Đợi bà con đi làm đồng về mới gõ cửa
Chính xác hơn, ở đây, địa phương không chỉ vì chủ đầu tư (EVN) mà đang nỗ lực vì sự phát triển của chính mình, bởi dự án trên từng “lỡ chuyến” từ nhiệm kỳ trước. Do vậy, nhiệm kỳ này, Quảng Bình hạ quyết tâm hiện thực hóa bằng được dự án năng lượng trên.
Quyết định điều động ông Nguyễn Xuân Đạt - Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Bình - một lãnh đạo thuộc thế hệ 7X về làm Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch một phần cũng được cho là để phục vụ nhiệm vụ quan trọng này. Bởi thực tế, vấn đề “xương” nhất đối với Trung tâm Điện lực Quảng Trạch đến thời điểm này vẫn là khâu giải phóng mặt bằng. Sức trẻ của ông Đạt, trong trường hợp này được lãnh đạo tỉnh Quảng Bình kỳ vọng sẽ thúc đẩy được vấn đề trên?
“Công việc cũng khá khó khăn! Thế nên, gần đây, phần lớn thời gian, chúng tôi phải về dưới cơ sở. Thậm chí, để gặp được người dân, anh em phải chọn giờ bà con đi làm đồng về, chờ họ ăn nghỉ xong xuôi rồi mình mới tới làm công tác dân vận. Ở đó, chúng tôi giải thích, thuyết phục để người dân thôn Vịnh Sơn (Quảng Đông, Quảng Trạch) hiểu, ủng hộ chủ trương của tỉnh về việc triển khai dự án”, ông Đạt nói.
Theo thống kê, còn tới hơn 50 hộ dân tái lấn chiếm đất, canh tác nông nghiệp trên phạm vi dự án, tới nay chưa giải quyết xong - vẫn đang tiếp tục làm công tác vận động, và đang chờ hạn chót vào ngày 30/9/2017. Ngoài ra, khoảng 500 hộ dân thôn Vịnh Sơn đang đề nghị được tại định cư xa khu vực xây dựng Trung tâm Điện lực Quảng Trạch vì e ngại vấn đề môi trường... Tất cả những tình huống đó đang thực sự là “lửa thử vàng” đối với Đảng bộ huyện Quảng Trạch cũng như cá nhân ông Chủ tịch huyện.
“Có khi, chính quyền vừa thông báo mời một số người dân lên trụ sở để trao đổi, thuyết phục, thì cùng lúc có cả hàng chục người khác cùng xuất hiện, nhiều khi toàn các chị phụ nữ và trẻ em. Đáng nói, có lúc, có những người không có một quyền lợi gì liên quan đến việc triển khai dự án cũng xuất hiện để gây cản trở”, lời ông Đạt.
Xung quanh yêu cầu tái định cư của hàng trăm hộ dân, ông Lê Anh Đức - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Nhiệt điện 2 (EVN) mới đây cho biết “đó là vấn đề ngoại phạm vi dự án” của chủ đầu tư; còn đại diện huyện Quảng Trạch thì khẳng định “dự án đến đâu, triển khai các công việc liên quan đến đó”.
“Thời dự án còn thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), ngoài dự định đầu tư nhiệt điện, họ còn dự kiến triển khai đầu tư lĩnh vực khác ở đây nên tính toán việc tái định cư quy mô lớn. Nhưng giờ - khi về EVN, giai đoạn này chỉ là một nhà máy đầu tiên với quy mô như thế nên khó thỏa mãn nhu cầu của hàng trăm hộ.
Qua khảo sát, chúng tôi biết sở dĩ hàng trăm hộ muốn tái định cư là vì cùng gia đình, họ hàng với nhau - bố mẹ di chuyển nên con cái cũng muốn đi theo hoặc ngược lại. Những vấn đề này đang được tiếp tục giải thích rõ với bà con, với tính thần kiên trì và bảo vệ những cái nào thuộc về quyền lợi hợp pháp, chính đáng của họ”, Chủ tịch huyện Quảng Trạch nói thêm.
Dự án tỷ đô này từng "sa lầy" khi thuộc PVN, vì thế khi EVN vào "thế chân", áp lực tiến độ sẽ không hề nhỏ (trong ảnh: lãnh đạo cấp cao EVN khảo sát mặt bằng dự án) |
Bao giờ có công trình phúc lợi cho dân?
Được biết, để phục vụ Dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, mới đây UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu cấp phát vốn để triển khai thi công các công trình đường giao thông, trường mẫu giáo tại thôn Vịnh Sơn đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư trong năm 2017.
Ngoài ra, địa phương cũng đề nghị chủ đầu tư cần chủ động phối hợp với UBND xã Quảng Đông, thôn Vịnh Sơn xem xét, lựa chọn đầu tư một số công trình phúc lợi cho thôn này.
Liên quan việc kiểm toán để bàn giao dứt điểm chi phí đầu tư ban đầu giữa 2 Tập đoàn PVN và EVN, tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Tài chính chỉ đạo, đôn đốc để sớm hoàn thành việc kiểm toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng trước ngày 30/10/2017 để có cơ sở yêu cầu EVN hoàn trả khoản kinh phí nói trên cho PVN.
Trước đó, trao đổi với PLVN, bà Lê Thị Tuyển - Phó Giám đốc Sở Tài chính Quảng Bình cũng xác nhận khoản kinh phí phải xem xét hồ sơ và tính toán lại khối lượng để quyết toán là 250 tỷ đồng PVN đã phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Sau khi tiếp quản dự án từ PVN, EVN đã yêu cầu kiểm toán làm rõ từng hạng mục trước khi thanh toán cho PVN. Nguyên Trưởng ban quản lý dự án Điện lực Dầu khí Vũng Áng - Quảng Trạch (PVN) Hồ Xuân Hiền cho biết, tập đoàn này đã tổ chức đấu thầu, thuê kiểm toán độc lâp để xác định chính xác giá trị khối lượng từng thi công ở đây.