Nỗ lực vươn lên
Trung tá Phạm Quang Khang - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn KTHK - vui vẻ cho biết: “Nhiệm vụ bảo đảm KTHK SU27 trước đây và SU 30 hiện nay làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, bảo vệ vùng trời, chủ quyền biển đảo phía Nam Tổ quốc hết sức nặng nề song chúng tôi luôn hoàn thành tốt, vừa bảo đảm cho Trung đoàn làm nhiệm vụ”. Để khai thác tốt và làm chủ khí tài hiện đại, đội ngũ cán bộ nhân viên phải có bản lĩnh vững vàng, quyết tâm cao, trình độ tay nghề, năng động, sáng tạo vượt khó. Đến nay, đơn vị có 80% có trình độ cao đẳng và kỹ sư hàng không được đào tạo cơ bản ở các học viện, nhà trường quân đội, một số được cử ra nước ngoài học tập, được tôi rèn qua thực tế và trưởng thành đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ở khu vực chuẩn bị máy bay, dưới tiết trời oi nồng, đội ngũ thợ máy lưng ướt đẫm mồ hôi, tiếng động cơ gầm rú đinh tai, nhức óc, nhưng nét mặt ai cũng phấn khởi, tự tin thực hiện nhiệm vụ… Từng chiến đấu cơ từ từ lăn bánh, nhận lệnh từ đài chỉ huy, tăng lực cất cánh rời đường băng làm nhiệm vụ theo kế hoạch. Giải lao giữa hai chuyến bay, Thượng úy CN Nghiêm Tiến Dũng - Kỹ thuật trưởng Máy bay động cơ - chia sẻ: “Vì đam mê nghề chứ vất vả lắm anh ạ, bay ngày dậy từ 3-4 giờ sáng làm công tác chuẩn bị máy bay, nhiều hôm kết thúc ban bay hơn 12h trưa, thời tiết mùa nắng nhiệt độ ngoài trời có lúc hơn 40 độ, về đến nhà nhiều lúc chẳng muốn ăn vì quá mệt… Còn những lúc máy bay hỏng hóc đột xuất thì cả thầy và trò bò ra mà sửa chữa kể cả ngày nghỉ, giờ nghỉ nếu không sẽ ảnh hưởng nhiệm vụ bay của Trung đoàn. Niềm vui lớn nhất đối với chúng tôi là những chuyến bay luôn an toàn, thắng lợi trở về”.
Say mê sáng tạo
Xưởng Bảo dưỡng kỹ thuật, nơi vẫn được gọi vui là “bệnh viện tuyến trên”, chuyên tiếp nhận, điều trị cho những “con én bạc” khi những hỏng hóc phát sinh vượt khả năng của đội ngũ thợ ở ngoài sân bay. Tiếp nhận máy bay vào xưởng, từ cán bộ đến nhân viên “hội chẩn” tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục, sửa chữa tốt nhất. 12 năm qua, xưởng bảo dưỡng kỹ thuật chưa bó tay trước trường hợp hỏng hóc nào từ thông thường đến phức tạp. Thượng tá CN Hà Minh Triệu - Phân xưởng trưởng thiết bị hàng không, chủ đề tài sáng kiến cải tiến hệ thống thu thả lưới bảo vệ động cơ máy bay -nói ngắn gọn: “Ở Nga hệ thống này hoạt động chủ yếu ở mặt đất nhưng đặc thù ở Việt Nam khi máy bay cất cánh và hạ cánh thì chim hay lọt vào động cơ, làm hỏng lá nén, việc sửa chữa tốn kém, mất thời gian, đặc biệt uy hiếp đến an toàn bay”. Anh cùng đồng đội nghiên cứu, cải tiến thử nghiệm nhiều lần, cuối cùng đã làm chậm lại quá trình thu thả lưới, bảo vệ an toàn động cơ, loại bỏ được tình trạng chim lọt vào động cơ khi máy bay cất và hạ cánh.
Bước xuống chân cầu thang máy bay sau chuyến bay thử nghiệm thành công, Đại tá Lê Văn Hợi - Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn - giơ ngón tay cái ra hiệu “OK”: “Phi công và thợ máy tuy công việc khác nhau nhưng là một, bởi khi điều khiển những “con én bạc”, thực hiện những bài bay nhào lộn phức tạp kiểm tra tính năng, nếu phát hiện vấn đề là về báo ngay cho thợ máy kiểm tra, hiệu chỉnh, còn những người thợ lại tâm niệm để những chuyến bay an toàn, thắng lợi là trách nhiệm, vinh dự, niềm vui để chúng tôi càng thêm yêu mến, gắn bó với nghề hơn.
“Vất vả chẳng quản nắng mưa, tất cả cho những chuyến bay an toàn thắng lợi, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật luôn cố gắng nỗ lực vượt qua, dẫu biết rằng hậu phương của các đồng chí vẫn còn nhiều khó khăn vất vả lắm, nhưng họ vẫn ngày, đêm miệt mài, say sưa, chuẩn bị máy bay tốt nhất cho nhiệm vụ của Trung đoàn…”.
Đó là tâm sự của Thiếu tá Phạm Thái Bắc - Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn KTHK - khi nhận xét về những người lính thợ của mình. Thời gian qua, tập thể Tiểu đoàn KTHK đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chắp cánh bay cho những chuyến bay bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc, 4 năm đơn vị đạt Danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen...