Chủ tịch nước kêu gọi làm tốt lời dạy đầu xuân của Bác

Chủ tịch nước kêu gọi làm tốt lời dạy đầu xuân của Bác
Hôm nay, 15/2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về dự Lễ và đánh trống phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Bính Thân năm 2016 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Tuyên Quang tổ chức tại xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. 
Đây là một xã trong vùng “Thủ đô kháng chiến” trước đây và có phong trào trồng rừng, bảo vệ rừng tốt những năm qua.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thân ái gửi tới đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. 
Chủ tịch nước nhấn mạnh, 56 năm qua, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, ghi nhớ và làm theo lời dạy của Bác Hồ “mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, nhân dân ta lại tổ chức ngày hội “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.”
Tết trồng cây đã trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong những ngày vui tết, đón xuân và đem lại những kết quả to lớn, góp phần tích cực bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Chủ tịch nước cho rằng, ngày nay, khi trái đất đang nóng lên, biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng, thiên tai, bão lũ diễn biến bất thường, sức tàn phá ngày càng lớn, đe dọa cuộc sống của con người, phát triển kinh tế bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường đã trở thành yêu cầu sống còn với mọi quốc gia, thì việc trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng ngày càng có ý nghĩa chiến lược to lớn, hết sức quan trọng. 
Chủ tịch nước kêu gọi các cấp, các ngành, các địa phương, toàn thể đồng bào, đồng chí, các cụ, các bác, các anh, các chị, các cháu thanh niên, thiếu nhi cả nước, trong những ngày vui tết, đón xuân Bính Thân 2016, hãy hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng, trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, lấy bóng mát, trồng cây chắn gió, bảo vệ đê sông, đê biển, chống xói mòn đất, chống xâm nhập mặn vào đồng bằng, chống cát bay; trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng kinh tế... phù hợp với điều kiện từng nơi; đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật.
Làm tốt điều này là làm theo lời dạy của Bác, vừa góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, vừa giữ gìn môi trường sống bền vững cho muôn đời con cháu.
Cũng trong chuyến công tác tại tỉnh Tuyên Quang nhân dịp Xuân Bính Thân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã đến dâng hương tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. 
Tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, Chủ tịch nước và đoàn công tác đã dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lán Nà Nưa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và làm việc những ngày trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. 
Tại đây, Người đã cùng Trung ương Đảng đưa ra những chỉ đạo quan trọng, có tính chất quyết định với thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, giành độc lập tự do cho dân tộc.
Nói chuyện và tặng quà cho người dân xã Tân Trào, Chủ tịch nước động viên bà con phát huy hơn nữa thành tích trong xây dựng nông thôn mới để nhanh chóng xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống.
Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân các địa phương đã hưởng ứng, hăng hái tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 
Năm 2015, cả nước đã trồng được gần 246,5 nghìn ha rừng; khoán quản lý, bảo vệ 6,7 triệu ha rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 335.000 ha và trồng cây phân tán được 56 triệu cây. Tất cả các chỉ tiêu nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng đều tăng so với năm 2014. 
Giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 7,243 tỷ USD tăng hơn 10,2% so với năm 2014. Công tác quản lý bảo vệ rừng tiếp tục chuyển biến tích cực; tổng số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng giảm 15%; thiệt hại do phá rừng giảm 22% so với năm 2014; các vụ cháy rừng được lực lượng chức năng phát hiện sớm, huy động lực lượng chữa cháy kịp thời, đã giảm thiểu tối đa thiệt hại. 
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục tạo nguồn thu gần 1.330 tỷ đồng cho các hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng, khẳng định vai trò xã hội hóa nghề rừng, tạo động lực quan trọng thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
Tuy vậy, tình trạng phá rừng còn diễn ra ở một số địa phương, đặc biệt là những vùng giáp ranh, các khu rừng đặc dụng còn giàu tài nguyên; kết quả trồng rừng phòng hộ, đặc dụng còn thấp, đặc biệt là trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng khác mới đạt 57% kế hoạch, trồng rừng ven biển triển khai chậm, tình trạng phá rừng, mất rừng và chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra phức tạp ở một số nơi gây bức xúc trong xã hội; việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp ở một số địa phương chưa kịp thời, chưa có sự chuyển biến rõ nét trên thực tiễn; đời sống của đồng bào sống trong rừng, gần rừng và phụ thuộc vào rừng vẫn còn rất khó khăn, chưa sống ổn định được bằng nghề rừng. 

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.