“Vấn nạn” viết, vẽ bậy lên di tích
Những năm qua, tình trạng du khách, người dân tự ý xâm hại, viết, vẽ bậy lên các di tích đã trở thành một “vấn nạn” tại nhiều điểm tham quan. Như di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước tỉnh Ninh Bình bị viết, vẽ bậy nhiều năm qua. 16 cột gỗ lim của lầu Nghinh phong nằm giữa đỉnh núi Non Nước chi chít những dòng chữ viết bằng bút mực nhiều màu, với các kiểu nội dung. Những vật dụng khác như bàn đá, tường gạch cổ... cũng chịu chung số phận. Sự việc diễn ra từ nhiều năm nay, mặc dù BQL khu di tích đã đưa ra quy định cũng như nhiều lần nhắc nhở nhưng vẫn không ngăn chặn nổi.
Bức tường đá trên đỉnh Mã Pí Lèng (Hà Giang) đã bị du khách vẽ bậy trở nên nham nhở, xấu xí. Các di tích lịch sử ở Huế từ nhiều năm nay cũng chịu cảnh bị xâm hại nặng nề tương tự. Như đầu rùa ở chùa Thiên Mụ, nơi đặt tấm bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” bao nhiêu năm nay đã trở thành nơi viết chữ ưa thích của không ít du khách. Các di tích như đại hồng chung, bia đá... trong chùa cũng nhận không ít nét vẽ, viết, gạch nguệch ngoạc làm tổn hại nghiêm trọng.
Nhóm du khách chụp lại “chiến tích” vẽ lên núi Đá Chồng (Quảng Ninh) rồi đăng lên Facebook. |
Tình trạng tương tự cũng xảy đến với nhiều di tích lớn tại Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Cột Cờ - Hà Nội, Tháp Hòa Phong – Hồ Hoàn Kiếm...
Theo thống kê của ngành văn hóa, cả nước hiện có hơn 40.000 di tích - điểm tham quan, trong đó có hơn 3.000 di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích cấp tỉnh. Đáng buồn là rất nhiều trong số di tích đã bị xâm hại bởi bàn tay con người, phổ biến là những hành vi viết bậy, vẽ bậy của du khách.
Có trường hợp, du khách hủy hoại di tích xong còn chụp ảnh như một “chiến tích” để đăng lên mạng xã hội. Như tại khu di tích núi Đá Chồng ở Quảng Ninh, một nhóm du khách “phượt” sau khi chinh phục núi đá đã dùng sơn xịt vẽ lên các hòn đá cổ này để “đánh dấu chủ quyền”, sau đó đăng lên mạng. Hành vi này đã bị dư luận lên án và bị chính quyền địa phương xử lý, di tích cũng đã được trả lại hiện trạng.
Không chỉ xâm hại di tích trong nước, nhiều người Việt còn mang thói quen xấu xí này ra nước ngoài. Năm 2018, một du khách người Việt đã bị chính quyền địa phương tìm kiếm vì hành vi viết bậy lên một phiến đá di tích thành cổ Yonago.
Xử lý vi phạm, giáo dục nhận thức
Anh Đào Hoàng Mẫn, hướng dẫn viên du lịch một công ty lữ hành tại TP HCM chia sẻ: “Là hướng dẫn viên chuyên dẫn du khách tham quan các điểm đến trong nước, tôi đã không ít lần buồn rầu, xấu hổ khi chứng kiến những di tích bị hủy hoại bởi du khách thiếu ý thức. Mặc dù khi dẫn đoàn, tôi luôn nhắc nhở du khách trân trọng, giữ gìn di tích, nhưng đã vài lần bắt gặp du khách trong đoàn mình định dùng viết viết tên bản thân để “lưu niệm” tại các di tích. Một số du khách thì để cho trẻ con mặc sức quậy phá, lấy đá, gạch, vật cứng cào vào các bia đá, tượng gỗ... Tôi nghĩ rằng, các điểm di tích nên tăng cường quản lý, thậm chí lắp đặt các camera nơi điểm tham quan quan trọng, phạt tại chỗ hoặc “phạt nguội” du khách có hành vi xâm hại di tích để răn đe”.
Những hành vi viết, vẽ bậy, tác động lên bề mặt di tích, tuy chỉ là hành vi chơi đùa, vô ý thức nhất thời nhưng hậu quả rất nghiêm trọng. Có những di tích bị xâm hại nhẹ, nhưng cũng không ít di tích bị hủy hoại lâu ngày, chữ chồng lên chữ, vết khắc sâu nghiêm trọng đến mức không thể phục hồi.
Theo quy định tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP ban hành ngày 29/3/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo có hiệu lực từ ngày 1/6 tới thay thế Nghị định 158/2013/NĐ-CP thì những hành vi trên sẽ bị xử phạt hành chính. Bên cạnh đó, Điều 345 Chương XXII Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng có quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng, với mức phạt cao nhất đến 3 năm tù.
Tuy nhiên, hầu hết các hành vi nói trên rất ít khi bị xem xét xử lý, chưa đủ sức để răn đe nên tình trạng viết, vẽ bậy lên di tích vẫn rất phổ biến. Các chuyên gia cho rằng, một mặt, cần tăng mức xử phạt hành chính, căn cứ vào hậu quả gây ra để xử lý bồi thường, thậm chí xử lý hình sự. Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trên diện rộng cũng như tăng cường công tác quản lý các di tích, nhằm “chữa tận gốc” tật xấu này của một bộ phận người Việt.