Chiến thắng của tình đoàn kết Việt Nam - Campuchia

Thủ tướng Samdech Hun Sen nói chuyện về sự giúp đỡ của VN với Campuchia nhân kỷ niệm 40 năm con đường cứu nước tại Bình Phước (VN) năm 2017. Ảnh: Đăng Bảy
Thủ tướng Samdech Hun Sen nói chuyện về sự giúp đỡ của VN với Campuchia nhân kỷ niệm 40 năm con đường cứu nước tại Bình Phước (VN) năm 2017. Ảnh: Đăng Bảy
(PLO) - Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam là cuộc chiến tranh đặc biệt, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử dân tộc. Trong cuộc chiến tranh này, ta vừa phải bảo vệ biên cương của Tổ quốc, vừa phải giúp hàng triệu người dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, bước vào kỷ nguyên hòa bình, hòa hợp dân tộc và phát triển đất nước. 

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Cuộc chiến biên giới Tây Nam của chúng ta cách đây 40 năm là cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, chống quân xâm lược Pôn Pốt.

Từ ngày 30/4/1977, quân Pôn Pốt đã đánh vào biên giới nước ta trên quy mô cấp sư đoàn (mỗi sư đoàn khoảng 10 nghìn đến 15 nghìn quân). Cuối năm 1978, chúng huy động 10 sư đoàn cùng vũ khí, trang bị, kỹ thuật về biên giới Tây Nam Việt Nam, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công xâm lược nước ta.

Cần khẳng định lại cuộc chiến tranh của chúng ta là để bảo vệ Tổ quốc. Sau đó thể theo yêu cầu của Mặt trận dân tộc đoàn kết cứu nước và các lực lượng vũ trang Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam (VN) đã giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ Pôn Pốt, giúp dân tộc này thoát khỏi họa diệt chủng.

Chính vì thế cuộc chiến tranh của chúng ta là chính nghĩa, vừa bảo vệ an toàn khu vực biên giới Tây Nam, vừa giúp nhân dân Campuchia hồi sinh đất nước. Chúng ta không có lợi ích gì khi đánh sang Campuchia và ở lại bên đó một thời gian”.

Ngay khi miền Nam VN vừa được giải phóng, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đưa quân đánh chiếm đảo Phú Quốc (ngày 3/5/1975), Thổ Chu (10/5/1975) và sau đó liên tiếp xâm phạm nhiều vùng lãnh thổ nước ta dọc biên giới từ Hà Tiên đến Tây Ninh với quy mô ngày càng lớn.

Từ tháng 5/1975 đến ngày 23/12/1978, chúng đã giết hại 5.230 dân thường VN vô tội với những phương thức cực kỳ man rợ; đốt phá nhiều trường học, bệnh viện, nhà thờ, chùa chiền, cướp, giết trâu bò, làm cho hàng nghìn ha hoa màu của VN bị bỏ hoang, nhiều người phải lìa bỏ nhà cửa, ruộng vườn; gây bao đau thương, tang tóc cho nhân dân VN.

Còn tại Campuchia, trong vòng gần bốn năm, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đã tàn sát gần ba triệu người dân Campuchia, xóa bỏ hầu hết cơ sở vật chất - xã hội và đẩy dân tộc Campuchia trước thảm họa diệt vong. 

Ngày 21/6/2017, tại xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Decho Hun Sen đã thăm lại nơi đầu tiên tới VN 40 năm trước. Khi đó, vào tháng 6/1977, ông cùng 4 người khác băng rừng, đào thoát sang Việt Nam tìm con đường cứu nước.

Ngày 23/12/1978, đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân tình nguyện VN cùng lực lượng vũ trang của Mặt trận mở cuộc tổng phản công - tiến công lần lượt phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của quân Pôn Pốt. Đến ngày 6/1/1979, ta bắt đầu công kích vào thủ đô Phnom Penh.

Sau 2 ngày tổng công kích, đến ngày 7/1/1979, quân tình nguyện VN và lực lượng vũ trang Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã giải phóng Phnom Penh, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari.

Trong chuyến thăm VN năm 2017, Thủ tướng Hun Sen chia sẻ: “Ai nói gì cứ nói nhưng không thể thay đổi được lịch sử, rằng nhờ có VN chúng tôi mới xây dựng được lực lượng vũ trang, mới giải phóng được dân tộc.

Trước giải phóng, Campuchia chỉ có 5 triệu người, nay đã 15 triệu người. Việc xóa bỏ chế độ Pôn Pốt cũng đồng nghĩa với việc kết thúc sự bất ổn ở khu vực. Chúng ta có hòa bình và Campuchia trở thành thành viên của ASEAN, góp phần gìn giữ sự hòa bình, ổn định trong khu vực. Campuchia đã có được người bạn tốt nhất là VN”. Ông nhấn mạnh: “Không có sự giúp đỡ của VN thì Campuchia không có ngày nay, dứt khoát là thế”.

Để giúp nhân dân Campuchia, chúng ta đã phải trả cái giá không hề nhỏ. Vừa hy sinh tính mạng của dân, quân, vừa hy sinh tài sản, vừa hy sinh chính trị, ngoại giao. Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng nói: hàng vạn quân tình nguyện VN đã hy sinh ở Campuchia, bị thương không biết bao nhiêu. VN đã bị cấm vận từ bên ngoài do giải phóng giúp Campuchia, vì nhân dân, đất nước Campuchia chịu hy sinh và hơn 30 năm mới được công nhận. 

Trong cuốn “Hun Sen - nhân vật xuất chúng của Campuchia” xuất bản năm 1999 của hai tác giả Harish C.Mehta và Julie B.Mehta, Thủ tướng Hun Sen trả lời phỏng vấn hai nhà báo: “Sau chiến thắng ngày 7/1/1979, nếu như theo kế hoạch ban đầu, bộ đội VN sẽ rút quân khỏi Campuchia ngay trong năm 1979.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Campuchia chưa đủ sức chống lại Pôn Pốt và cần thời gian để củng cố lực lượng cũng như khôi phục nền kinh tế của mình. Nếu Việt Nam rút quân và Pôn Pốt quay trở lại được, thì sẽ càng nhiều người Campuchia bị giết.

Chính phủ VN không muốn để quân ở lại. Phía chúng tôi đã yêu cầu họ như thế. Sau đó chúng tôi đồng ý, họ sẽ thử giảm bớt các lực lượng của họ vào năm 1982. Chính phủ VN giảm quân số, còn chúng tôi sẽ tăng lực lượng của mình lên”.

Kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2019), chiều 28/12/2018, Bộ Quốc phòng phối hợp Ban Tuyên giáo T.Ư và Tỉnh ủy An Giang tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với 90 tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học quân sự, những nhân chứng lịch sử trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Nêu bài học về huy động sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khẳng định: “Chúng ta phải bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp, kể cả lực lượng vũ trang làm nòng cốt, kể cả xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, tăng cường hợp tác, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị với bạn bè quốc tế với các nước trong khu vực, đặc biệt là đối với các nước láng giềng và các nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống.

Phải làm sao tăng cường quan hệ đoàn kết chặt chẽ với các nước, đối với các bạn Campuchia. Đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Và việc đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia vừa là truyền thống, mà cũng là đòi hỏi tất yếu trong tình hình hiện nay”.

Thắng lợi ngày 7/1/1979 là thắng lợi chung của nhân dân hai nước VN - Campuchia. Đây là bài học quý báu trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển của hai quốc gia. 40 năm qua, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa VN - Campuchia được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp đang không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp mang lại lợi ích thiết thực cho hai quốc gia, vì hòa bình, độc lập dân tộc và sự ổn định, phát triển trong khu vực và quốc tế.

Hơn 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế, giúp cách mạng và nhân dân nước bạn, Quân tình nguyện VN đã được Nhà nước Campuchia tặng 25 Huân chương Angkor, 116 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, 183.090 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc các hạng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đọc thêm

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.