Quá trình đổi mới, sáng tạo, Đảng phải ra sức chống những người có tư tưởng bàng quan, không hành động, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, bởi đây chính là cản trở lớn cho công cuộc xây dựng, đổi mới của Đảng và đất nước.
Cần tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Trong bài viết với nhan đề: “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm có tính thực tiễn cao đã được đúc rút từ nhiệm kỳ trước, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Khẳng định nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh: Với một đảng cách mạng chân chính, trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín lãnh đạo như Đảng ta, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, chúng ta sẽ có một sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không thế lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên.
Đặc biệt, trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, thật sự năng động, sáng tạo, chú trọng tạo đột phá để phát triển. Đồng thời phải bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động.
“Cái mới bao giờ cũng khó khăn, nên những người đi “khai phá” có thể sẽ gặp trở ngại nhất định. Nhưng quan trọng là họ phải có tấm lòng, có động cơ trong sáng vì Tổ quốc, vì nhân dân, không tư lợi. Chỉ cần một chút biểu hiện của tư lợi nhen nhóm sẽ dẫn đến sự “lệch pha” trong hành động” - PGS. TS Phan Hữu Tích, giảng viên cao cấp Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Bảo vệ chính trị nội bộ - Ban Tổ chức Trung ương nhận định.
Phân tích rõ hơn vấn đề này, PGS Phan Hữu Tích cho rằng, nếu vì sợ liên lụy, sợ trách nhiệm mà không dám hành động thì người cán bộ, đảng viên đó không làm tròn vai trò, chức trách của mình. Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, “xây” và “chống” là hai mặt gắn bó hữu cơ, kết hợp nhuần nhuyễn, trong đó “chống” phải kiên quyết.
Nhưng trong đổi mới thì có những việc chưa có tiền lệ, đầy khó khăn trắc trở, đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải dám xông pha, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm; phải đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lên trước lợi ích riêng của cá nhân. Vì Đảng, vì dân mà gương mẫu trong mọi việc. Từ những động cơ trong sáng ấy, chắc chắn sẽ có nhiều người ủng hộ và luôn bên cạnh mình, giúp mình không đi chệch “đường ray”.
Bên cạnh đó, Đảng cũng chống bằng được những người có tư tưởng cơ hội, vụ lợi, đố kỵ; thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, phê bình, làm việc gì cũng lo cho bản thân hoặc không dám làm vì sợ sai. “Phải ra sức chống những người có tư tưởng bàng quan, không hành động, bởi đây chính là cản trở lớn cho công cuộc đổi mới của Đảng và đất nước” - PGS Phan Hữu Tích nhấn mạnh.
Nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ ngành Tư pháp
Để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải đoàn kết, đồng lòng, thống nhất từ nhận thức cho đến hành động. Hai trong nhiều nhiệm vụ quan trọng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt ra trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và giai đoạn sắp tới là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân. Cùng với đó, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…
Theo PGS Phan Hữu Tích, quá trình phát triển đất nước, bên cạnh những thành tựu to lớn, chúng ta vẫn còn những tồn tại trong công tác xây dựng thể chế, ảnh hưởng đến quá trình hội nhập quốc tế. Điển hình là hệ thống pháp luật chưa thật sự đồng bộ, nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo và mâu thuẫn; đội ngũ luật sư giỏi của Việt Nam có thể tham gia các vụ án liên quan đến tranh chấp thương mại quốc tế khá ít, nếu có tranh chấp xảy ra, hầu hết chúng ta đều thuê luật sư của các hãng Luật nước ngoài…
Trong khi đó cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác ngày càng tác động mạnh, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta.
“Trước tình hình này, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và các cán bộ ngành Tư pháp nói riêng phải nâng cao năng lực và trách nhiệm lên tầm cao mới, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, phục vụ tích cực công cuộc đổi mới;” - PGS Phan Hữu Tích đặt vấn đề.
Các cán bộ ngành Tư pháp phải nhận thức rõ trong thời đại mới, vấn đề giao lưu, quan hệ với thế giới, bước vào sân chơi chung của quốc tế luôn đặt ra nhiều thách thức (như vấn đề sở hữu trí tuệ; các thế lực thù địch tăng cường chống phá; tội phạm xuyên quốc gia ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp…). Những vấn đề này đặt lên vai đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp nhiệm vụ vô cùng nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang.
Đất nước ta đang đứng trước thời cơ, vận hội mới, trách nhiệm của Nhà nước là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế trên cơ sở phù hợp với các định hướng chính trị mà Đảng đã đề ra. Chúng ta phải tạo được những bước đột phá thực sự về thể chế để giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra, rất thiết thực và cụ thể.
Đó là huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, khắc phục tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài sản công; tháo gỡ tình trạng không thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo trong xây dựng và thực thi pháp luật đang cản trở sự phát triển và vận hành của nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập quốc tế.
Quyết tâm làm được việc này, trước hết đội ngũ cán bộ phải là gốc của mọi công việc, phải vì nước vì dân; đồng thời phải xây dựng được bộ máy Tư pháp có thể đáp ứng đầy đủ những đòi hỏi từ cuộc sống, ngăn ngừa có hiệu quả và xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm hình sự, đặc biệt là các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội tham nhũng và các loại tội phạm có tổ chức; bảo vệ trật tự, kỷ cương; bảo đảm và tôn trọng dân chủ, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.