Trong đó, Nghị định số 53/2021/NĐ-CP gồm có 7 Điều quy định về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len giai đoạn 2021 - 2022.
Nghị định 53 áp dụng đối với: Người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Cơ quan hải quan, công chức hải quan; Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Kèm theo Nghị định là 02 Phụ lục, cụ thể: Phụ lục I - Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi của Việt Nam để thực hiện hiệp định UKVFTA; Phụ lục II - Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện hiệp định UKVFTA.
Ảnh minh họa. |
Nghị định số 54/2021/NĐ-CP quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, gồm 3 Chương và 7 Điều, được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ được giao về việc quy định chi tiết đối tượng, nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 về đánh giá tác động môi trường.
Nghị định 54 áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư xây dựng và hoạt động cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo yêu cầu của nhà đầu tư.
Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhằm khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị định 155/2016, bảo đảm phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022).
Nghị định 55 gồm 4 Điều: (1) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; (2) Điều khoản thi hành; (3) Quy định chuyển tiếp; (4) Trách nhiệm thi hành.
Nghị định số 56/2021/NĐ-CP gồm 4 Điều quy định chi tiết Nghị quyết số 1024/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia. Cụ thể: (1) Danh mục chi tiết nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế dự trữ quốc gia gồm các mặt hàng; (2) Phân công cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia; (3) Hiệu lực thi hành; (4) Trách nhiệm thi hành.
Nghị định 56 được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ được giao tại Điều 2 Nghị quyết số 1024/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quy định chi tiết các mặt hàng thuộc nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế, bảo đảm theo đúng tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Dự trữ quốc gia năm 2012.
Quyết định số 19/2021/QĐ-TTg quy định về bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều đối với việc xây dựng cầu qua sông có đê, áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng cầu qua sông có đê, được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ được giao tại khoản 4 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021).
Quyết định 19 gồm 6 Điều quy định về bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều đối với việc xây dựng cầu qua sông có đê, cụ thể: (1) Phạm vi điều chỉnh; (2) Đối tượng áp dụng; (3) Nguyên tắc chung đối với việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo cầu qua sông có đê để đảm bảo thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều; (4) Quy định cụ thể đối với việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo cầu qua sông có đê để đảm bảo thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều; (5) Hiệu lực thi hành; (6)Trách nhiệm thi hành.