Chân dung tên cướp có 2 bằng đại học vác mìn giả cướp ngân hàng

Những ngày giáp Tết Nhâm Thìn, người Hà Nội xôn xao về vụ kẻ cướp vác mìn khống chế nhân viên ngân hàng rồi cướp đi 50 triệu đồng. Ai cũng đoán đối tượng phải là kẻ “tiền án nhiều hơn tiền mặt” nhưng thật bất ngờ, kẻ cướp lại là người học qua hai trường đại học danh tiếng, sống trong một gia đình kinh tế khá giả và đến bố mẹ đối tượng cũng không hiểu động cơ nào khiến đứa con mình lại dại dột như vậy.

[links()] Những ngày giáp Tết Nhâm Thìn, người Hà Nội xôn xao về vụ kẻ cướp vác mìn khống chế nhân viên ngân hàng rồi cướp đi 50 triệu đồng. Ai cũng đoán đối tượng phải là kẻ “tiền án nhiều hơn tiền mặt” nhưng thật bất ngờ, kẻ cướp lại là người học qua hai trường đại học danh tiếng, sống trong một gia đình kinh tế khá giả và đến bố mẹ đối tượng cũng không hiểu động cơ nào khiến đứa con mình lại dại dột như vậy.

Đối tượng Trần Vũ Huy
Đối tượng Trần Vũ Huy

Tên cướp có gia cảnh không thiếu thốn

Trưa ngày 10/1, đối tượng Trần Vũ Huy (SN 1985, ngụ đường Lương Thế Vinh, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội) bịt khẩu trang, đi xe máy đến trước Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) tại số 65, đường Hoàng Quốc Việt. Lên phòng giao dịch trên tầng 2, lợi dụng lúc giữa trưa vắng khách, Huy rút dao và mìn giả được làm từ bao thuốc lá cuốn băng dính đen để uy hiếp hai nhân viên cướp 50 triệu đồng.

Nhân viên nữ quá sợ hãi bật khóc nên một bảo vệ đã kịp thời chạy lên lao vào định khống chế tên cướp. Bỏ chạy được vài chục mét, tên cướp đã bị mọi người tóm gọn. Tại cơ quan công an, Huy khai nhận vì nợ tiền bạn bè nên đã thực hiện vụ cướp liều lĩnh này.

Dù thuộc địa bàn huyện, nhưng khu nhà của đối tượng Huy nằm trên một con phố sầm uất tấp nập, căn nhà của Huy bốn tầng khang trang ở ngay mặt phố. Vị Tổ trưởng Tổ dân phố cũng bất ngờ trước thông tin cậu trai vốn được tiếng là “học cao, hiền lành” này lại đi cướp ngân hàng. “Tại địa phương, Huy là người xưa nay sống hiền lành, ít nói, được đi ăn học đàng hoàng. Bố mẹ của Huy cũng là công nhân viên chức đã về hưu, sống thật thà lương thiện. Gia đình sống gia phong nề nếp, có trước có sau”, vị Tổ trưởng cho biết.

Kể từ ngày xảy ra sự việc, cha mẹ Huy sống thu mình trên tầng 2 mà ít đi ra ngoài. Cả hai ông bà đều đeo cặp kính trắng, gương mặt phúc hậu, vẻ mặt đầy mệt mỏi. Bố Huy trước đây từng đi bộ đội rồi chuyển ngành đường sắt, mẹ Huy từng làm kế toán cho một công ty thương nghiệp nhà nước. Trước đây gia đình ông bà sống ở khu phố cổ Hà Nội, đến năm 1998 mới chuyển xuống khu vực này mở tiệm cơm và vì đây là khu đông dân cư, lại nhiều sinh viên nên quán cơm của gia đình rất đông khách. Do tuổi đã cao nên từ năm 2011, gia đình không bán cơm nữa mà chuyển sang cho thuê kinh doanh hàng điện tử tại tầng 1.

Nhắc đến chuyện con đi cướp, đến giờ ông bà nhiều khi vẫn không tin đó là sự thật. Bố Huy cho biết từ trước đến nay con mình vốn học giỏi, hiền lành, từng tốt nghiệp Khoa Công nghệ Thông tin của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ra trường Huy xin vào làm nhân viên thiết kế đồ họa cho công ty của một hãng hàng không tại đường Giang Văn Minh. Để nâng cao tay nghề, Huy còn đang là sinh viên năm thứ bốn của một trường đại học danh tiếng. “Đáng ra cuối năm nay nó bảo vệ khóa luận ở Đại học FPT nhưng nhà trường hõan lại sang năm. Chưa bảo vệ xong khóa luận thì sự việc ập đến thế này”, ông cho biết.

Ông bà cho biết thêm gia đình lúc nào cũng tạo điều kiện để con cái ăn học đàng hoàng tử tế. “Nói thật là gia đình tôi điều kiện chả thiếu cái gì, con cái đều được đầu tư học cho hành đến nơi đến chốn. Biết nó vừa đi học vừa đi làm, lương không đủ tiêu nên gia đình vẫn thường xuyên chu cấp cho nó tiền xăng xe đi lại và sinh hoạt hàng ngày. Nó có thiếu gì đâu mà lại đi làm cái chuyện quá bất ngờ”, người cha buồn bã.

Người mẹ thì cho biết từ trước tới nay con mình không giao du với nhiều bạn bè, chủ yếu chơi thân với mấy người bạn cùng học từ thời cấp 3. Ban ngày đi học, đi làm, tối nào Huy cũng về cùng cha mẹ, có đi chơi tối với bạn gái thì cũng đều về trước 10h. “Tôi không tin con mình nợ 50 triệu tiền cờ bạc, lô đề nên mới đi cướp vì nó không có máu “đỏ đen”. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình tôi đã trực tiếp lên xin lỗi ngân hàng, xin lỗi hai người nhân viên. Tôi không hiểu nổi tại sao nó lại dại dột làm thế”, người mẹ than thở.

Bao nhiêu năm tự hào là gia đình truyền thống gốc Hà Nội có truyền thống gia phong từ lâu đời nên “từ khi sự việc xảy ra, tôi cảm thấy xấu hổ lắm, họ hàng rồi đồng nghiệp của tôi trước đây không hiểu lại bảo tôi không biết nuôi dạy con cái”, người cha nói.

Ngân hàng bị Huy cướp tiền
Ngân hàng bị Huy cướp tiền

Cướp ngân hàng vì “mắc bệnh tâm thần”?

Không chỉ mang những nỗi niềm nêu trên, cha mẹ Huy còn buồn hơn khi dự định cưới vợ cho con cũng đổ bể. Ngày cưới của con đã được định sẵn là ngày 2/2 Âm lịch năm Nhâm Thìn, nghĩa là qua Tết Nguyên đán khoảng hơn một tháng. Bà mẹ cho biết từ vài tháng nay gia đình hai bên đã hoàn thành các nghi lễ dạm hỏi, đến cả việc thuê ô tô, áo cưới, nhà hàng, in thiếp mời, lên danh sách khách cũng đã chuẩn bị xong, nay chỉ còn chờ ngày cưới.

Bà cho biết vợ tương lai của Huy là một nữ cử nhân Trường Đại học kinh tế Quốc dân, khi biết tin chồng sắp cưới của mình gây ra sự việc này thì cả ngày chỉ nằm ôm gối khóc, bỏ bê công việc không chịu đi làm. “Bố mẹ gia đình bên kia cũng sang đây động viên, thăm hỏi. Ngày cưới cũng định sẵn rồi mà giờ tự dưng lại thế này. Sao dại dột thế con ơi”, bà mẹ than thở.

Sau ngày con trai gây ra vụ việc động trời, ông bà đã nát óc suy nghĩ chuyện không thiếu tiền, không tiền án tiền sự … nhưng vì sao con mình lại đi cướp và “dự đoán” rằng Huy thành tên cướp vì… tâm thần.

Cách đây hơn hai tháng, Huy gặp tai nạn giao thông khi bị một xe máy đi ngược chiều lao thẳng vào người, hồ sơ bệnh án ghi rõ là bị gãy hai ngón tay và 5 chiếc răng. Đặc biệt trong hồ sơ bệnh án mà bệnh viện cung cấp có viết: “Nếu có biểu hiện gì khác thường thì cần đưa ngay đến bệnh viện”. Mẹ Huy cho biết sau khi bị tai nạn, quai hàm của con trai mình sưng rất to. Bác sĩ cũng nói rằng có thể việc va đập quá mạnh ở hàm đã gây chấn động và làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

Cũng theo bà, từ khoảng nửa tháng trước khi gây ra vụ án, Huy có nhiều biểu hiện khác thường như cáu gắt, hay quên, lú lẫn. “Chúng tôi cũng chủ quan quá không nhớ lời dặn của bác sĩ ghi trong hồ sơ, cũng vì thấy con nó to lớn khỏe mạnh, với lại việc chuẩn bị cưới hỏi bận rộn nên không nghĩ đến việc đưa con đi bệnh viện khám lại. Tôi nghi là nó bị ảnh hưởng thần kinh chứ bình thường sao dám làm thế”, người mẹ nói. “Có thể do nó xem phim ảnh hành động nhiều, trong khi thần kinh không ổn định nên nó đã học cách làm mìn giả đểcướp ngân hàng”, người bố đưa ra giả định.

Thực hư động cơ vì đâu mà Huy dám một mình đi cướp ngân hàng trong khi gia đình “không thiếu gì” thì cơ quan công an điều tra sẽ làm rõ. Tuy nhiên dù với động cơ gì thì những người đau lòng nhất vẫn là cha mẹ của Huy. Sự phấn đấu cả cuộc đời của bậc cha mẹ đã bị đứa con đạp đổ chỉ vì một suy nghĩ dại dột. Ngày cuối năm khi ngoài đường tấp nập người sắm Tết, cha mẹ Huy rầu rĩ trong nhà với nỗi ê chề, với nỗi nhớ con Tết này và có thể nhiều Tết nữa sẽ đón xuân trong nhà giam.

Minh Hữu

Đọc thêm

Kiên Giang: Bắt giam đối tượng cầm đầu hoạt động bảo kê, đòi nợ thuê

02 bị can Danh Út Hiểu và Đặng Hoàng Lâm (từ trái sang).
(PLVN) - Sáng ngày 3/5, Thượng tá Nguyễn Hoàng Phương – Phó trưởng Công an, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang cho biết: Chiều tối ngày 2/5, Cơ quan đã tống đạt quyết định khởi vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm đối với Danh Út Hiểu (SN 1985, ngụ phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá) và Đặng Hoàng Lâm (SN 1987, ngụ phường Vĩnh Quang, thành phố Rạch Giá) cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Cảnh giác trước thủ đoạn giả danh cán bộ nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Cảnh giác trước thủ đoạn giả danh cán bộ nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản
(PLVN) - Thời gian qua, trên địa bàn cả nước liêp tiếp xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Mặc dù các cấp, các ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng. Tuy nhiên tình trạng người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.