“Sức khỏe” nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều
Phát biểu khai mạc, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch \VCCI cho biết, chỉ còn tròn một tháng nữa, năm 2018 khép lại với nền kinh tế vĩ mô tăng trưởng một cách ổn định và bền vững. Điều này được minh chứng bằng việc 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao đã hoàn thành, trong đó, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra.
“Như vậy, về kinh tế vĩ mô, chúng ta có tăng trưởng cao, lạm phát tốt… nhìn tổng thể sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam đã tốt hơn Tuy nhiên ở góc nhìn khác, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, chỉ số thuận lợi trong kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam dù là tiến bộ với chính mình nhưng đang tụt hẳn trong cuộc đua toàn cần…”- Chủ tịch VCCI lưu ý
Cụ thể, TS Lộc dẫn chứng: WB đánh giá năng lực cạnh tranh thể chế của Việt Nam tụt 1 hạng, còn Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tụt 4 hạng… Đặc biệt, khoảng cách về năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các nền kinh tế hàng đầu trong ASEAN ngày càng xa”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
“Do đó, sức khỏe của nền kinh tế đứng từ góc độ năng lực cạnh tranh chưa được cải thiện nhiều, nếu chưa muốn nói đang yếu đi so với các đối thủ khác…”- Chủ tịch VCCI nhận định và nhấn mạnh: “Đây là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc và là yêu cầu cấp thiết làm thế nào để Việt Nam trở thành 1 trong 4 nền kinh tế hàng đầu ASEAN…”
Ông cho biết, hiện, khoảng cách của Việt Nam với nền kinh tế đứng thứ 4 trong Asean là 27 bậc. “Nhưng chúng ta không có lựa chọn khác, bởi nếu năng lực cạnh tranh chỉ ở mức trung bình thì chúng ta không thể vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình. Chúng ta phải nỗ lực từ những người bình thường trong cuộc đua trở thành người xuất sắc”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Theo đó, trong năng lực cạnh tranh cầu của nền kinh tế thì năng lực cạnh tranh của DN là chính và là hàn thử biểu cuối cùng của năng lực cạnh tranh nền kinh tế chính là DN. Năng lực cạnh tranh, sức khoẻ DN thể hiện chất lượng thể chế. Trong đó, chỉ số hội tụ, thể hiện năng lực cạnh tranh của DN chính là chỉ số tài chính.
TS Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, hiện gần 60% DN Việt vẫn trong tình trạng kinh doanh không có lãi, không phát sinh thu nhập DN, trong khi thông thường phải là ngược lại. “Điều đó cho thấy bức tranh về tài chính của DN Việt chưa được cải thiện nhiều. Lợi nhuận thấp thì không thể nói DN có sức cạnh tranh cao”, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Vốn hóa lớn nhưng vốn hóa có khả năng chuyển nhượng chỉ chiếm 1/3
Chỉ số được xây dựng trên cơ sở khảo sát, đánh gía 21 tiêu chí liên quan đến mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam với phương pháp đánh giá toàn diện, đảm bảo kết quả chính xác và khách quan.
Kết quả phân tích, đánh giá và xếp hạng là cơ sở quan trọng để DN nắm được tình hình “sức khoẻ” của mình, qua đó khắc phục hạn chế, triển khai các giải pháp phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là kết quả thẩm định năng lực DN giúp các đối tác, các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư, đặc biệt là các cổ đông ra quyết định đầu tư hợp lý và hiệu quả.
Bên cạnh các bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hài lòng của khách hàng (CSI), thì VCCI có bộ chỉ số đánh giá năng lực quản trị tài chính. “Việc lựa chọn đối tượng để đánh giá trong bộ chỉ là số này là DN trên sàn chứng khoán là phù hợp. Bởi đây là bộ phận ưu tú nhất của thị trường Việt Nam, đây là những DN minh bạch hơn. Vừa hiệu quả vừa minh bạch đó là những DN thường có năng lực, sức khoẻ tốt nhất. DN trên TTCK chính là hàn thử biểu cho các DN Việt nói chung”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. Theo mục tiêu của Chính phủ đề ra đến năm 2020 vốn hóa TTCK đạt 70% GDP, nhưng mục tiêu này đã được cán đích vào cuối năm 2017. “Đáng chú ý đã có nhiều DN vốn hóa trên 1 tỷ USD, thậm chí có một nhóm DN hàng đầu đã vượt và chạm ngưỡng 10 tỷ USD như PV GAS, Vinamilk, Vietcombank, Vincom...”, TS Vũ Tiến Lộc cho biết và đánh giá đây là tín hiệu đáng mừng của xu hướng minh bạch á của DN cũng như TTCK Việt Nam.
Trong một thước đo khác, tính đến giữa tháng 10/2018, toàn thị trường hiện có 740 DN niêm yết, với giá trị vốn hóa gần 3.400.000 tỷ đồng, nhưng vốn hóa có khả năng chuyển nhượng thì lại chỉ chiếm 1/3. “Việc quy mô niêm yết thì lớn, nhưng số cổ phiếu thực có khả năng chuyển nhượng lại nhỏ là do vốn Nhà nước vẫn chiếm quá lớn trong các DN niêm yết lớn, dẫn đến kết quả chung toàn thị trường như vậy”, TS Vũ Tiến Lộc nói.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, nếu ví Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI như hàn thử biểu đo chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam thì Chỉ số đánh giá tài chính, kinh doanh sẽ phản ánh chân thực sức khỏe của DN. Mà nhờ đó, các nhà hoạch định chính sách sẽ tìm kiếm được những thông số để khiến chính sách ngày một tiệm cận hơn nữa với tốc độ phát triển như vũ bão của môi trường kinh doanh.
Nhằm tôn vinh và khuyến khích các DN có năng lực hoạt động tốt trong năm 2017, đồng thời hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, kết nối, đầu tư và quảng bá hình ảnh, Ban tổ chức đã công bố và trao chứng nhận cho TOP 100 DN có chỉ số Quản trị tài chính tốt nhất năm 2018.
Trải qua 5 năm thực hiện, chương trình đã khảo sát, đánh giá hơn 5.000 DN niêm yết trên 3 sàn chứng khoán Việt Nam. Hàng năm, Ban tổ chức cũng lựa chọn ra TOP đầu những DN có năng lực quản trị tài chính tốt nhất để vinh danh và trao chứng nhận.
Năm nay, nhằm tôn vinh những DN có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, bền vững và phát triển liên tục, Ban tổ chức đã lựa chọn ra 12 DN 3 năm liên tiếp có mặt trong Top đầu, có chỉ số tài chính tốt nhất trong giai đoạn 2016 – 20128