Án tù 18 tháng cho “bảo mẫu” Quảng Thị Kim Hoa dường như vẫn chưa có tác dụng răn đe với những người dùng bạo lực với trẻ nhỏ. Mấy ngày nay, cộng đồng mạng lại rúng động trước những hình ảnh gây sốc của đoạn video tung lên YouTube ghi lại cảnh người phụ nữ to béo vừa mắng chửi, vừa đạp chân lên lưng một em bé 3 tuổi, nắm tóc, ra sức dội nước vào mặt bé.
Tắm kiểu tàn ác
Cảnh quay cho thấy em bé đã khóc ngất và quờ quạng trong tuyệt vọng để cố gắng thoát khỏi tay người phụ nữ to béo phốp pháp. Nhưng những ca nước xối vào mặt liên tục dường như khiến em tối tăm mặt mũi nên trong nỗ lực thoát ra ngoài, bé luôn va vào những lu nước xung quanh. Clip được cho là do một công nhân lén quay tại cơ sở giữ trẻ tư nhân ở ấp Bình Thuận 1, xã Thuận Giao, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Ngay sau đó, sáng 24/11, công an đã vào cuộc và tìm ra chân tướng bảo mẫu bất nhân đó: Người đàn bà to béo mà chẳng phúc hậu này là Trần Thị Phụng (ở tại địa chỉ trên). Bé gái 3 tuổi bị người phụ nữ nặng gấp mấy chục lần mình ra sức dẫm đạp, hành hạ dã man là bé Ngân, clip tắm cho trẻ kiểu “bạo hành” diễn ra vào chiều 23/11.
Theo cơ quan chức năng, cơ sở nuôi dạy trẻ của bà Phụng là cơ sở tự phát, đang trông giữ sáu trẻ em (1-3 tuổi), chủ yếu là con em của các công nhân lao động nghèo.
Cái giá của sự nương tay
Còn nhớ cách đây không lâu, khi đứng trước vành móng ngựa, “bảo mẫu” hung thần Quảng Thị Kim Hoa đã thanh minh cho những hành động dã man của mình là chỉ vì muốn cho các cháu ngoan ngoãn, ăn nhiều. Và, người phụ nữ đã đạp chân, hắt nước lên mặt đứa trẻ 2 tuổi trong đoạn clip nói trên cũng đã ra sức biện hộ cho hành động tàn ác của mình: Do trong lúc rửa mặt, bé Ngân vùng vằng không chịu nên bà Phụng mới làm vậy.
Cũng sau phiên tòa xử “bảo mẫu” Hoa, còn nhớ bản án 18 tháng tù dành cho bị cáo này đã không làm thỏa mãn dư luận xã hội, nhất là những ông bố bà mẹ có con từng bị bà ta bạo hành.
Từ đây một câu hỏi đã đặt ra là phải chăng pháp luật chúng ta còn quá nhẹ tay với những hành vi bất nhân như vậy? Có lẽ vì thế nên trong thời gian gần đây đã xảy ra quá nhiều trường hợp bạo hành trẻ em một cách dã man đến vậy.
Buông lỏng quản lý
Mặt khác, để xảy ra tình trạng này thì nguyên nhân một phần cũng là do sự buông lỏng trong việc quản lý các nhóm trẻ gia đình (NTGĐ) hiện nay. Theo thống kê, TP HCM là địa phương có nhiều nhóm lớp mầm non tư thục nhất trong cả nước. Các NTGĐ này hiện đang nuôi giữ khoảng 700.000 trẻ, “gánh” một phần không nhỏ nhu cầu gửi con của phụ huynh.
Tuy nhiên, việc quản lý các NTGĐ lại không hề đơn giản. Nhiều quận, huyện có tới cả trăm nhóm trẻ gia đình (NTGĐ), trong khi chuyên viên phụ trách công tác giáo dục mầm non (GDMN) thì thiếu nghiêm trọng. Trung bình mỗi chuyên viên phải phụ trách ít nhất 25 NTGĐ. Còn bản thân nhóm trẻ cũng thường xuyên phải đối mặt với tình trạng quá tải, đơn cử như Huyện Hóc Môn cũng có tới 18 NTGĐ đang nuôi giữ từ 100 - 200 cháu, cá biệt có 3 nhóm nuôi tới 230 cháu...
Với diện tích của các phòng học mà các NTGĐ đăng ký theo quy định để được cấp phép thì chỉ được nuôi dạy khoảng 70-80 em, nhưng các phòng đều được chủ nhóm nhận gấp đôi sĩ số cho phép. Lớp đông, nhưng cũng chỉ có một giáo viên và một bảo mẫu, và chủ yếu là những chủ yếu là những bảo mẫu chỉ được đào tạo cấp tốc 3-6 tháng.
Bàn về câu chuyện quản lý, việc quản lý cấp phép cho các nhóm trẻ gia đình lâu nay đã trở thành một vấn đề nan giải của không chỉ ngành giáo dục mà còn cả chính quyền địa phương. Thống kê của các quận huyện của TP HCM cho thấy, có tới hơn 60% trẻ trong độ tuổi mầm non hiện nay phải học trong những nhóm trẻ gia đình, trường tư thục.
Thậm chí không ít trường hợp đến xin học cho con nhưng thất vọng ra về vì hết chỗ. Dù kém chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng phụ huynh vẫn phải cắn răng chấp nhận, bởi không gởi con em ở những nơi này thì con họ biết gởi vào đâu. Không riêng gì TP HCM, hiện nay nhiều tỉnh thành trên cả nước đang mọc lên hàng loạt các khu chế xuất, công nghiệp. Thế nên, việc giải quyết căn cơ về cơ sở, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non là đòi hỏi thực tế.
UBND TP HCM cũng đã có quy định buộc chủ đầu tư khi xây dựng nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư mới... phải dành kinh phí xây dựng trường mầm non để công nhân yên tâm làm việc. Nhưng thực tế lại không được vậy.
Hồng Minh