Châu Âu 'mong manh' trước nguy cơ khủng bố

Tổng thống Pháp Francois Hollande đề xuất tiếp tục kéo dài tình trạng khẩn cấp tại nước này đến tháng 5/2017
Tổng thống Pháp Francois Hollande đề xuất tiếp tục kéo dài tình trạng khẩn cấp tại nước này đến tháng 5/2017
(PLO) - Nguy cơ khủng bố vẫn luôn hiện hữu tại châu Âu khi Liên minh Châu Âu (EU) vừa cảnh báo và bày tỏ quan ngại về sự trở lại của các tay súng thánh chiến. Có thể nói, châu Âu là một mục tiêu dễ bị tổn thương trong cuộc chiến chống khủng bố.

Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 15/11 đã đề xuất tiếp tục kéo dài tình trạng khẩn cấp tại nước này đến tháng 5 năm sau nhằm đảm bảo an toàn cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2017. 

Trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị thứ 22 Công ước khung của Liên Hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu tại Maroc, Tổng thống Hollande nhấn mạnh mong muốn gia hạn các biện pháp khẩn cấp đã được ban bố tại nước này kể từ sau loạt vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris hôm 13/11 năm ngoái cho tới tận khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào tháng 5/2017.

Kể từ khi ban bố đến nay, tình trạng khẩn cấp đã được nhà chức trách Pháp gia hạn 4 lần và có hiệu lực đến hết tháng 1 năm sau. Tình trạng khẩn cấp cho phép chính quyền áp đặt sự hạn chế tự do đi lại cũng như thiết lập các khu vực an ninh đặc biệt; trong thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp, các cơ quan chức năng được phép giam lỏng một cá nhân tại nhà và triển khai các cuộc bố ráp mà không cần lệnh của tòa án.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders cho rằng các nước EU phải tăng cường hợp tác tình báo nhằm giải quyết tình trạng ngày càng nhiều tay súng thánh chiến từ các chiến trường ở Syria và Iraq trở về nước.

Phiến quân trở lại

Phát biểu họp báo cùng với Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault ở Brussels, Ngoại trưởng Reynders khẳng định đang xuất hiện “quan ngại” về việc ngày càng nhiều “tay súng nước ngoài” trở về châu Âu do các lực lượng liên minh được Mỹ hậu thuẫn đánh đuổi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khỏi những vùng lãnh thổ mà chúng chiếm đóng ở Syria và Iraq. Để đối phó với tình trạng này, ông Reynders kêu gọi tăng cường “hợp tác và trao đổi thông tin” không chỉ giữa Pháp và Bỉ mà còn với nhiều đối tác châu Âu khác cũng như ngoài khu vực.

Theo Ngoại trưởng Reynders, Brussels và Paris đã đi đầu trong việc hợp tác tình báo từ sau vụ tên Mehdi Nemmouche mang quốc tịch Pháp bị cáo buộc bắn chết 4 người tại bảo tàng Do Thái ở Brussels hồi tháng 5/2014 sau khi hắn từ Syria trở về. Tên Nemmouche có quan hệ với tên Abdelhamid Abaaoud - kẻ đã chiến đấu ở Syria, lớn lên ở Brussels và bị cảnh sát Pháp tiêu diệt vài ngày sau khi tham gia loạt vụ tấn công ở Paris.

Bỉ là quốc gia EU có số tay súng đã tham gia hoạt động thánh chiến ở Syria và Iraq cao nhất tính theo tỷ lệ đầu người, với ước tính khoảng 465 tên.

Nhiều “lỗ hổng” an ninh

Các vụ tấn công khủng bố đẫm máu xảy ra liên tiếp trong một năm qua tại nhiều thành phố lớn của châu Âu như Paris và Nice (Pháp), Brussels (Bỉ), Munich, Frankfurt (Đức)…, đã phơi bày những “lỗ hổng” an ninh của châu Âu, đồng thời cho thấy lục địa già là một mục tiêu dễ bị tổn thương trong cuộc chiến chống khủng bố.

Hợp tác, trao đổi thông tin về các đối tượng nghi vấn và hồ sơ tội phạm giữa các quốc gia thành viên EU được cho là chưa hiệu quả
Hợp tác, trao đổi thông tin về các đối tượng nghi vấn và hồ sơ tội phạm giữa các quốc gia thành viên EU được cho là chưa hiệu quả

Cuộc điều tra về các vụ khủng bố ngày 13/11/2015 tại Pháp và ngày 22/3/2016 tại Bỉ càng tiến triển thì những “lỗ hổng” an ninh này càng lộ rõ. Nguyên nhân là do EU chưa có một chính sách an ninh chung và thiếu sự hợp tác chặt chẽ nhằm phát huy hiệu quả các công cụ sẵn có. 

Ngày 14/11 vừa qua, báo Le Monde đã trích đăng tài liệu của Trung tâm phân tích hoạt động khủng bố (CAT) trong đó có những thông tin do Cơ quan chống khủng bố của Hungary cung cấp. Tờ báo cho biết các thông tin này đã giúp các cơ quan tình báo của Pháp hình dung được con đường xâm nhập vào châu Âu của các phiến quân IS để thực hiện loạt vụ tấn công liên hoàn ngày 13/11 tại Paris. 

Theo tài liệu của CAT, ngày 1/8/2015, Abdelhamid Abaaoud, kẻ điều phối các vụ tấn công tại Paris là kẻ đầu tiên đã lọt được vào châu Âu thông qua con đường của những người di cư. Với giấy tờ giả, tên này đã lợi dụng cuộc khủng hoảng di cư để xâm nhập vào châu Âu, đi theo tuyến đường Balkan đến Hungary - điểm trung chuyển, quá cảnh của người tị nạn trước khi đến được Brussels, để rồi sau đó tự do đi lại giữa các nước châu Âu.

Trong khi đó, Salah Abdeslam - kẻ được cho là đóng vai trò đầu não, giữ nhiều bí mật quan trọng về công tác tổ chức loạt vụ tấn công tại Paris, đã thực hiện ba chuyến đi về giữa Brussels và Budapest bằng ô tô để đưa 7 tên khủng bố thánh chiến từ Syria quay lại châu Âu và 3 đối tượng khác từ thành phố Ulm, nơi được coi là “cái nôi” của Hồi giáo cực đoan tại Đức đến Brussels. Các đối tượng này sau đó đã gây dựng lực lượng và lập hang ổ khủng bố ngay giữa lòng châu Âu. 

Mehdi Nemmouche - quốc tịch Pháp - bị cáo buộc bắn chết 4 người tại bảo tàng Do Thái ở Brussels hồi tháng 5/2014
Mehdi Nemmouche - quốc tịch Pháp - bị cáo buộc bắn chết 4 người tại bảo tàng Do Thái ở Brussels hồi tháng 5/2014

Những “kẽ hở” an ninh đến từ việc tự do đi lại, không có kiểm soát biên giới theo Hiệp ước Schengen đã được những kẻ khủng bố lợi dụng triệt để bằng cách trà trộn vào dòng người di cư chạy trốn khỏi các vùng chiến sự Trung Đông và châu Phi. 

Bên cạnh đó, các vụ khủng bố đẫm máu tại châu Âu cũng cho thấy hợp tác và trao đổi thông tin về các đối tượng nghi vấn và hồ sơ tội phạm giữa các quốc gia thành viên EU là không hiệu quả. Trong số những cấu trúc an ninh khu vực phải kể đến Hệ thống thông tin Schengen (SIS), nơi lưu trữ các dữ liệu sinh trắc học của các đối tượng đã bị kiểm tra tại biên giới EU; Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) có nhiệm vụ đối phó với tội phạm, vũ khí chính của Europol là các lệnh bắt giữ trên toàn châu Âu; Hệ thống dữ liệu hành khách hàng không (PNR) nhằm phát hiện những đối tượng khả nghi; Lực lượng biên phòng và tuần tra châu Âu (Frontex) nhằm đảm bảo an ninh biên giới; và Cơ quan Tư pháp châu Âu có nhiệm vụ điều tra các phần tử khủng bố… Bên cạnh đó, còn có rất nhiều thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan tình báo của các nước thành viên EU. Thế nhưng, sự phối hợp và vận hành của các cơ chế này chưa thực sự hiệu quả. 

Rối rắm thông tin tình báo

Theo các chuyên gia phân tích, một trong những “chìa khóa” cho cuộc chiến chống khủng bố là chia sẻ thông tin tình báo. Tuy nhiên, thông tin tình báo lại là một công cụ thuộc chủ quyền quốc gia, vì thế các nước không sẵn sàng chia sẻ. Các cơ quan tình báo cũng không muốn chia sẻ nguồn thông tin, vì vậy, một hệ thống hạ tầng thông tin chống khủng bố ở phạm vi châu lục vẫn chưa được xây dựng. Đây chính là những rào cản hạn chế hiệu quả của việc hợp tác an ninh giữa các nước EU. 

Trong một chương trình bình luận mới đây trên kênh “Public Sénat”, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách của Nghị viện Châu Âu Jean Arthuis đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thành lập một cơ quan điều phối thống nhất, tập trung về an ninh nội khối.

Ông Arthuis cũng tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của PNR được Nghị viện Châu Âu thông qua ngày 14/4 vừa qua. Theo ông, mục tiêu của PNR là kiểm soát những công dân châu Âu tham gia thánh chiến ở Trung Đông và từ đó quay trở về. Tuy nhiên, PNR giống như “một con dao không chuôi” và đây không phải là Hệ thống dữ liệu hành khách của EU mà là “28 Hệ thống dữ liệu quốc gia”.

Còn điều phối viên chống khủng bố của EU, ông Gilles De Kerchove cũng phải thừa nhận rằng các quốc gia cần nỗ lực hơn nữa nhằm cải thiện sự hợp tác thông qua việc tăng cường trao đổi thông tin và phân tích dữ liệu. Đồng Chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng Xanh tại Nghị viện Châu Âu Philippe Lamberts thì cho rằng cơ quan tình báo các nước cần phải vượt qua sự “thiếu tin tưởng lẫn nhau” để sẵn sàng chia sẻ thông tin. 

Dưới góc độ an ninh, dư luận các nước EU đều cho rằng liên minh này có quá ít đòn bẩy để đảm bảo an ninh trước các mối đe dọa khủng bố bởi các lực lượng an ninh cũng như các phương tiện, thiết bị và kế hoạch giải quyết khủng hoảng, đều thuộc phạm vi năng lực và chủ quyền của các quốc gia thành viên. 

Với châu Âu, chống khủng bố không phải là cuộc chiến mới, tuy nhiên có thể khẳng định, cuộc chiến chống khủng bố tại châu Âu đã bước sang giai đoạn khó khăn với các hoạt động khủng bố ngày càng nguy hiểm hơn. Châu Âu đang bị cuốn vào một cuộc chiến ngay trên lãnh thổ của mình và đây thực sự là một thử thách lớn.

Theo các nhà phân tích, việc tốt nhất là tổ chức tốt mạng lưới an ninh châu Âu trên cơ sở củng cố năng lực của các cấu trúc hiện có và tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên. Nếu EU không hành động mang tính phối hợp thì vấn đề đảm bảo an ninh và chống khủng bố vẫn là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Việc áp dụng tình trạng khẩn cấp trong 1 năm qua ở Pháp đã cho phép cơ quan chức năng tiến hành hơn 4.000 vụ khám xét hành chính, thẩm vấn 500 người, tống giam 426 đối tượng và quản thúc tại gia 95 nghi can khủng bố. Các cuộc khám xét cũng giúp phát hiện gần 600 loại vũ khí. Ngoài ra, nhà chức trách Pháp đã thực hiện 80 lệnh trục xuất công dân nước ngoài có liên quan đến phong trào thánh chiến, đồng thời cấm rời khỏi đất nước đối với 430 công dân Pháp bị tình nghi muốn gia nhập các nhóm khủng bố ở Trung Đông.

Tin cùng chuyên mục

Phong tục chuẩn bị đón Giao thừa của người dân các nước châu Á

Phong tục chuẩn bị đón Giao thừa của người dân các nước châu Á

(PLVN) - Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mang theo bao hy vọng, ước nguyện về một tương lai hạnh phúc, thịnh vượng. Với ý nghĩa đặc biệt đó, mỗi quốc gia châu Á đều có những phong tục truyền thống độc đáo để chào đón khoảnh khắc thiêng liêng này.

Đọc thêm

Tuyên bố đáng lo ngại từ Nga

Ông Sergey Shoigu.
(PLVN) - Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergey Shoigu mới lên tiếng cảnh báo ô hạt nhân của Nga đã "trùm" sang đồng minh thân cận Belarus...

Vệ binh quốc gia Mỹ triển khai 8.000 binh sĩ bảo vệ lễ nhậm chức của ông Donald Trump

Vệ binh quốc gia Mỹ triển khai 8.000 binh sĩ bảo vệ lễ nhậm chức của ông Donald Trump
(PLVN) - Trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump, Vệ Binh Quốc Gia Mỹ đã thiết lập các vành đai an ninh tại Washington để đối phó với các cuộc biểu tình về quyền phụ nữ và công bằng chủng tộc. Khoảng 8.000 binh sĩ từ 40 bang sẽ được huy động để đảm bảo an ninh cho sự kiện này.

Bi kịch liên tiếp xảy ra khắp nơi trên thế giới

Bi kịch liên tiếp xảy ra khắp nơi trên thế giới
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt thảm họa thiên nhiên và sự cố nghiêm trọng xảy ra ở nhiều quốc gia, từ lũ lụt nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà tại Indonesia, vụ nổ xe bồn thảm khốc ở Nigeria, đến sập cáp treo tại Tây Ban Nha...

Phán quyết mới nhất của Toà án tối cao Mỹ về TikTok

Phán quyết mới nhất của Toà án tối cao Mỹ về TikTok
(PLVN) - Tòa án Tối cao Mỹ mới ra phán quyết giữ nguyên lệnh cấm ứng dụng chia sẻ video TikTok, bất chấp những nỗ lực kháng cáo từ phía công ty chủ quản Tik Tok. Quyết định này được đưa ra sau nhiều tháng tranh cãi, xoay quanh các lo ngại về an ninh quốc gia và quyền riêng tư dữ liệu người dùng ở Mỹ.