Ông Trần Viết Hào – Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng tính toán, nếu cứ tình hình này sẽ có 300 xe đầu kéo kéo sơmi-rơmooc phải dừng hoạt động vì lái xe không có bằng FC.
Còn hiện tại TP HCM đang có khoảng 13,000 xe container đầu kéo kéo rơmoóc, sơmi rơmoóc, nếu áp dụng đúng Luật GTĐB thì đến ngày 1/7/2010, sẽ có khoảng 90% xe đầu kéo rơmooc, sơmi rơmooc tại TP HCM không có tài xế có bằng FC điều khiển. Thiệt hại kinh tế sẽ là không thể tính.
Hiệp Ngồi trên lửa
Ngày 1/7, tức là chỉ còn tầm tháng rưỡi nữa là quy định bắt buộc tài xế lái ôtô đầu kéo kéo sơmi rơmooc phải có giấy phép lái xe (GPLX) hạng FC chính thức có hiệu lực.
Các Hiệp hội vận tải đang "ngồi trên đống lửa" |
Thế nhưng, cho đến lúc này, theo thông tin từ các Hiệp hội vận tải TP.HCM và Đà Nẵng thì họ đang ngồi trên lửa, vì con số tài xế đạt yêu cầu theo luật định vẫn chưa được quá bán. Cụ thể, đến hết tháng 3 -2010, các trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn thành phố HCM mới cấp đổi GPLX hạng FC cho 1.533 tài xế, đạt khoảng gần 30% nhu cầu hiện có.
Tương tự, tại Đà Nẵng, hết tháng 4-2010, vẫn còn hơn 300 tài xế trong tổng số hơn 1.100 tài xế chưa thể chuyển đổi GPLX. Con số lái xe chưa chuyển đổi sang bằng FC tại Hải Phòng cũng là 30% trong tổng số khoảng 6.000 người.
Giải thích cho sự chậm trễ của mình, các Hiệp hội vận tải đã nại ra khá nhiều lý do như: văn bản hướng dẫn của Bộ đến muộn, triển khai không kịp, các Trung tâm sát hạch GPLX hạng FC chưa đáp ứng yêu cầu…
Nhưng lý do chung nhất mà tất cả các Hiệp hội đều cùng chỉ ra là việc quy định phải có thâm niên lái xe từ 2 năm trở lên mới được tham gia đào tạo để nâng cấp từ bằng lái xe loại C lên loại FC là chưa thỏa đáng, làm khó cho người lao động.
Bằng chứng là 70% số lái xe còn lại ở Hải Phòng đến nay chưa có GPLX loại FC vì là đã bị các trường đào tạo từ chối do chưa có đủ thâm niên lái loại xe này như quy định - ông Phạm Trọng Thịnh, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải Hải Phòng cho biết.
Kéo dài thời hạn cho đối tượng đặc cách. Theo thông tin từ Bộ GTVT, hiện Bộ đang nghiên cứu để cho phép kéo dài thời hạn giải quyết cho các đối tượng ưu tiên xét đặc cách (là những người có GPLX hạng C, D, E có đủ thâm niên và số km lái xe an toàn nhưng lại không thuộc đối tượng đã quy định tại QĐ số 997 của Bộ GTVT), cũng như sẽ có những biện pháp phù hợp khác nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề chuyển đổi GPLX trên toàn quốc |
Còn về phần mình, trong công văn báo cáo Bộ GTVT ngày 6/5, Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam cũng cho biết, trong thời gian qua, các Sở GTVT đã tổ chức đào tạo, sát hạch và cấp 7975 GPLX và được dư luận xã hội đồng tình.
Tuy nhiên, số lượng GPLX được cấp còn thấp do với nhu cầu thực tế là do một số đối tượng đã có trong danh sách đăng ký học và sát hạch nhưng lại chưa đến tham gia, số còn lại thì hy vọng sẽ có sự thay đổi chính sách hoặc được kéo dài thời gian gia hạn nên chưa đăng ký học.
Bộ GTVT : Kiên quyết không lùi !
Điều đáng nói ở đây là lộ trình đào tạo và cấp đổi GPLX từ hạng C lên hạng FC đã từng được Bộ GTVT kéo dài thêm 1 năm (từ 1/7/2009 đến 1/7/2010) theo kiến nghị của chính các Hiệp hội, DN vận tải nhằm mục đích để các trường đào tạo nghề lái xe có đủ thời gian đầu tư và nâng cấp hạ tầng cũng như chuẩn bị đội ngũ giáo viên và các lái xe có đủ thời gian vật chất chuẩn bị.
Thế nhưng, một năm gia hạn đã sắp trôi qua, vậy mà mọi việc vẫn chưa hoàn tất và các Hiệp hội lại tiếp tục bài ca xin gia hạn…1 năm nữa.
Đáp lại, quan điểm của Bộ GTVT là sẽ không tiếp tục cho phép kéo dài thời gian nữa (Công văn số 2273 ngày 12/4) vì khi NĐ 34 có hiệu lực (20/5), việc sử dụng GPLX các hạng C, D, E để điều khiển xe ô tô đầu kéo kéo sơmi-rơmooc sẽ bị xử phạt hành chính từ 1/7.
Do đó, các Hiệp hội và DN cần khẩn trương xúc tiến cũng như chuẩn bị tinh thần cho những hệ lụy không mong muốn xảy ra sau “ngày G” này.
Hồng Minh