Chính trường thế giới 2018 biến động thế nào?

(PLO) - Năm 2017 đã khép lại, ghi dấu một thế giới với nhiều biến động, nhiều sự kiện mang tính bước ngoặt hoặc tạo ra những chuyển biến lớn cho cục diện tình hình của thế giới trong năm 2018 và cả những năm tiếp theo.

Xáo trộn với chính sách “Nước Mỹ trước tiên”

Năm 2017, nhằm thực hiện cam kết “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Tổng thống thứ 45 của Mỹ Donald Trump đã có những bước đi quyết liệt, thực dụng nhưng gây tranh cãi, theo hướng đảo ngược chính sách của chính quyền tiền nhiệm. 

Chú trọng thương mại song phương, ưu tiên trong nước, người đứng đầu chính quyền Washington không ngần ngại đưa Mỹ rút khỏi thỏa thuận đa phương được kỳ vọng lớn là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hay khởi động đàm phán lại thỏa thuận khu vực vốn ổn định là Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). 

Tổng thống Trump cũng đưa nước Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Mỹ còn quyết định rút khỏi UNESCO, đứng ngoài Hiệp ước Di trú toàn cầu (GCM), trong khi ban hành sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân một số nước Hồi giáo… Những quyết định rút, rời trên thể hiện rõ tính chất thực dụng trong chủ trương “nước Mỹ trước tiên” của chính quyền Mỹ hiện nay. 

Châu Âu tiếp tục chia rẽ

Trong năm qua, chính trường châu Âu có những biến đổi lớn, đáng chú ý là những đợt “sóng” của các đảng phái cực hữu và chủ nghĩa dân tộc. 

Quan sát toàn bộ EU có thể thấy, trong năm qua, hệ thống chính trị khối này liên tục bất ổn, quan điểm, suy nghĩ của các cử tri tại nhiều nước thành viên EU thay đổi, ngày càng giảm sự tin tưởng vào các đảng truyền thống. Mặt trận Dân tộc cực hữu (FN) tại Pháp của bà Marine Le Pen đã giành chiến thắng ngoạn mục ở vòng một (với sự ủng hộ của 33% cử tri Pháp) và bước vào vòng hai trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Tỷ lệ ủng hộ của cử tri tăng mạnh trong cuộc bầu cử tại ba bang ở Đức đối với Đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) cho thấy, người dân đã thay đổi trong suy nghĩ và có xu hướng giảm sự ủng hộ đối với Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel.

Đặc biệt, tại Czech, phong trào cực hữu và chủ nghĩa dân tộc đã góp phần giúp ông Andrej Babis (nhân vật không ủng hộ hạn ngạch nhập cư của EU, lãnh đạo Phong trào ANO) đạt số phiếu ủng hộ cao nhất trong cuộc bầu cử Hạ viện Cộng hòa Czech và được tiến cử làm Thủ tướng nước này.

lÔng Andrej Babis - lãnh đạo Phong trào ANO - đạt số phiếu ủng hộ cao nhất trong cuộc bầu cử Hạ viện Cộng hòa Czech
lÔng Andrej Babis - lãnh đạo Phong trào ANO - đạt số phiếu ủng hộ cao nhất trong cuộc bầu cử Hạ viện Cộng hòa Czech

Thêm nữa, là chiến thắng của các đảng phái dân tộc, ủng hộ độc lập trong cuộc bầu cử Nghị viện vùng Catalunya (xứ sở quan trọng phía Đông Bắc của Tây Ban Nha), với 70/135 ghế Nghị viện càng làm gia tăng sự phức tạp trên chính trường Tây Ban Nha và cả khối EU.

Có thể thấy rõ, trước những biến động ở châu Âu, nhiều đảng phái theo quan điểm cực hữu dân tộc, chống nhập cư và hoài nghi châu Âu ngày càng được nhiều người ủng hộ. Trong khi đó, những đảng truyền thống tại các nước thành viên EU đã bộc lộ những điểm yếu khi đối mặt và xử lý các vấn đề của khối này như an ninh bất ổn, nguy cơ khủng bố, làn sóng người nhập cư, thất nghiệp, khủng hoảng tiền tệ...

Bên cạnh đó, một trong những yếu tố lớn khiến châu Âu chia rẽ trong năm qua, đó chính là cuộc đàm phán “ly hôn” giữa EU và Anh (còn gọi là Brexit). Ngoài ra, trong năm 2017, vấn đề tiếp tục khiến châu Âu chia rẽ phải kể đến là tìm lời giải cho bài toán người nhập cư.  

Châu Á “tăng nhiệt”

Có lẽ khu vực “nóng” hơn cả trong năm vừa qua chính là châu Á. Riêng trong năm 2017, CHDCND Triều Tiên có đến 16 lần phóng thử tên lửa các loại, trong đó liên tiếp ba lần thử nghiệm gần nhất đều phóng ngang qua vùng trời Nhật Bản. Nước này cũng đạt bước đột phá trong công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), hai thế hệ tên lửa đạn đạo Hwasong-14 và Hwasong-15 được cho là đã có thể bắn đến lục địa Mỹ. Chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cũng đạt bước tiến lớn với lần thử bom hạt nhân thứ 6 với sức công phá 140 kiloton, lớn nhất trong lịch sử phát triển hạt nhân nước này.

Trong bối cảnh đó, Hội đồng Bảo an LHQ đã có đến 4 lần thông qua nghị quyết tăng cường trừng phạt CHDCND Triều Tiên; Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng liên tiếp đưa ra những tuyên bố cứng rắn, đưa CHDCND Triều Tiên trở lại cái gọi là danh sách “các nước bảo trợ khủng bố”. Tuy nhiên, việc giải quyết hồ sơ hạt nhân Triều Tiên vẫn bế tắc, cho thấy các biện pháp trừng phạt hay cô lập của quốc tế đã không phát huy tác dụng, ngược lại khiến CHDCND Triều Tiên đáp trả mạnh mẽ hơn. 

Các nhà phân tích cho rằng, bầu không khí căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên chỉ có thể hạ nhiệt nếu Mỹ hoặc CHDCND Triều Tiên chấp nhận nhượng bộ song điều này là vô cùng khó. Bước sang năm 2018, tình hình bán đảo Triều Tiên đã xuất hiện tia hy vọng khi mới đây, các quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ, Hàn Quốc và Nga đều lên tiếng mở cánh cửa đối thoại trực tiếp Washington-Bình Nhưỡng trong tương lai.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đọc bài phát biểu năm mới 2018 với lời cảnh báo nhằm vào nước Mỹ
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đọc bài phát biểu năm mới 2018 với lời cảnh báo nhằm vào nước Mỹ

Tìm kiếm hòa bình

Trong khi đó, bức tranh toàn cảnh khu vực Trung Đông-châu Phi đã có điểm sáng khi những thành trì cuối cùng của những kẻ khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị đẩy lùi khỏi lãnh thổ Syria và Iraq. Cùng với sự can dự mạnh mẽ của Nga và liên quân quốc tế, cuộc chiến chống khủng bố trong năm qua đã giành được những thắng lợi quan trọng, quân đội Nga tuyên bố đã đẩy lùi hoàn toàn IS khỏi các vùng lãnh thổ của Syria; tại Iraq, IS cũng đã bị đánh bật ra khỏi mọi cứ địa quan trọng mà tổ chức này chiếm giữ suốt hơn 3 năm qua.

Tuy nhiên, hiểm họa IS chắc chắn chưa kết thúc khi tư tưởng cực đoan bạo lực tiếp tục được truyền bá và IS đang tìm cách đặt các căn cứ mới, sử dụng các biện pháp tấn công khủng bố mới. Nhiều khu vực trên thế giới vẫn chưa thoát khỏi mối hiểm họa thánh chiến, bất kể đó là Libya, Syria, Iraq, hay Afghanistan... Hơn nữa, phương pháp tấn công vào người dân vô tội, thông qua những “con sói đơn độc” càng làm cho công tác dự báo thêm khó khăn, nhất là tại các quốc gia dân chủ. Tại Nam Á, các tay súng người Pháp và Algeria đã gia nhập hàng ngũ của IS ở miền Bắc Afghanistan. Tại các khu vực khác như châu Âu, châu Phi, IS cũng đang lên kế hoạch “truyền cảm hứng” cho những “sói đơn độc” để thực hiện các vụ tiến công đẫm máu quy mô lớn với khả năng gây thương vong cao. Có thể nói, cuộc chiến được dự báo sẽ còn tiếp diễn khi tổ chức cực đoan này chuyển căn cứ hoạt động sang các địa bàn khác cũng như thay đổi các hình thức tuyên truyền, tuyển mộ chiến binh mới.

Nội bộ nhóm các quốc gia Vùng Vịnh trong năm qua lại chia rẽ nghiêm trọng bởi căng thẳng giữa Saudi Arabia và Qatar. Trong khi đó, các vùng đất từng bị chiếm đóng bởi IS ở Iraq và Syria lại trở thành chiến địa mới để các phe nhóm tranh giành quyền lực. Thêm vào đó là những chuyển động mang tính xoay chuyển khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thừa nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ hiện ở Tel Aviv tới thành phố này - một động thái đã đẩy Trung Đông trở về trạng thái thù địch mới, đưa Trung Đông vào một giai đoạn hỗn loạn mới, đe dọa an ninh và ổn định của khu vực và thế giới…

Biểu tình bạo động ngay trước Đại sứ quán Mỹ ở Lebanon về vấn đề Jerusalem
Biểu tình bạo động ngay trước Đại sứ quán Mỹ ở Lebanon về vấn đề Jerusalem

Kinh tế tăng trưởng, nhưng...

Giới quan sát nhận định, năm 2018 sẽ chứng kiến các cuộc ganh đua quyết liệt về quyền lực và tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu và khu vực, là bối cảnh thích hợp để Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác với nhau nhằm cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Mỹ. Ở Trung Đông, tình hình có thể trở nên khó lường hơn sau khi Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, mở ra thời kỳ bùng phát mới trong mối quan hệ đối địch giữa người Israel và khối Arab, nhưng khó có thể có sự thay đổi nào mang tính đột phá cho người Palestine trong năm 2018.

Các chuyên gia cũng dự đoán, vấn đề nóng bỏng nhất của năm 2018 vẫn sẽ là cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, nhiều khả năng sẽ tăng cấp, khi Triều Tiên có thể hoàn thiện khả năng răn đe hạt nhân đáng tin cậy của mình vào năm sau. IS có thể hướng làn sóng tấn công ra bên ngoài, kích động các cuộc khủng bố dạng “sói đơn độc” ở phương Tây, với những hình thức tấn công như đâm xe...

Dự báo năm 2018, dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng trên 3,5%; tuy nhiên, một số vấn đề phức tạp tồn tại dai dẳng vẫn sẽ khiến nhiều quốc gia tiếp tục đau đầu trong năm 2018, đồng thời những tranh chấp, mâu thuẫn mới nảy sinh có thể sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, an ninh và ổn định của thế giới trong năm sau. 

Hy vọng, thế giới sẽ được chứng kiến những thay đổi tích cực khi các quyết sách lớn được hình thành trong năm 2017 sẽ định hình tương lai cho thế giới trong năm 2018. 

Đọc thêm

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024
(PLVN) - Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã được Euromonitor International vinh danh là thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024, nhờ vào kỷ lục đón 32,4 triệu lượt khách quốc tế. Con số này vượt xa thành phố đứng thứ hai là Istanbul, nơi đón 23 triệu lượt khách nước ngoài.

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này đánh dấu những ngày lễ quốc tế quan trọng, nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm chung trong việc xây dựng một thế giới công bằng, tôn trọng nhân quyền và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Trường hợp khẩn cấp, công dân Việt tại Syria nên liên hệ đường dây nóng Đại sứ quán Việt Nam

Khói bốc lên trong cuộc giao tranh tại Syria. Ảnh: IRNA/TTXVN
Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã đề nghị Syria cung cấp thông tin về công dân Việt Nam có khả năng đang sinh sống, làm việc tại Syria. Trong trường hợp khẩn cấp, công dân hãy liên hệ số đường dây nóng bảo hộ công dân +98 933 965 8252/+98 991 205 7570 (Whatsapp); hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới chứng kiến nhiều sự kiện đáng buồn, từ thiên tai, tai nạn, hoả hoạn, đến tội ác nhằm vào nhà báo và bệnh dịch bí ẩn..., khiến hàng trăm sinh mạng bị cướp đi.

Đàm phán FTA giữa Khối EFTA và Thái Lan chính thức đặt dấu mốc

Đại diện các nước EFTA (Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ) và Thái Lan họp trực tuyến về việc kết thúc việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên.
(PLVN) - Ngày 29/11/2024, Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, chính thức kết thúc đàm phán với Thái Lan về Hiệp định Thương mại tự do (FTA).  Thỏa thuận này mở ra một chương mới trong quan hệ thương mại giữa hai bên, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực và mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tại cả hai khu vực.

Namibia có nữ tổng thống đầu tiên

Bà Netumbo Nandi-Ndaitwah trở thành Tổng thống thứ 5 của Namibia kể từ khi nước này giành độc lập hồi năm 1990.
(PLVN) - Ngày 3/12 (giờ địa phương), Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử Namibia (ECN) Elsie Nghikembua thông báo, nước này đã bầu ra tân Tổng thống sau cuộc bầu cử diễn ra hôm 27/11.

Nhà Trắng nêu lý do Tổng thống Joe Biden ân xá cho con trai

Hunter Biden, con trai Tổng thống Joe Biden
(PLVN) - Tổng thống Joe Biden đã gây tranh cãi khi ký lệnh ân xá vô điều kiện cho con trai Hunter Biden, người bị buộc tội vi phạm thuế và sở hữu súng trái phép. Nhà Trắng giải thích, đây là quyết định nhằm bảo vệ Hunter trước các cuộc công kích chính trị, nhưng động thái này đã vấp phải chỉ trích từ cả Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ.