"Chén thuốc độc" kể về gia đình một viên chức khá giả tại Hà Nội, thầy Thông Thu. Sau khi bố thầy Thông Thu qua đời, các thành viên trong gia đình đã bị cuốn theo những cám dỗ của xã hội đương thời. Trong khi thầy Thông Thu mê đàn ca hát xướng, rượu chè, chơi tổ tôm, mạc chược... thì mẹ ông cùng vợ ông lại mê hầu đồng, cúng bái.
Cô em gái của thầy Thông không nhận được sự quan tâm của mẹ và anh nên rơi vào mối quan hệ với người đàn ông không đường hoàng, đã có vợ, cuối cùng cô có bầu, mang tiếng chửa hoang. Gia sản giàu có bậc nhất của nhà thầy Thông Thu, với sự tàn phá của các thành viên trong gia đình, đã bốc hơi và hơn thế, gia đình thầy Thông còn rơi vào cảnh nợ nần, bị tịch thu gia sản...
Hết tiền bạc, mất danh dự, những thành viên trong gia đình thầy Thông Thu tranh nhau uống thuốc độc để tìm tới cái chết. Trong con đường đen tối, bế tắc ấy thì cũng là lúc họ nhận ra rằng điều quan trọng nhất đối với họ đó là làm sao đứng lên, lấy lại danh dự và nhân phẩm cho mình. Vấp ngã ở đâu thì phải đứng lên ở đó và phải sống tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn là đi tìm cho mình cái chết.
"Chén thuốc độc" là vở kịch nói đầu tiên do người Việt Nam viết có tuổi đời 100 năm |
"Chén thuốc độc" là vở kịch nói đầu tiên do người Việt Nam viết, nhưng khó có thể nghĩ rằng một vở kịch đã được viết cách đây 100 năm. Bởi hàng loạt những vấn đề đặt ra trong vở kịch hoàn toàn không hề cũ, thậm chí vẫn còn nguyên vẹn giá trị với hàng loạt những vấn đề mà xã hội hiện đại vẫn còn đang tồn tại ở không ít những gia đình Việt Nam hiện đại như tệ nạn cờ bạc, rượu chè, mê tín dị đoan…Điều này cho thấy dù có tuổi đời 100 năm nhưng vở kịch vẫn thể hiện sự phản ánh nhạy bén, sâu sắc của những người tiên phong trong nền sân khấu kịch nói Việt Nam.
Các nghệ sĩ chụp ảnh với vợ của cố tác giả Vũ Đình Long sau buổi diễn |
Trong đêm công diễn đầu tiên vở kịch "Chén thuốc độc", khán giả được gặp gỡ một nhân vật đặc biệt - vợ của cố tác giả Vũ Đình Long, bà Mai Ngọc Hà.
Tuy tuổi cao (94 tuổi), nhưng vợ cố tác giả Vũ Đình Long vẫn rất minh mẫn. Bà ngồi xem đến cuối vở diễn, sau đó gặp gỡ các nghệ sĩ và trò chuyện.
Bản thân bà Mai Ngọc Hà khi chia sẻ với báo chí cũng tỏ ý rất bất ngờ bởi trong thời gian dàn dựng rất ngắn mà ê kíp dàn dựng và các nghệ sĩ đã dàn dựng được bản diễn này. Điều mà bà vui mừng là vở kịch đã có tuổi đời 100 năm mà vẫn đáp ứng tính thời sự, hấp dẫn khán giả hôm nay.