Một chuyên gia ngân hàng nhận xét, do chưa có thông tư hướng dẫn nên có thể nói dù muốn cũng chưa thể áp dụng Nghị định 24 ngay ngày 25/5 được. Theo dự thảo thông tư, sẽ có 6 tháng để các đơn vị mua, bán vàng miếng đăng ký, xin cấp phép. Do đó, nơi nào đang mua, bán thì cứ mua, bán, chờ khi có hướng dẫn cụ thể. Cả nước hiện nay ước khoảng hơn 12.000 hộ kinh doanh vàng nhỏ lẻ đang phải loay hoay tìm “lối thoát”.
Ảnh minh họa. |
"Siết chặt" quản lý kinh doanh vàng miếng
Theo các chuyên gia, việc Nghị định 24 siết chặt hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng là điều cần thiết, góp phần chấn chỉnh những bất cập như đầu cơ, làm giá, lập lờ chất lượng… đã tồn tại trên thị trường vàng từ trước đến nay.
Trong khi chờ Nghị định 24/2012/NĐ-CP có hiệu lực, nhiều người dân đã tranh thủ mua bán vàng miếng khi giá vàng trong nước những ngày qua giảm sút mạnh. Sau nhiều tháng lặng sóng, từ đầu tháng 5 đến nay thị trường vàng có phần nhộn nhịp trở lại.
Tuy nhiên, giao dịch trên thị trường rất khó hiểu khi nhiều nhà đầu tư lớn có xu hướng bán vàng, còn một số doanh nghiệp, tổ chức, người dân... lại mua vào. Một chủ cửa hàng vàng tại Trung tâm mua bán vàng bạc đá quý chợ Bến Thành, quận 1 (TP.HCM) cho biết: “Giá vàng đang rẻ, chúng tôi phải mua vào số lượng lớn để trữ làm nguyên liệu sản xuất nữ trang. Nếu không, đợi đến khi Nghị định 24 có hiệu lực chắc chắn sẽ khó mua vàng hơn bây giờ”.
Như PLVN đã đưa, theo quy định tại Nghị định 24, doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chỉ khi đáp ứng đủ 5 điều kiện: doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế); có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
Chiếu theo quy định này, chỉ còn khoảng 10-20 đơn vị đủ điều kiện, và các tiệm vàng nhỏ lẻ, doanh nghiệp tư nhân sẽ không còn được kinh doanh vàng miếng.
Chính những quy định trên đã tạo cú sốc cho thị trường và khiến hoạt động mua - bán vàng của nhà đầu tư cũng như người dân trở nên trầm lắng, mặc dù giá mặt hàng kim loại quý này đang trong đợt điều chỉnh giảm và được xem là cơ hội để mua vào. Doanh số giao dịch mua - bán vàng miếng của PNJ chỉ ở mức khoảng 700 - 800 lượng/ngày (bán ra) và mua vào cũng trên dưới mức này, ông Lê Hữu Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết.
Doanh nghiệp nhỏ khó trăm bề
Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB) cho biết: Sắp tới, hàng loạt doanh nghiệp đang mua, bán vàng miếng phải ngừng mua, bán vàng miếng, chỉ còn được kinh doanh vàng nữ trang mà thôi. Bởi lẽ trừ 9 doanh nghiệp có thương hiệu vàng SJC, AAA, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, Thần Tài, ACB, Ngọc Thẩm (Mỹ Tho), Phú Quý thì hầu hết doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện của Nghị định 24 nên sẽ không được tiếp tục mua, bán vàng miếng.
Khi cơ hội kinh doanh vàng miếng bị thu hẹp, các công ty kinh doanh vàng đang dồn sức cho hoạt động kinh doanh vàng nữ trang nếu không muốn “đóng cửa”. Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM, ngành nữ trang đang có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới do quy định của Nghị định 24 theo hướng chuẩn hóa chất lượng sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo giới kinh doanh vàng, 95% lợi nhuận hiện nay của các tiệm vàng là từ kinh doanh vàng miếng, còn mặt hàng nữ trang chỉ là thứ yếu, do làm nữ trang chi phí nhân công cao, chi phí đầu tư máy móc thiết bị lại lớn, trong khi nhu cầu mua không nhiều như vàng miếng.
Đặng Chung