Bằng sự chung tay góp sức của nhà nông, nhà doanh nghiệp, cùng những người bạn, những gói nhỏ sản phẩm chè mang thương hiệu Shan Tuyết từ vùng núi đá Hà Giang đã có mặt trên các kệ hàng tại EU, Bắc Mỹ… và được người tiêu dùng ưa chuộng…
Niềm vui của người trồng chè
Chị Đặng Thị Niệp, một trong 645 nông dân trồng chè Shan Tuyết ở xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang chia sẻ, gia đình chị đang canh tác 6ha chè, với mức giá bán chè nguyên liệu loại 1 hiện là 10.000 đồng/kg, loại 2 là 7.500 đồng kg, mỗi năm nhà chị thu nhập gần 70 triệu đồng.
“Gia đình tôi vừa trồng mới thêm 2 ha chè, được công ty hỗ trợ 4 triệu đồng, được đi tập huấn cách trồng, thu hái và bảo quản chè theo quy trình của nhà máy, có thể nói kể từ khi có Công ty Hùng Cường đầu tư, giá chè tăng, người trồng chè chúng tôi cũng có cuộc sống thuận lợi hơn, con cái có điều kiện đi học.
Ông Nguyễn Văn Khoa – Phó giám đốc Công ty TNHH Hùng Cường tại Hà Giang cho biết, chè Cao Bồ đã có hàng nghìn năm tuổi, có thể coi là vùng thủy tổ của cây chè Shan Tuyết, nhờ điều kiện thiên nhiên đặc biệt mà cây chè ở đây được các nhà khoa học xác định là có nội chất rất tốt cho sức khỏe con người.
Được sự hỗ trợ từ dự án “Nâng cao hiệu quả thị trường cho người nghèo” của Quỹ thách thức Việt Nam (VCF) – vùng chè Cao Bồ đang đứng trước cơ hội lớn để mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Năm 2010, trước khi có dự án giá chè Cao Bồ chỉ dao động từ 3.000-4.000 nghìn đồng/kg, tới năm 2011, giá chè lên 6.800 đồng/kg, năm 2012 tăng vọt lên 8.200 đồng/kg.
Cũng theo lời ông Khoa, năm 2011, công ty đã hỗ trợ 1 triệu cây giống và trồng mới 300 ha chè. Người nông dân trồng mới chè được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha, bên cạnh đó đường sá, hạ tầng được cải thiện, tăng cường hoạt động của các tổ thu gom chè.
Đầu ra bền vững
Ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng, thực tế, Việt Nam là cường quốc về chè, cả nước hiện đã có 136.000 ha chè, năng suất bình quân 7 tấn/ha, sản lượng xuất khẩu năm 2010 là 130 nghìn tấn và xếp vào hàng thứ 5 về sản xuất và xuất khẩu chè trên thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay người dân chưa chú trọng vào việc tái đầu tư cây chè, để có sản phẩm chè có chất lượng tốt. Bên cạnh đó, ngành chè hiện có hơn 300 nhà xuất khẩu, hiện tượng tranh mua, tranh bán ép giá nhau vẫn diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng đến uy tín ngành chè. Trong bối cảnh đó, theo ông Tuân, việc các doanh nghiệp chăm chút đầu tư vùng nguyên liệu, chú trọng xây dựng giá trị thương hiệu cho cây chè như mô hình Công ty Hùng Cường rất cần được nhân rộng.
Ông Buddhika Samarasinghe, Trưởng nhóm tư vấn dự án “Nâng cao hiệu quả thị trường cho người nghèo” nhấn mạnh, mấu chốt thành công của dự án này là đã phát triển thương hiệu cho sản phẩm chè Shan tại các thị trường hẹp nhưng giá trị cao.
Để đạt được điều này, dự án đã thành lập và củng cố các nhóm sản xuất nhằm nâng cao năng suất bằng cách xây dựng vườn ươm thương mại; xây dựng thương mại chè hữu cơ để tiếp cận những thị trường xuất khẩu cao cấp và xây dựng mới và nâng cấp nhà máy chế biến chè xanh và chè đen. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất chè hữu cơ, phát triển vườn ươm; đầu tư dây chuyền chế biến chè hiện đại, tiên tiến; đồng thời cần tăng cường tăng khả năng tiếp cận các cửa hàng bán lẻ chất lượng cao…
Bằng sự chung tay góp sức của nhà nông, nhà doanh nghiệp, cùng những người bạn, những gói nhỏ sản phẩm chè mang thương hiệu Shan Tuyết từ vùng núi đá Hà Giang đã có mặt trên các kệ hàng tại Nhật Bản, EU và Bắc Mỹ… Kinh nghiệm từ chè Shan hy vọng sẽ “mở đường” cho hàng loạt nông sản khác của bà con nông dân.
Mai Hoa