Chính trường Anh ngổn ngang giữa sóng gió

Thủ tướng Anh Theresa May
Thủ tướng Anh Theresa May
(PLO) -Biến cố và chia rẽ nội bộ là những gì diễn ra trên chính trường Anh suốt nửa đầu tháng 11 này, thời điểm nước Anh bước vào giai đoạn quan trọng của tiến trình đàm phán Brexit để rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). 

Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 7 năm ngoái sau cuộc trưng cầu ý dân về Brexit tới nay, chưa khi nào khả năng tiếp tục lãnh đạo đất nước của Thủ tướng Anh Theresa May lại bị đặt dấu hỏi lớn như vậy. 

Bão táp

Chính phủ Anh đang trải qua khủng hoảng và xáo trộn với hàng loạt vụ việc: hai bộ trưởng gồm Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon và Bộ trưởng Phát triển quốc tế Priti Patel từ chức chỉ trong vòng 1 tuần, nhiều quan chức chính phủ bị cáo buộc liên quan tới các vụ bê bối tình dục, Phó Thủ tướng Anh Damian Green đang bị điều tra vì cáo buộc có hành vi không đúng mực, Bộ trưởng Ngoại giao Boris Johnson bị chỉ trích vì sự “lỡ miệng” khi đề cập tới một phụ nữ Anh đang bị giam giữ tại Iran.v.v. 

Trong khi chính phủ bị suy yếu, nội bộ đảng Bảo thủ lại lục đục và mâu thuẫn về tiến trình đàm phán Brexit. Việc 40 nghị sỹ Bảo thủ đồng ý ký vào lá thư bày tỏ sự bất tín nhiệm với bà May được ví như "giọt nước tràn ly" và các cuộc tranh luận diễn ra trong tháng này về Dự luật rời khỏi EU - một phần quan trọng trong chiến lược Brexit của Chính phủ Anh- là phép thử thực sự đối với lòng tin vào sự dẫn dắt của nữ Thủ tướng. 

Sự sa út uy tín thể hiện qua cuộc bầu cử trước thời hạn hồi tháng 6/2017 cùng với những bất đồng dai dẳng trong nội bộ đảng Bảo thủ đã gây không ít khó khăn cho Chính phủ thiểu số của bà May trong việc thông qua các dự luật Brexit ở trong nước, đồng thời làm mất thế chủ động của Anh trên bàn đàm phán với EU. Tư tưởng “hạ bệ” Thủ tướng May vốn “manh nha” từ sau bài phát biểu bị cho là thảm họa của bà tại hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ hồi tháng trước đã dần qua đi, song tâm trạng bất mãn với sự lãnh đạo của bà trong một nhóm nghị sỹ đảng Bảo thủ có lẽ chưa nguôi. Cộng với đó, đàm phán Brexit giữa Anh và EU thời gian qua hầu như không đạt được tiến triển, đã khiến uy tín của bà May giảm sút. 

Hạ viện Anh
Hạ viện Anh

Thử thách

Vai trò lãnh đạo của Thủ tướng May càng đứng trước thử thách lớn khi Dự luật rời khỏi EU được đem ra thảo luận tại Hạ viện trong tuần này. Sau hai ngày tranh luận đầu tiên (14-15/11), dù chấp nhận thực tế nước Anh sẽ rời EU, song hầu hết các nghị sỹ, kể cả các nghị sỹ đảng Bảo thủ, đã nhân đó để yêu cầu một số nhượng bộ cũng như một lập trường Brexit “mềm” hơn của bà May, vốn đang rất cần sự ủng hộ của họ để thúc đẩy dự luật được thông qua tại Hạ viện.

Thực tế, bà May cũng đã đưa ra một số nhượng bộ với các nghị sĩ “nổi loạn” trong đảng Bảo thủ và các nghị sỹ Công đảng, trong đó nhượng bộ lớn nhất là Hạ viện sẽ có quyền xem xét, sửa đổi và bỏ phiếu thông qua thỏa thuận cuối cùng về Brexit. Tuy nhiên, mọi chuyện không hề đơn giản. 

Đến nay, các nghị sỹ đã đề xuất 186 trang sửa đổi cho Dự luật rút khỏi EU. Tuy  các nghị sỹ dành sự ủng hộ đối với việc hủy bỏ Đạo luật cộng đồng châu Âu 1972, song chia rẽ trong nội bộ đảng Bảo thủ cũng bộc lộ rõ nét hơn. Khoảng 20 nghị sỹ đảng Bảo thủ đang liên kết với các nghị sỹ Công đảng và các đảng đối lập khác để công kích và đòi chính phủ tiếp tục nhượng bộ. Đó là chưa kể 15 nghị sĩ đảng Bảo thủ đã tuyên bố đứng về phía Công đảng để ngăn chặn kế hoạch ấn định thời điểm cụ thể của Brexit trong Dự luật rút khỏi EU (dự kiến 11 giờ tối ngày 29/3/2019).

Những chia rẽ và bất đồng kể trên khiến cựu Đại sứ Anh tại EU, ông John Kerr cho rằng Anh hoàn toàn có thể “đảo ngược” tiến trình Brexit cho dù nó đã được kích hoạt, nước Anh có thể đổi ý và EU có lẽ sẽ không từ chối. Nhiều cựu thủ tướng, phó thủ tướng Anh gần đây đều lên tiếng ủng hộ việc ở lại EU hoặc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về tư cách thành viên EU. Đối với EU, mặc dù Dự luật rút khỏi EU tách biệt khỏi các cuộc đàm phán tại Brussels, song họ cũng muốn biết có bao nhiêu sửa đổi được đưa ra và những sửa đổi nào được thông qua, để đánh giá mức độ tín nhiệm đối với bà May ở trong nước. 

Trong hoàn cảnh hiện nay, việc khơi thông bế tắc và đưa tiến trình đàm phán Brexit sang giai đoạn tiếp theo tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels vào tháng 12 tới là "át chủ bài" để bà May cứu vãn uy tín. Hiện EU cũng không vội vàng đưa ra nhượng bộ nào trước một Chính phủ Anh đang suy yếu và vị thế của Thủ tướng May đang lung lay. Vòng đàm phán Brexit thứ sáu giữa Anh và EU trong tuần trước chưa đả thông được 3 nội dung gai góc chủ chốt là quyền công dân, nghĩa vụ tài chính và biên giới Ireland. EU thậm chí gửi “tối hậu thư” rằng nước Anh có hai tuần để đưa ra đề xuất mới cho vấn đề thanh toán hóa đơn “ly hôn” trước khi bước sang giai đoạn đàm phán tiếp theo về các nội dung trọng tâm là thỏa thuận chuyển tiếp và mối quan hệ thương mại trong tương lai. 

Nước Anh bước vào giai đoạn quan trọng của tiến trình đàm phán Brexit để rời khỏi Liên minh châu Âu
Nước Anh bước vào giai đoạn quan trọng của tiến trình đàm phán Brexit để rời khỏi Liên minh châu Âu 

“Lửa thử vàng”?

Dường như những yếu tố bất lợi đang bủa vây chính phủ của Thủ tướng May, song "trong cái rủi cũng có cái may". Nhiều nghị sỹ trong đảng cầm quyền vẫn giữ quan điểm hiện chưa phải lúc thay thế bà May, bởi bà vẫn là lựa chọn tốt nhất hiện nay để đưa nước Anh rời EU. Việc phế truất bà có nguy cơ làm chậm tiến trình đàm phán các thỏa thuận thương mại. Trong đảng Bảo thủ, mâu thuẫn giữa phe ủng hộ rời EU và phe ở lại tuy là rào cản để đi tới một lập trường thống nhất trong đàm phán Brexit, song cả hai phe vẫn cần bà. Họ cũng hiểu rõ rằng thay đổi lãnh đạo sẽ chỉ làm gia tăng uy thế của Công đảng của ông Jeremy Corbyn. 

Bên cạnh đó, sự ủng hộ của giới chủ doanh nghiệp vốn không ưa Công đảng, đảng có chủ trương tăng thuế doanh nghiệp và thuế nhằm vào đối tượng thu nhập cao, có lẽ vừa là lợi thế cũng vừa là sức ép khiến đảng Bảo thủ phải đưa ra được phác thảo nào đó về một thỏa thuận với EU. Đồng bảng rớt giá sau những xáo trộn chính trị đã cho thấy sự giảm sút lòng tin của giới đầu tư vào khả năng của Thủ tướng May trong việc thúc đẩy đàm phán với EU và kiểm soát mâu thuẫn trong đảng Bảo thủ. Không sớm đạt được một thỏa thuận chuyển tiếp, họ khó ngăn được các doanh nghiệp chuyển việc làm và đầu tư khỏi nước Anh. Thủ tướng May đầu tuần này đã mời 15 doanh nghiệp Anh và châu Âu tới phố Downing, trong một nỗ lực nhằm kêu gọi sự ủng hộ đối với chiến lược Brexit của bà cũng như thuyết phục họ không chuyển hoạt động ra bên ngoài. 

“Yếu nhưng chắc chân” là tình thế của Thủ tướng May hiện nay. Các thế lực bảo thủ và giới chủ doanh nghiệp tại Anh không muốn lãnh đạo Công đảng đối lập giành được thêm ảnh hưởng, khi uy thế của họ đang lên kể từ sau cuộc bầu cử sớm cách đây 5 tháng. Các đồng minh đảng liên minh dân chủ DUP của Bắc Ireland cũng không muốn quyền lãnh đạo chính phủ lọt vào tay người vốn có cảm tình với tổ chức vũ trang Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) như ông Corbyn. Thêm nữa, là lãnh đạo nữ, uy tín cá nhân của bà May trở nên nổi bật trong bối cảnh xảy ra hàng loạt vụ bê bối tình dục trên chính trường Anh. 

Với tình hình hiện nay, rất có thể "nội chiến" âm ỉ trong đảng Bảo thủ hay những sóng gió trên chính trường thời gian qua càng làm gia tăng khả năng tại vị cho Thủ tướng Theresa May, chí ít cũng tới khi bà hoàn thành sứ mệnh Brexit vào tháng 3/2019.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.