Các địa phương đã chủ động phương án sẵn sàng sơ tán dân khi bão số 1 đổ bộ trực tiếp và xảy ra lũ. Hiện sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Theo báo cáo nhanh ngày 31-3-2012 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tỉnh Bình Thuận có 33 điểm dân cư với 7.134 hộ/31.610 nhân khẩu phải sơ tán, di dời khi có bão đổ bộ trực tiếp.
Các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Long An Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh đã có phương án sơ tán, di dời ở các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Theo báo cáo, tính đến 6h30 ngày 31-3 đã thông báo được tổng số 48.575 tàu, thuyền và 230.324 lao động biết vị trí, diễn biến của bão.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý công trình thủy lợi – Tổng cục Thủy lợi, các hồ chứa thủy lợi hiện tại vẫn an toàn. Tuy nhiên do chưa cấp nước tưới vụ Hè Thu nên mực nước nhiều hồ chứa ở Nam Trung Bộ còn ở mức cao, dung tích trữ đạt 70-90% thiết kế; một số hồ chứa xấp xỉ đầy như Hóc Răm (Phú Yên) 99%, Đồng Tròn (Phú Yên) 94%, Vạn Hội, Hội Sơn (Bình Định) 93%, các hồ chứa ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ còn ở mức thấp.
Các hồ thủy lợi, thủy điện lớn trong khu vực miền Nam vẫn hoạt động bình thường.
* Gió xoáy làm tốc mái hơn 70 căn nhà ở Long An
Theo báo cáo của Ban phòng chống lụt bão tỉnh Long An, do ảnh hưởng cơn bão số 1, khoảng 2-3h sáng nay, 31-3, một cơn gió xoáy đổ vào hai huyện tiếp giáp ven biển là Cần Đước và Cần Giuộc (tỉnh Long An) đã làm hơn 70 căn nhà tốc mái, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Thiệt hại nặng nhất là xã Long Thượng, Phước Lý (huyện Cần Giuộc) có 50 căn bị tốc mái.
Ngay khi trời sáng, hai huyện Cần Giuộc và Cần Đước đã tích cực huy động nhân dân, các lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội, lực lượng thanh niên tại chỗ, hỗ trợ bà con khắc sửa chữa lại nhà cửa. Huyện cũng đã trích ngân sách hỗ trợ mỗi hộ 5 triệu đồng để mua cây, lá lợp lại nhà cửa, ổn định cuộc sống, Ngoài ra, bà con ở hai huyện này cũng được khuyến cáo dùng cây, dây kẽm chằng, chống gió xoáy cho hơn 2.000 căn nhà để phòng chống cơn bão số 1. Hai huyện Cần Giuộc và Cần Đước cũng đã kêu gọi gần 800 phương tiện đánh bắt ven biển vào các sông rạch trú ẩn đề phòng gió xoáy trong bão
* Phú Yên: Hàng trăm tàu thuyền tìm nơi trú tránh bão an toàn
Đến sáng nay, 31-3, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Phú Yên đã về đến đất liền, neo đậu an toàn tại bến, cảng trong tỉnh. Mỗi tàu cử từ 2-3 ngư dân trông coi. Trong khi đó, có 47 tàu thuyền khác với 214 lao động đang neo đậu tại các bến, cảng ngoài tỉnh, như Cà Ná (Ninh Thuận), Cam Ranh (Khánh Hòa) và đảo Phú Quý (Bình Thuận).
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Phú Yên, cho biết đến chiều ngày 30-3 còn 220 tàu cá với hơn 2.000 lao động đang hoạt động trên biển thuộc khu vực quần đảo Trường Sa ở vị trí từ 7-12 độ vĩ Bắc; 109-117 độ kinh Đông.
Riêng tàu câu cá ngừ đại dương PY90945-TS của ông Trần Văn Thảo (phường 6, TP Tuy Hòa) cùng 9 lao động bị mắc cạn từ ngày 28-3 tại đảo Đá Lớn (quần đảo Trường Sa) đã được tàu Hải quân cứu nạn. Hiện tàu này đang bị rò rỉ nước, neo đậu tại vị trí 100 1’ 24” độ vĩ Bắc; 1130 57’ độ kinh Đông, cách đảo Đá Lớn khoảng 11 hải lý về hướng Đông Đông Nam.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên cũng đã chỉ đạo các đồn biên phòng theo dõi sát diễn biến cơn bão số 1, đồng thời phối hợp với gia đình, các chủ tàu và chính quyền địa phương thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động tránh trú an toàn. Đồng thời thường xuyên liên lạc với thuyền trưởng bag chủ các tàu thuyền Phú Yên đang hoạt động và neo đậu tại bến, cảng trong và ngoài tỉnh.
-
Bão đi vào địa phận Bình Thuận – Bến Tre
Theo trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 7h sáng nay, 31-3, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,9 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 120km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 1 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10km. Đến 7h ngày 1-4, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,0 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển Bình Thuận – Bà Rịa Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 1 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào địa phận Bình Thuận – Bến Tre và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 7h ngày 2-4 vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông trên vùng biên giới Việt Nam – Căm Pu Chia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của bão vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bến Tre (bao gồm cả khu vực đảo Phú Quý) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bến Tre từ chiều nay (31-3) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Ngoài ra, sáng nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ. Ngày và đêm nay (31-3), không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông; gió đông bắc trong đất liền cấp 3 - 4, vùng ven biển cấp 5, giật cấp 6 - 7. Ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi Trung Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9. Biển động mạnh. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời trở rét.
-
Không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến miền Bắc
Ngoài ra, sáng nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ.
Ngày và đêm nay (31/3), không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông; gió đông bắc trong đất liền cấp 3 - 4, vùng ven biển cấp 5, giật cấp 6 - 7.
Ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi Trung Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9. Biển động mạnh. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời trở rét.
Theo SGGP