Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) ngày 5/11 tổ chức Lễ Công nhận và gắn bia “Cây di sản” cho cây thị của nhà thờ họ, phái Thân Văn ở làng Dương Xuân Hạ, phường Thủy Xuân, TP Huế. Đây là lần thứ hai sự kiện cây di sản được vinh danh trên toàn quốc. Trước đó, 9 cây Muỗm 700 năm tuổi tại đền Voi Phục, quận Tây Hồ, Hà Nội đã được VACNE công nhận là cây di sản.
“Nhân chứng sống”
Theo gia phả phái Thân Văn, cây thị này do ngài Thân Văn Thẩm (1671-1758), Thủy Tổ phái Thân Văn, làng Dương Xuân Hạ trồng vào năm 1698 để làm mốc địa giới cho hậu duệ. Năm đó, Thân Văn Thẩm mới 27 tuổi và còn làm giáo học tại làng Nguyệt Biều (TP.Huế). Tính đến nay, cây thị đã sống 312 năm, có chiều cao 25m, chu vi 4,2m, đường kính 1,4m và chu vi bạnh vè hơn 10m. Từ đó đến nay, với sự chăm sóc của chín thế hệ hậu duệ phái Thân Văn, cây Thị đã phát triển xanh tốt, nở hoa thơm ngát và kết trái vào mỗi dịp hè.
Bác Thân Văn Trợ, Tộc trưởng họ phái Thân Văn bên cây thị cổ vừa được công nhận “Cây di sản Việt Nam” |
Lý giải vì sao ngài Thủy Tổ lại chọn cây thị chứ không phải một loại cây khác để trồng, ông Thân Trọng Ninh, một bậc cao niên trong dòng họ Thân Văn cho biết, thị là loài cây quý hiếm, ngoài việc đánh dấu mốc thời gian phái họ Thân định cư tại đây, thì các bộ phận của cây như quả thị dùng làm thuốc an thần và tẩy giun. Hạt dùng làm trà uống để giữ sắc đẹp. Vỏ, rễ chữa nôn ói ở trẻ em hoặc chữa các vết loét... Đặc biệt, gỗ cây thị được người xưa dùng làm điêu khắc, viết các bảng chữ in để lưu trữ trong các bảo tàng vì có độ dẻo, mềm, không vênh, tráng và mối mọt.
Không chỉ có giá trị về mặt thời gian, cây thị này còn gắn liền với tên tuổi một người con họ Thân là Đại tá Thân Trọng Một, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Sử sách ghi lại rằng, ông đã chọn khu vực này làm khu căn cứ để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công đánh chiếm Kinh thành Huế mùa xuân năm 1968.
Ông Thân Văn Trợ (75 tuổi, Tộc trưởng họ phái Thân Văn) cho biết: “Anh Thân Trọng Một lúc đó làm Chỉ huy trưởng Đoàn 5, đơn vị có nhiệm vụ đánh vào nội thành Huế. Cạnh cây thị lúc đó có một cái khe tựa giao thông hào được tán cây thị phủ kín nên anh Một chọn khu vực này để tập trung lực lượng, họp bàn phương án tác chiến và vạch kế hoạch tấn công.
Khi biết có đơn vị bộ đội hoạt động ở cây thị, địch dùng máy bay thám thính dò la và phát hiện ra nơi ẩn nấp. Chúng dùng máy bay thả một loạt đạn pháo làm gãy hết các nhánh chính và toàn thân cây bị cháy đen. Một mảnh đạn pháo cắm sâu vào thân cây, mọi người ai cũng nghĩ cây sẽ chết, nhưng chẳng bao lâu sau cây lại đâm chồi, nảy nhánh và phát triển nhanh chóng. Vết đạn hiện vẫn còn hằn sâu và khoét một lỗ hổng tại thân cây. Không chỉ đơn vị anh Một mà nhiều đơn vị khác khi hành quân qua đây đều dừng lại nghỉ chân và là nơi địa phương dùng làm lễ đưa tiễn hàng trăm thanh niên lên đường nhập ngũ”.
Bác Trợ cũng cho biết là dòng họ Thân trước đây, dưới thời nhà Nguyễn có hai vị làm quan triều đình giữ chức Thượng thư Bộ hộ và Quản lý Thư khố nên được hai nhà Vua là Minh Mạng và Tự Đức thường ghé thăm và hàn huyên dưới gốc cây thị này.
Giá trị nhân văn sâu sắc
Cây cổ thụ có vị trí quan trọng đối với đời sống cộng đồng, ngoài giá trị sinh học nó còn góp phần tạo nên giá trị kiến trúc, mỹ quan và văn hóa. Nó gắn bó sâu sắc với con người, tạo nên nét đẹp hài hòa về cảnh quan, giữ gìn môi trường sinh thái; nó còn là chứng tích lịch sử, là một nét tiêu biểu trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt.
Theo ông Nguyễn Khoa Điềm - nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương: “Việc công nhận Cây Di sản của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nó không chỉ là hoạt động đơn thuần về mặt môi trường sinh thái, mà nó còn là vấn đề văn hoá, lịch sử. Bởi cây thị này gắn với thủ phủ của Xứ đàng trong, với cố đô Huế”. |
Ông cũng cho rằng, trong bối cảnh đô thị hóa nông thôn như hiện nay, việc bảo vệ các cây cổ thụ ở các làng xã, thôn bản là một việc làm có ý nghĩa cấp bách. Công việc phải được tiến hành ngay từ khi quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Cần phải đưa vào quy hoạch bảo tồn cây cổ thụ như bảo tồn các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh. Không nên vì xây dựng các công trình mới hiện nay là triệt phá cây cổ thụ.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các ban ngành liên quan cần sớm có những giải pháp cụ thể để triển khai việc bảo tồn cây thị cổ nói trên. Các cấp có thẩm quyền sớm nghiên cứu và ra những quy định đảm bảo tính pháp lý cho việc tồn tại và quyền được chăm sóc, bảo vệ cây cổ thụ.
Quang Tám