Cảnh giác với “nạn” cướp giật giữa ban ngày trên đường Hà Nội

Trong trường hợp rơi vào tình huống không may, người bị hại cần đến cơ quan công an trình báo. Đây là cơ sở để phục vụ công tác điều tra, xử lý đối tượng cướp giật sau này; và cũng là thông tin để lực lượng chức năng khoanh vùng, triển khai phương án phục kích, vây bắt tội phạm cướp giật.

Chia bình quân số vụ cướp giật bị phát hiện và bị CQĐT truy tố mỗi năm, thì địa bàn các quận nội thành Hà Nội không ngày nào không xảy ra dưới 5 vụ. Con số này tăng lên đáng kể mỗi dịp vào hè, như đã thành quy luật.

Cướp giữa ban ngày

11h50 ngày 2/6, nhiều người dân trên phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng chứng kiến “màn” gây án hết sức manh động nhằm vào 1 cô gái trẻ đi xe máy tay ga.

Không rõ 2 gã thanh niên đeo bám, phát hiện cô gái đeo sợi dây chuyền vàng trên cổ từ đoạn phố nào, khi đến trước số nhà 426 phố Bạch Mai, chúng tăng tốc, vọt lên chặn đầu xe.

Tên ngồi sau nhoài sang giật sợi dây chuyền vàng trên cổ cô gái, xe máy của nạn nhân đổ vật xuống đường. Không thèm ngoảnh lại, 2 kẻ cướp giật thốc ga phóng vọt về hướng đường Trương Định.
 

xxx
Nạn nhân trong vụ cướp giật trưa 2/6 trên phố Bạch Mai

Khá đông người đi đường xúm lại dựng xe, hỏi han, động viên cô gái trẻ. “Em vừa bị sao đấy?. Chúng nó lấy cái gì của em đấy?”, cô gái líu ríu hỏi mấy chị phụ nữ đang dùng bông, khăn lau vệt máu rớm ở tay và bắp chân mình. “Nó cướp giật sợi dây chuyền mà em không biết à”.

Cô gái trẻ đưa tay lên sờ cổ, rồi nhìn theo hướng chỉ của những người tốt bụng, kêu khẽ: “Cướp, cướp”. Tiếng ai đó vang lên: “Cháu vào công an trình báo đi. Có mấy cậu thanh niên đuổi theo chúng nó rồi, không biết có bắt được không”.

Những kẻ bất nhân

Vụ việc diễn ra trưa 2/6 trên phố Bạch Mai kể trên, bị hại vẫn được xem là may mắn, vì dù mất sợi dây chuyền nhưng chỉ bị thương nhẹ, không nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Chiều 19/5 vừa qua, trên cầu Vĩnh tuy hướng vào nội thành, anh Trần Minh Toàn, 27 tuổi, nhà ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, trong khi đi xe máy bị 2 đối tượng đạp đổ xe, lấy đi 1 túi xách bên trong có 1 máy tính xách tay trị giá hơn 20 triệu đồng.

Điều xót xa trong vụ án này là anh Toàn sau đó đã bị chấn thương sọ não, bị đưa vào bệnh viện Việt Đức rồi chuyển tiếp sang bệnh viên Xanh-Pôn để điều trị. Người đến cơ quan công an trình báo là bố của anh Toàn, và mục đích chính của ông không phải để mong tìm lại được tài sản cho con trai, mà mong cơ quan công an có biện pháp tìm ra đối tượng gây án, ngăn chặn những vụ việc thương tâm tương tự.

Theo trinh sát Phòng CSHS - CATP Hà Nội, chủ yếu, tội phạm cướp giật tăm tia chị em phụ nữ. Và thường, chúng quan tâm những người đeo đồ trang sức bằng kim loại quý. Khi phát hiện mục tiêu, ngay cả khi bị hại đi 2 người, đối tượng vẫn sẵn sàng gây án.

Đào Việt Phương, 27 tuổi, ở phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng, là con nghiện ma túy nặng, nhiều lần sử dụng chiếc xe SH không đeo biển kiểm soát đi cướp giật. Trưa 23/5, khi đang “ăn” sợi dây chuyền của một phụ nữ trên phố Đông Tác, Phương rơi vào vòng vây của tổ mật phục chống cướp giật tài sản của CAP Trung Tự, quận Đống Đa.

Phương khai, sáng cùng ngày, hắn cùng tên đồng bọn chạy thoát cũng gây ra 1 vụ cướp giật dây chuyền. Và cho đến khi bị bắt, ít nhất có 15 bị hại đã bị mất dây chuyền vàng vào tay Đào Việt Phương.

Giữ an toàn cho bản thân

Nắm bắt quy luật hoạt động của tội phạm cướp giật nói riêng, thời điểm hiện tại, các lực lượng Công an Hà Nội, từ phường đến thành phố, đã triển khai các tổ tuần tra, cả công khai lẫn bí mật, để phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này. Tuy nhiên, song song với biện pháp nghiệp vụ của lực lượng công an, hơn ai hết, mỗi người dân phải chủ động giữ an toàn cho bản thân và tài sản của mình.

Trong trường hợp rơi vào tình huống không may, người bị hại cần đến cơ quan công an trình báo. Đây là cơ sở để phục vụ công tác điều tra, xử lý đối tượng cướp giật sau này; và cũng là thông tin để lực lượng chức năng khoanh vùng, triển khai phương án phục kích, vây bắt tội phạm cướp giật.

Một khuyến cáo cũng được cơ quan công an đưa ra đối với các hiệu vàng, hiệu cầm đồ, là phải tỉnh táo trước những tài sản mà khách mang đến giao dịch. Một sợi dây chuyền bị đứt, một chiếc điện thoại di động không “sim”… rất có thể, đó là tang vật của những vụ cướp giật; và nên thông tin ngay đến cơ quan chức năng.

Còn trường hợp biết mà vẫn mua những món đồ phi pháp ấy, người mua sẽ bị xử lý hình sự trước pháp luật. Mỗi một sự tỉnh táo, cẩn trọng, một ý thức trách nhiệm công dân trước biểu hiện nghi vấn, tội phạm cướp giật sẽ không còn đất để hoạt động.

Theo An ninh thủ đô
 

Tin cùng chuyên mục

Các bị cáo tại tòa.

Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục Việt Nam kể công

(PLVN) - Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục Việt Nam khai, khi nhận thức được hành vi sai phạm, ông đã làm đơn tự thú khi cơ quan công an chưa phát hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, ông Thái còn nói, nhờ đơn tố giác của ông mà phát hiện đường dây SGK giả lớn nhất từ trước tới nay.

Đọc thêm

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.