Sáng 21/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã tham dự Diễn đàn chuyên đề vốn - tài chính với chủ đề "Mở rộng thị trường vốn - tài chính Việt Nam, thách thức và giải pháp" do Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tổ chức.
Thiếu hụt dòng vốn trung - dài hạn
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ luôn tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, cắt giảm khoảng 50% điều kiện kiểm tra chuyên ngành. Cùng với đó, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn về thể chế để phát triển thị trường lao động, bất động sản, thị trường hàng hóa và thị trường vốn tài chính.
Phó Thủ tướng đánh giá, hiện nhiều ngân hàng hoạt động chủ yếu vẫn là tín dụng, tỷ trọng gia tăng các hoạt động khác còn yếu. Gánh nặng vốn vẫn dồn lên hệ thống ngân hàng. Hiện tại, thị trường tài chính của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các khoản vay ngắn hạn từ hệ thống ngân hàng thương mại để cấp vốn, chứ chưa dựa vào thị trường vốn với nguồn tài chính dài hạn hơn. Sự thiếu hụt dòng vốn trung - dài hạn khiến các hoạt động sản xuất hạn chế nguồn lực phát triển.
Liên quan đến vấn đề tái cấu trúc thị trường, Phó Thủ tướng nhận xét, tất cả các ý kiến đều thống nhất thị trường tài chính Việt Nam hiện nay được cấu thành bởi thị trường vốn và tiền tệ. Trong đó tín dụng ngân hàng đã và đang giữ vai trò quan trọng, chủ đạo. Mặc dù thị trường chứng khoán và các thể chế phi ngân hàng cũng đã có nỗ lực phát triển tích cực.
Để giải quyết vấn đề được coi là “ mất cân bằng” này, Phó Thủ tướng nhận định, một trong giải pháp quan trọng là cần tăng vai trò của thể chế phi ngân hàng trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngoài ra cần giải quyết tốt thị trường vốn và thị trường tiền tệ.
Dẫn chứng số liệu của Tổng cục Thống kê vào cuối năm 2016, cả nước chỉ có 47% doanh nghiệp (DN) hoạt động ở Việt Nam có lợi nhuận (mặc dù tỷ lệ này cao hơn mức 30% của giai đoạn 5 năm trước đó) và 53% số DN không có lợi nhuận. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra nguyên nhân do DN có vốn mỏng, chủ yếu dựa vào ngân hàng nên chi phí vốn cao, giảm lợi nhuận.
Không chỉ vậy, ngay cả các ngân hàng, hiện nay vốn chủ sở hữu cũng vẫn còn hạn chế. Qua đó, Phó Thủ tướng lưu ý chúng ta cần xem tình trạng cơ cấu của thị trường mất cân đối chỗ nào - giữa thị trường tín dụng với thị trường vốn?
Cần phát triển thị trường trái phiếu
Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, một số chuyên gia cho rằng, muốn giải quyết bất cập về tình trạng thiếu vốn dài hạn, cần phát triển thị trường trái phiếu, trong đó có trái phiếu DN. Mặt khác, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với các giải pháp đột phá về công nghệ sẽ khắc phục được tình trạng vốn mỏng, mở rộng các nguồn vốn trong dài hạn. Trong bối cảnh hiện nay, theo các chuyên gia, phát hành trái phiếu Chính phủ là bước đi đúng hướng, phù hợp với bối cảnh Việt Nam hiện tại
Đồng tình với các chuyên gia kinh tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, giải pháp quan trọng để đa dạng nguồn vốn là gia tăng vai trò của các định chế phi ngân hàng, giải quyết tốt mối quan hệ giữa thị trường vốn - tài chính và thị trường tiền tệ.
Phiên thảo luận thu hút nhiều ý kiến chia sẻ |
Ngoài ra, để phát triển thị trường trái phiếu DN, Phó Thủ tướng cho rằng cần xây dựng trung tâm giao dịch trái phiếu DN và đưa vào giao dịch ở thị trường trái phiếu bình thường để tăng tính thanh khoản. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg để thực hiện lộ trình này. "Thông điệp của Chính phủ là kiên quyết để Việt Nam sớm được công nhận thị trường chứng khoán mới nổi", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Về đối tượng tham gia tái cấu trúc thị trường tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với nhiều ý kiến khi đề cao vai trò của các nhà đầu tư có tổ chức, nhưng cho rằng cần phải có tính chuyên nghiệp. “Tôi cho rằng tính chuyên nghiệp của các nhà đầu tư là rất quan trọng và cũng không nên phân biệt giữa nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư tư nhân. Nếu nhà đầu tư tư nhân mà chuyên nghiệp cũng giá trị hơn là nhà đầu tư có tổ chức nhưng không chuyên nghiệp, hay có động cơ thâu tóm thị trường”.
Bên cạnh đó là vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường để đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, nhất là đấu tranh chống gian lận, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen và các giải pháp hành chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng phát triển.
Kiểm soát thị trường “tín dụng đen” hiệu quả- cách nào?
Đề cập đến câu chuyện về “tín dụng đen” đang diễn ra ở Việt Nam, ông Nguyễn Kim Hùng - Giám đốc Công ty CP tái cấu trúc DN Việt khẳng định, các DN vừa và nhỏ chưa có cấu trúc vốn. Vốn thực chỉ chiếm 20-30%, còn lại là liên kết tài chính giữa gia đình, bạn bè, anh chị em. Khi ngân hàng không cho vay, trái phiếu Chính phủ không thể tiếp cận, họ buộc phải sử dụng đến nguồn vốn không chính thức, hay gọi là "tín dụng đen".
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, ĐH Fulbrigt Việt Nam cũng nhìn nhận, việc phát triển thị trường vốn hiện nay mới giải quyết được nguồn vốn cho DN lớn và có quy mô trung bình. Tuy nhiên, những DN vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn và buộc phải sử dụng đến nguồn "tín dụng đen".
Giải pháp cho vấn đề này- theo ông Nguyễn Kim Hùng -Chính phủ nên tạo ra khung pháp lý để giúp DN vừa và nhỏ có thể tiếp cận nguồn vốn này một cách hợp lệ, bởi chi phí sử dụng vốn lên đến trên 10% nhưng chưa được hoạch định vào chi phí hợp lệ.
Trước vấn đề đặt ra, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ sẽ xoá bỏ các hình thức huy động đa cấp có tính chất lừa đảo, cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, Chính phủ mong muốn được nghe nhiều hơn các kinh nghiệm vận hành, quản lý “tín dụng phi chính thức” của các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới để đa dạng các nguồn cung cấp vốn cho nền kinh tế.
Ông A. Alatabani- Chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã đưa ra giải pháp bằng các gói sản phẩm tín dụng khác nhau cho thị trường. Vị chuyên gia này cũng cho biết hiện nhiều DN nhỏ và vừa chưa thể tiếp cận vốn ngân hàng. Vì vậy, các gói sản phẩm như thuê mua tài sản có thể là kênh để các DN nhỏ và vừa tiếp cận khoản vay.
Với quan điểm “chúng ta cần có chính sách để kiểm soát thị trường này một cách hiệu quả”, ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm CEO KPMG tại Việt Nam và Campuchia đặt vấn đề: “Câu hỏi đặt ra ở đây là chúng ta phải thể chế hóa, chính thức hóa những “tín dụng đen” như thế nào, cần đưa vào khuôn khổ ra sao để điều tiết thị trường này? Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của một số ngân hàng lớn ở Hà Lan"- ông Warrick Cleine gợi mở, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của công tác truyền thông, giáo dục người dân trong việc tiếp cận các quỹ tín dụng đen, trong khi đó, nhà nước, cần có biện pháp quản lý thị trường này hiệu quả.
Từ kinh nghiệm làm việc với nhiều doanh nghiệp tư nhân, ông Nguyễn Kim Hùng cho rằng, cộng đồng DN tư nhân cũng có thể góp phần hạn chế tín dụng tín dụng đen. Theo vị này, có những sàn của DN tư nhân có thể kết nối và thu hút 35.000 tỷ đồng trong 6 tháng. Nếu có cơ chế, khung pháp lý, nền tảng cho các DN sử dụng công nghệ, các DN tư nhân sẵn sàng tham gia các giải pháp về vốn và có thể lượng tiền lớn, ngay cả các startup cũng có thể IPO trên nền tảng số.Tuy nhiên, ông Hùng cũng đề xuất, nếu cho thử nghiệm mà sai thì không nên hình sự hóa.