Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, phần lớn bệnh nhân là nam giới, có tiền sử nghiện rượu, uống rượu nhiều năm. Các bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh khác nhau như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang nhưng đều uống rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc.
Các bệnh nhân này được đưa đến viện trong tình trạng có rối loạn ý thức, lơ mơ hoặc hôn mê, toan chuyển hóa nặng, xét nghiệm thấy nồng độ methanol trong máu cao, có trường hợp lên tới gần 200 mg/dL (vượt xa nồng độ gây ngộ độc nặng).
Cụ thể, trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Ch. (52 tuổi, ở Hà Nội) được đưa đến Trung tâm Chống độc ngày 2/8 trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Đặc biệt, kết quả chụp MRI cho thấy bệnh nhân tổn thương sọ não nặng.
Sau 2 ngày điều trị tích cực, tình trạng của bệnh nhân không có chuyển biến và tăng nặng nên gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà ngày 4/8.
May mắn hơn bệnh nhân trên là anh Vi Văn C. (44 tuổi, ở Lục Ngạn, Bắc Giang) vào Trung tâm Chống độc ngày 1/8 trong tình trạng kích thích, lú lẫn, Glasgow 13 điểm, giảm thị lực.
Theo lời kể của người nhà, trước vào viện 3 ngày bệnh nhân có uống rượu ở ngoài quán và ở các gia đình khác nhau, có loại gia đình nấu, có loại không rõ nguồn gốc, sau uống mệt mỏi, đau đầu, lú lẫn, yếu chân tay, được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang.
Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc methanol, được truyền dịch natri bicarbonat và được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 1/8.
“Chúng tôi mong các cơ quan chức năng có những phương án quyết liệt hơn nữa trong các khâu quản lý sản xuất và kinh doanh rượu, quản lý hóa chất cồn công nghiệp nhằm ngăn chặn tình trạng ngộ độc methanol do uống rượu được pha chế từ cồn công nghiệp đáng báo động như hiện nay. Tất nhiên, người dân chúng ta không nên quên là cần hạn chế uống rượu và cần chọn uống các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng”, BS. Nguyễn Trung Nguyên nói.
Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân đã được giải các độc chất và thoát cơn nguy kịch, giữ được tính mạng. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn còn những di chứng đối với thần kinh (chụp cộng hưởng từ có tổn thương trên não) và thị giác (hiện tại vẫn nhìn mờ cả hai mắt) nên sẽ được chuyển đến Khoa Mắt để tiếp tục điều trị.
Thực trạng trên cho thấy, ít nhất trong các bữa rượu của các bệnh nhân trên, rất nhiều khả năng còn các bệnh nhân khác cũng bị bệnh, nhưng có thể bị nhầm với các bệnh khác hoặc bị bỏ quên trong khi chất cồn công nghiệp đang gây hại cho cơ thể và sức khỏe sẽ sớm yếu đi.
Với các nguồn rượu lậu gây ra ngộ độc ở các bệnh nhân trên cũng rất có thể đồng thời gây ngộ độc ở những người khác nhưng chưa được phát hiện, lẫn với bệnh khác hay lãng quên. Câu chuyện lớn hơn nữa, đó là các loại rượu lậu được chế từ hóa chất là cồn công nghiệp methanol vẫn đang trôi nổi.
Methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh.
Trung tâm Chống độc đã từng tiếp nhận có trường hợp ngộ độc rượu với nồng độ methanol lên đến 687 mg/dL, bệnh nhân tử vong không thể qua khỏi. Hoặc không ít các ca bệnh thoát chết nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não…
Người bệnh tuy được cứu sống nhưng mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.