[links()]Về vấn đề Chứng minh nhân dân (CMND) mẫu mới "chưa ra lò đã phiền toái” (PLVN đã phản ánh), ngày 24/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chính thức khẳng định: Việc này, Chính phủ mới chỉ giao làm thí điểm, lấy ý kiến, sau đó sẽ xem xét có quyết định cuối cùng.
Ảnh minh họa. |
Nhiều ý kiến phản đối
Ngày 23/7 - 22/8/2012, PLVN có loạt bài phân tích những hệ quả về mặt pháp lý và bất lợi về mặt xã hội nếu triển khai quy định công khai tên cha, mẹ trên CMND mẫu mới theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BCA của Bộ Công an (có hiệu lực từ ngày 1/7/2012).
Theo đó, ngoài những ý kiến phản đối từ phía người dân, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lập pháp, giới chức quản lý một số bộ ngành và các Đại biểu Quốc hội khi trao đổi với PLVN đều khẳng định: Quy định nói trên không chỉ vi phạm Công ước Quốc tế về quyền trẻ em, xâm phạm bí mật đời tư của công dân mà trình tự, thủ tục lấy ý kiến của nhân dân trước khi ban hành văn bản này cũng có “vấn đề”.
“Tôi ủng hộ PLVN đưa lên diễn đàn để trao đổi, phản biện một cách thấu đáo xung quanh chủ trương cấp giấy CMND mới. Chỉ tính riêng việc mời được khá nhiều chuyên gia, luật sư, Đại biểu Quốc hội… cũng tham gia trao đổi, phản biện về chủ đề này cho thấy uy tín và cách đặt vấn đề của PLVN về vấn đề này là hợp lý, có căn cứ. Tôi cũng nhận thấy sự tiếp thu của Chính phủ về việc này là kịp thời, đúng ý nguyện của nhân dân. Điều đó cho thấy, phản ứng của người dân, công luận báo chí đã được Chính phủ quan tâm, lưu ý. Mong rằng, các cơ quan khác cũng có thái độ cầu thị, tôn trọng ý kiến người dân, công luận như thế", Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha nói. |
Cụ thể, đồng tình với cách đặt vấn đề của PLVN, ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội) cho rằng, nếu đối chiếu với Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á tham gia phê chuẩn, thì quy định của Bộ Công an đã vi phạm Điều 16, bởi với quy định này, những đứa trẻ không cha, mồ côi cha…, đều phải “trưng” tên người sinh ra mình trên căn cước, trong khi theo quy định thì “Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tuỳ tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín của các em cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em; trẻ em có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy”.
Tiếp đó, trên PLVN ngày 6/8/2012, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - GS.TS Trần Ngọc Đường cũng bảy tỏ sự không đồng tình với ý kiến của Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự an toàn xã hội, khi vị đại diện của Tổng cục này phát biểu: “Quá trình ban hành quy định này đã có sự tham gia ý kiến của các Bộ, ngành là thành viên của Chính phủ và Công an các địa phương” và “CMND liên quan đến một số hoạt động nghiệp vụ đặc thù nên chúng tôi không thể tiến hành lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi như những lĩnh vực khác…”.
Với kinh nghiệm của một người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực lập pháp, GS Đường khẳng định: “Đã “đụng” đến quyền, lợi ích cơ bản của người dân thì phải tổ chức lấy ý kiến. Người dân là đối tượng có quyền, nghĩa vụ đối với CMND của mình. Ngành Công an cho rằng chỉ lấy ý kiến của Công an các địa phương là chưa phù hợp. Mục đích chính của CMND là để phục vụ cho người dân chứ không phải là để quản lý vì vậy nếu hỏi ý kiến của người quản lý thì chắc chắn họ đồng ý ngay vì rõ ràng là nó thuận lợi cho họ”.
Loạt bài này sau đó cũng đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi và đồng tình từ các Đại biểu Quốc hội chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Các vấn đề Xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu đề nghị Bộ Công an cần xem xét lại quy định này một cách thận trong trước khi cho triển khai.
“Việc này nếu làm không khéo sẽ vi phạm đến nhân quyền, bởi quyền con người đã được quy định rất rõ trong Hiến pháp… Với tư cách là Đại biểu Quốc hội, nếu trong quá trình tiếp xúc cử tri mà có nhiều thắc mắc, thì tôi sẽ xem xét chất vấn vấn đề này trước Quốc hội”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Mã Điền Cư phát biểu trên PLVN ngày 13/8/2012.
Sẽ quyết sau khi lấy ý kiến
Như đã nêu, dù dư luận và công luận lên tiếng phản đối khá mạnh mẽ, nhưng sau đó Bộ Công an vẫn “quyết” đưa tên cha, mẹ vào CMND tại buổi lễ khai trương và tiến hành cấp CMND theo công nghệ mới do Tổng cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự an toàn xã hội tổ chức tại Trung tâm CMND Quốc gia hôm 21/9/2012.
Tại đây, Thiếu tướng Trần Văn Vệ tuyên bố với báo chí: “Kể từ ngày 21/9/2012, Bộ Công an sẽ tổ chức cấp CMND theo công nghệ mới tại TP.Hà Nội và sau đó tiếp tục triển khai cấp ở các địa phương khác…”.
“Chính phủ sẽ xem xét thảo luận tập thể để xem việc này có nên áp dụng chính thức hay không trên tinh thần cần quản lý xã hội chặt chẽ nhưng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân và phù hợp với tình hình thực tiễn", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam. |
Sau một thời gian thực hiện tại 3 quận, huyện của Thủ đô Hà Nội, mới đây Bộ Công an tiếp tục cho biết từ nay đến hết năm 2013 sẽ tiếp tục cấp CMND mới trên địa bàn toàn Hà Nội và sẽ mở rộng ra nhiều địa phương phía Bắc như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình…
Xung quanh vấn đề này, ngày 24/12/2012 tại phiên giải trình về việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh do Ủy ban Pháp luật Quốc hội tổ chức với sự tham dự của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nhiều Đại biểu Quốc hội đã đưa việc này ra chất vấn.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông nêu: “Một số quy định gần đây của Chính phủ chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội như việc khai tên cha, mẹ trong CMND… Vậy hướng xử lý sắp tới như thế nào?”.
Việc này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay, Thông tư 27 hướng dẫn thi hành Nghị định 170/CP được Bộ Công an xây dựng nhằm quản lý xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến nên Chính phủ chỉ giao làm thí điểm, tham khảo và xin ý kiến của các chuyên gia pháp luật có kinh nghiệm, xin ý kiến nhân dân, học hỏi kinh nghiệm các nước tiên tiến để có báo cáo đánh giá chính thức kết quả thí điểm. "Sau đó, Chính phủ sẽ xem xét thảo luận tập thể để xem việc này có nên áp dụng chính thức hay không trên tinh thần cần quản lý xã hội chặt chẽ nhưng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân và phù hợp với tình hình thực tiễn", ông Đam nhấn mạnh.
Quan điểm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội phải theo hướng thuyết phục người dân và căn cứ trên phản hồi của xã hội.
Tuấn Anh - Thanh Quý