Kề vai, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp
Tại Tọa đàm, nói về sự đồng hành của Chính phủ và các cơ quan chức năng với cộng đồng doanh nghiệp (DN), đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nêu ngắn gọn, đó là sự đồng hành khăng khít, kề vai, sát cánh của Chính phủ cùng cộng đồng DN. Nổi bật, VCCI đã đề xuất và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triệu tập Hội nghị gặp gỡ DN toàn quốc. Đây là hội nghị lớn, quy mô toàn quốc, cả 63 tỉnh, thành, có cả Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự; là “cuộc giải vây ngoạn mục” cho DN trong “vòng vây” của dịch COVID-19 lúc bấy giờ.
Về phía DN, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần dân tộc cao, nhất là bản sắc của doanh nhân Việt Nam, sáng tạo, năng động, đã đồng hành với Chính phủ, chia sẻ những khó khăn, đóng góp các nguồn lực lớn cho hoạt động phòng, chống dịch; từ Quỹ vaccine cho đến các nguồn lực về vật chất, con người, tổ chức “3 tại chỗ”, duy trì sản xuất, kinh doanh, việc làm cho người lao động, ổn định xã hội.
Với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 và các cơ chế, chính sách, trong đó có giải pháp về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ DN, ông Phạm Tấn Công đánh giá cao sự sáng tạo, kịp thời trong các giải pháp chưa từng có tiền lệ. Nhờ vậy, cả Chính phủ cũng như DN đã “biến nguy thành cơ” rất thành công. Chính phủ cũng rất lắng nghe, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, Thủ tướng liên tục có các cuộc gặp gỡ DN, lắng nghe phản ánh, từ đó có quyết sách kịp thời.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng Chính phủ và DN đã làm rất tốt việc của mình. Câu chuyện khó khăn vẫn còn tiếp diễn ở những khía cạnh khác nhưng rõ ràng giai đoạn khó khăn vừa qua, cả Chính phủ và DN đã đưa ra bài học rất tốt cho sự phát triển.
Cần phải thông hiểu lẫn nhau
Chia sẻ những khó khăn mà DN của mình đã phải đối mặt, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, Chính phủ đã đưa ra những thông điệp nhất quán, cần ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát và tạo điều kiện cho DN tiếp cận được vốn với chi phí thấp nhất. Còn đối với cộng đồng DN, cần vừa phòng thủ, vừa tấn công, vừa giải quyết “bài toán” chi phí tăng, tỷ giá, lạm phát, chuỗi cung ứng… cũng phải linh hoạt, thấu hiểu và đồng hành cùng những quyết sách của Chính phủ.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng cho rằng, DN Việt Nam phải nhanh chóng tìm cơ hội và tạo năng lực cho mình và ở đây cũng cần sự đồng hành của Chính phủ. Bên cạnh đó, trong giai đoạn hội nhập quốc tế với sự cạnh tranh gay gắt trên toàn cầu và ngay trên lãnh thổ Việt Nam, ông Công mong ngày càng có nhiều doanh nhân, DN sẽ tham gia thực hành đạo đức kinh doanh chuẩn mực, mang bản sắc văn hóa Việt Nam, nhưng đồng thời có tinh hoa của quốc tế để chúng ta tạo ra sức mạnh mới cho DN Việt Nam trong môi trường kinh doanh toàn cầu hiện nay.
Liên quan đến “điểm nghẽn” lớn nhất cần tháo gỡ, Tổng Giám đốc Tập đoàn CMC Hồ Thanh Tùng cho biết, không chỉ riêng CMC mà tất cả các DN Việt Nam, trước đây chưa bao giờ phải đề phòng về tỷ giá và tỷ giá thay đổi như hiện nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp. Trong ngắn hạn, nếu tỷ giá và lãi suất càng ngày càng cao thì ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh. Trong dài hạn, các DN sẽ khó khăn hơn, khi chúng ta ra các bài toán quyết định đầu tư thì các chỉ số liên quan đến lãi suất hay tỷ giá đòi hỏi phải xem xét. Khi chúng ta đưa ra các chỉ số cao, khả năng đưa ra các quyết định đầu tư khó khăn rất nhiều.
Bàn về các giải pháp tới đây, theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, cần có sự thông hiểu giữa Chính phủ đối với DN cũng như cấu trúc cộng đồng DN phải thông hiểu lẫn nhau. Không những thế, trong bối cảnh lãi suất thế giới cao ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, tác động đến xuất nhập khẩu, việc tháo gỡ vốn cho DN phải tập trung hàng đầu, căn cứ vào dự án cụ thể chứ không theo thủ tục hành chính chung. “Lúc tình thế bất thường phải hành động khác thường thì mới được”, ông Thiên quả quyết.
Nhất trí với quan điểm trên, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công lý giải, vốn là vấn đề trọng yếu đối với DN. Gỡ “bài toán” về vốn vừa là “điểm nghẽn” vừa là “điểm nóng” vừa là câu chuyện khó nhất đối với Chính phủ trong điều hành kinh tế bây giờ. Chúng ta có thể thấy rằng, trong điều hành kinh tế, cũng như đối với DN, điều sợ nhất là những “cú phanh gấp”, tức là những chính sách không lường trước được. “Tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ có quyết sách đặc biệt. Với sự lãnh đạo rất vững vàng của Thủ tướng trong thời gian qua thì chúng ta sẽ vượt qua được thách thức này”, ông Công bày tỏ.