Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cả đời phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng chiến sĩ miền Nam năm 1965. (Ảnh: Tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng chiến sĩ miền Nam năm 1965. (Ảnh: Tư liệu)
(PLVN) -  Nói chuyện cùng đồng bào trước khi sang Pháp, tại cuộc mít tinh ở Hà Nội, ngày 30/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó…”.

Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết

Quốc hội khóa I, tại Kỳ họp thứ 2, tháng 10/1946, đã thông qua bản Hiến pháp lịch sử mà tư tưởng dân chủ - pháp quyền đã định hình với dấu ấn đặc sắc của Hồ Chí Minh, khẳng định nhân dân là chủ thể gốc của quyền lực, dân là chủ và dân làm chủ: “Mọi công việc trọng đại của quốc gia phải đưa ra cho toàn dân phúc quyết”. Tính pháp lý và tính nhân văn của nền dân chủ nhân dân ở nước ta hình thành từ đó.

Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia chính thức và Hồ Chí Minh đã được đa số tuyệt đối các đại biểu nhân dân tuyệt đối tín nhiệm, tin cậy giao cho trọng trách đó. Không ai có thể quên lời tuyên bố của Người trước Quốc hội, trước quốc dân đồng bào và trước toàn thế giới. Từ những lời tuyên bố của Người, nổi bật mục đích, động cơ trong sạch, chính trực, chân thành, tâm huyết và trách nhiệm, cả đức hy sinh và lòng dũng cảm chiến đấu cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của dân tộc và nhân dân. Người nêu rõ, Chính phủ này là Chính phủ của dân, phụng sự Tổ quốc và nhân dân, một Chính phủ đoàn kết toàn dân, trọng dụng hiền tài trong cả nước; một Chính phủ liêm khiết, biết làm việc, rất gan góc, trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà…

Có thể xem những lời tuyên bố của Người mang ý nghĩa một thông điệp hành động, một lời hứa trước quốc dân đồng bào sẽ làm hết sức mình trong việc an dân, trị quốc, xứng đáng với sự ủy quyền của nhân dân. Thông điệp đó còn hàm chứa quan điểm, lập trường của Chính phủ và Nhà nước ta do Hồ Chí Minh đứng đầu quyết tranh đấu cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc, giữ vững chủ quyền trong đường lối ngoại giao. Đó là “cái bất biến”, là nguyên tắc, là mục đích tối cao, bất di bất dịch: “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết”, “Dĩ công vi thượng”…

Cái bất biến ấy cũng là lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc và nhân dân mà Người và cả nội các đã tuyên thệ dưới bàn thờ Tổ quốc, trước sự chứng kiến của Quốc hội: “Dẫu có phải hy sinh cả tính mệnh cũng không nề hà”. Lời thề ấy một lần nữa khẳng định tinh thần “dĩ bất biến” của Bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ do Người trực tiếp viết và đọc trong Lễ Độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình trước quốc dân đồng bào.

Trong cuộc chiến đấu cam go, quyết phá tan âm mưu chia rẽ và chia cắt đất nước ta của bọn đế quốc thực dân xâm lược và bè lũ phản động, Người từng nói không chỉ một lần: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Đến những năm cuối đời, Người còn nói: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”. Đó là bất biến trên lập trường, quan điểm chính trị mà cũng là bất biến về ý thức và tình cảm đạo đức của Hồ Chí Minh.

Nói chuyện cùng đồng bào trước khi sang Pháp, tại cuộc mít tinh ở Hà Nội, ngày 30/5/1946, trước đông đảo quần chúng, Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng cũng vì mục đích đó. Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc, lợi dân”.

Một tinh thần bất khuất, không thể khuất phục

Và dù đã nỗ lực hết sức mình, kiên trì và nhẫn nại để quyết giữ vững hòa bình, độc lập, thống nhất, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ; trong đàm phán vừa nêu cao nguyên tắc, vừa ứng phó linh hoạt, tranh thủ tối đa thiện cảm của bạn bè và nhân dân Pháp, nhân dân các nước trên thế giới, thậm chí có lúc phải lựa chọn cả những giải pháp thỏa hiệp, nhân nhượng đau đớn để cứu vãn tình thế, nhưng kẻ thù vẫn dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Đêm 19/12/1946, toàn quốc kháng chiến bắt đầu, giờ cứu nước đã điểm, Người phát đi lời kêu gọi: “Thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Tạm rời Hà Nội trong khói lửa, Hồ Chí Minh và cơ quan đầu não của Chính phủ rút về Việt Bắc, lãnh đạo toàn dân “vừa kháng chiến vừa kiến quốc” với quyết tâm và niềm tin sắt đá “kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành”.

Ngay những ngày đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ này, vào lúc 22h ngày 11/5/1947, Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng ngoại giao Hoàng Minh Giám đã tiếp Pôn-Muýt, phái viên của Cao ủy Bôlae để chuyển tới Người một thông điệp. Buổi tiếp diễn ra tại một địa điểm trong thị xã Thái Nguyên đã bị tàn phá. Sau khi nghe Pôn-Muýt đọc thuộc lòng bản thông điệp của Cao ủy Bôlae với những điều kiện ngang ngược để ngừng bắn (đòi Việt Nam phải nộp vũ khí cho Pháp; quân đội Pháp được quyền tự do đi lại trên đất nước Việt Nam; Chính phủ Việt Nam phải trả lại cho Pháp tất cả những người đã bị bắt; Chính phủ Việt Nam phải trao lại cho Pháp tất cả những người nước ngoài (ý nói Nhật và Pháp) đã chạy sang phía Việt Nam). Hồ Chí Minh nghiêm nét mặt nhưng bình tĩnh và giọng nói ôn tồn. Người hỏi Pôn-Muýt: “Nếu ở địa vị tôi, ông sẽ có thái độ thế nào đối với bản thông điệp của Bôlae? Ông có nhận những điều kiện đó không?” Thấy Pôn-Muýt lúng túng, Người nói ngay: “Có nghĩa là ông cũng đòi chúng tôi phải đầu hàng. Và ông có nghĩ chúng tôi có thể đầu hàng không?” Người nói tiếp: “Lại còn điều kiện liên quan đến những người nước ngoài đứng trong hàng ngũ kháng chiến Việt Nam chống thực dân. Phải là một kẻ hèn mạt mới chấp nhận điều đó. Nếu tôi chấp nhận, tôi là một kẻ hèn mạt. Và tôi nghĩ rằng trong Liên hiệp Pháp không có chỗ cho những kẻ hèn mạt”.

Kiên quyết, nhất quán, bất khuất nên không gì có thể khuất phục được Hồ Chí Minh và dân tộc của Người. Hãy nhớ lại sự kiện ngày 8/12/1946, đáp lại lời tướng Ra-Un-Xa-Lăng vừa thông báo lại vừa hàm ý đe dọa khi ông ta nói: “Quân Pháp sẽ đổ bộ vào Việt Nam là chắc chắn”; Hồ Chí Minh trả lời: “…Cho dù cả thế giới chống lại chúng tôi, chúng tôi cũng không thể chấp nhận làm nô lệ”. Người đã nói trên đài phát thanh ngày 26/9/1945 khi Pháp nổ súng xâm chiếm Nam Bộ: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”.

Những sự kiện trên đủ thấy, Hồ Chí Minh “bất biến” và “vạn biến” như thế nào trong đường lối ngoại giao. Và còn biết bao sự kiện cùng những lời tuyên bố, những ứng xử của Người trước các đối thủ cũng như trước các nhà báo, bạn bè quốc tế, tỏ rõ tính kiên quyết, kết hợp với tính linh hoạt, mềm dẻo của Người tùy lúc, tùy nơi đã mang lại hiệu quả, kết quả to lớn. Người phân biệt một cách sáng suốt kẻ thù với bạn bè, đế quốc thực dân là quỷ dữ phải đánh đuổi; với nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ, nước Pháp và nước Mỹ phải thắt chặt tình hữu nghị, tìm kiếm sự giúp đỡ, ủng hộ và tin cậy. Người còn viết cả thư cho tù binh và hàng binh, binh vận, địch vận vô cùng khéo léo, tinh tế để giác ngộ, thức tỉnh họ.

Nhà ngoại giao Võ Văn Sang đã từng đề cập tới “Trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh” và ông dành nhiều tâm huyết cùng với sự tích lũy tri thức, kinh nghiệm hoạt động ngoại giao để viết cuốn sách “Suy ngẫm về trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh”. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” chính là một trong những nét đặc sắc, nổi bật của văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh, của phong cách ứng xử của Người trong đấu tranh ngoại giao, cũng có thể nói đó là điểm sáng tạo độc đáo trong trường phái ngoại giao mang tên Người. Báo Quốc gia của Ấn Độ đã viết: “Đằng sau cái cốt cách dịu dàng của Cụ Hồ là một ý chí sắt thép. Đằng sau cái bề ngoài giản dị là một tinh thần quật khởi anh hùng không có gì uy hiếp nổi”.

Đường lối đối ngoại hòa bình hữu nghị, hợp tác, làm bạn với tất cả các nước, là thành viên có trách nhiệm và tin cậy của cộng đồng quốc tế mà Đảng ta kiên trì, nhất quán, định hình ở chính sách ngoại giao Nhà nước, đa phương hóa, đa dạng hóa, tôn trọng độc lập, chủ quyền, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi… chính là sự vận dụng tư tưởng, phương pháp, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh.

Đạo đức và văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu trong tư tưởng, phương pháp và phong cách ngoại giao của Người càng cần phải thấm nhuần trong hoạt động ngoại giao của Việt Nam thời đương đại mà điểm mấu chốt là tấm lòng thành thật, khiêm nhường và bao dung, kiên quyết mà kiên nhẫn, biết chờ đợi, biết lắng nghe, “cầu đồng tồn dị”, biết mình, biết người, thêm bạn bớt thù, biết thuyết phục, thu phục nhân tâm, chinh phục lòng người mà Bác Hồ đã từng “làm mẫu” cho chúng ta noi theo.

GS. TS. Hoàng Chí Bảo

Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Đọc thêm

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
(PLVN) - Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn.

Báo cáo Nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về thực tế tại Việt Nam

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
(PLVN) - "Báo cáo Nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4/2024 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam".

Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và Động viên công nghiệp: Bảo đảm xây dựng nền công nghiệp quốc phòng chủ động, lưỡng dụng

Đại tướng Phan Văn Giang tham quan Nhà máy Z131 (Tổng cục CNQP). (Ảnh: Lam Hạnh)
(PLVN) - Mới đây Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và Động viên công nghiệp trên địa bàn Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức thực hiện biên chế

Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đánh giá kết quả đạt được và hạn chế, đồng thời xác định một số nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2026. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Hôm qua (24/4), tại Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng đã diễn ra Hội nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế (Phiên họp thứ 3). Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế Trương Thị Mai chủ trì Hội nghị.

Cần xây dựng lộ trình kiểm soát giá

Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Lê Minh Khái chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Hằng)
(PLVN) - Ngày 24/4, khi chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá quý I/2024, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Lê Minh Khái đề nghị các Bộ, ngành cần xây dựng lộ trình tăng giá các mặt hàng dịch vụ một cách hợp lý, nhịp nhàng.

Lễ xuất quân Hành trình 'Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông'

Lễ xuất quân Hành trình 'Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông'
Sáng 24/4, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn tổ chức Lễ xuất quân hành trình "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông" với chuỗi các hoạt động thăm, tặng quà, tri ân các gia đình cựu chiến sĩ Điện Biên, các thương - bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Báo chí Uruguay và Argentina khẳng định ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ

Báo chí Uruguay và Argentina khẳng định ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ
Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), trang El Popular của Đảng Cộng sản Uruguay và tờ Resumen Latinoamericano của Argentina đã đăng bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Argentina Ngô Minh Nguyệt, trong đó khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.