẽ không đảm bảo tính khách quan, tính hợp lý. Rất có thể sẽ có trường hợp gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, tôi đề nghị cân nhắc quy định để phù hợp với luật Đầu tư công”, ĐB Mai phân tích.
Liên quan đến quy định trong dự thảo luật giao cho chủ tịch đặc khu toàn quyền lựa chọn nhà thầu, ĐB Mai đề nghị làm rõ thẩm quyền đó phải gắn liền với luật Đấu thầu. “Có những nguyên tắc cơ bản vẫn phải thực hiện”, bà nói.
Về vấn đề quản lý sử dụng đất đai, ĐB Mai cho biết, theo quy định dự thảo luật, Ủy ban nhân dân có quyền thu hồi đất.
“Có vấn đề chúng ta phải quan tâm là việc khiếu kiện kéo dài do thu hồi đất. Chúng tôi mong muốn rằng trong dự thảo luật, đi đôi với quy định quyền lực của cá nhân chủ tịch UBND đặc khu cần làm rõ trách nhiệm cá nhân, làm rõ cơ chế đảm bảo quyền lợi có đất của người bị thu hồi”, ĐB nói.
ĐB Võ Đình Tín (đoàn Đắk Nông) cũng cho rằng dự thảo luật có nhiều quy định trao cho Chủ tịch UBND đặc khu được quyền quyết định nhiều nội dung quan trọng mà thông thường thuộc thẩm quyền của UBND theo chế độ tập thể, trong đó có những nhiệm vụ phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Quy định trên là xung đột với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Luật này cũng không quy định việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương các đặc khu” – ông Võ Đình Tín nhấn mạnh.
Tranh luận lại các ý kiến trên, ĐB Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho rằng với tinh thần thử nghiệm, nổi trội và đột phá, chắc chắn Chính phủ sẽ phải tìm những người rất có kinh nghiệm và có trình độ vào những chức vụ này.
“Nếu những việc lớn mà không quyết được thì lại quay về như cũ, như mô hình mà chúng ta đang áp dụng ở các nơi khác, không có gì đột phá”, ĐB Thân phân tích.
Cũng tại phiên họp, ĐB Mai bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của dự án luật. “Về nguồn lực thực hiện, theo ước tính để đầu tư cho 3 đặc khu, chúng ta cần khoảng 1,5 triệu nghìn tỷ đồng. Tín hiệu đáng mừng là vai trò của các các thành phần kinh tế khác được phát huy. Tuy nhiên, với tính chất đặc thù của cả 3 đặc khu về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh, chúng tôi hiểu rằng, nhiều công trình, dự án, hạng mục không thể thiếu bàn tay Nhà nước và vai trò của ngân sách Nhà nước là bắt buộc. Do vậy, bài toán đặt ra là chúng ta phải đưa ra phương án tài chính hợp lý. Trong tổng số nguồn lực đó, nhà nước phải đầu tư bao nhiêu?”, bà Mai nói và đề nghị làm rõ tính khả thi của phương án huy động nguồn lực, thời gian thực hiện.
Về chính sách thuế, ĐB Mai dẫn báo cáo của tổ chức Oxfarm cho rằng các chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam chưa thực sự đem lại hiệu quả thiết thực. Báo cáo của Ngân hàng thế giới cũng cho thấy 85% nhà đầu tư ngay trên lãnh thổ Việt Nam cho rằng, chính sách thuế chưa phải là vấn đề họ quan tâm.
“Hiện nay, theo kinh nghiệm quốc tế của nhiều nước, quá trình phát triển các đặc khu không đặt ra thuế là điều kiện tiên quyết. Vì vậy, chúng tôi đề nghị rà soát để đảm bảo tính khả thi. Cụ thể, tôi đề nghị bỏ quy định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ kinh doanh casino, kinh doanh đặt cược, trò chơi điện tử”, ĐB Mai nêu quan điểm.