Tại cuộc họp, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sẽ thực hiện xây dựng tối thiểu 20 điểm bán thịt heo bình ổn giá trên tất cả các quận, huyện nhằm để người dân mua được thịt có chất lượng, đảm bảo vệ sinh với mức giá “vừa mua”.
Theo đại diện Cty C.P, Cty có các trang trại chăn nuôi heo, giá thịt rẻ hơn thị trường là do công ty tự giết mổ, cung cấp đến tận nơi nên không phải chia lợi nhuận cho các tầng lớp trung gian như thương lái, lò mổ, kho lạnh, tiểu thương… Cho nên, thời gian tới Cty C.P sẽ chỉ bán heo mảnh nhằm tránh thương lái mua về bán lại cho người khác với giá cao.
“Hình thức kinh doanh này mang đến cho đối tác có lợi nhận ổn định, người tiêu dùng được lợi, mặt khác còn đảm bảo khâu an toàn vệ sinh thực phẩm”, đại diện Cty C.P cho biết. Tuy nhiên, hạn chế là mỗi ngày, đêm số lượng heo được giết mổ không đủ cung cấp cho các đối tác.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại cuộc họp. |
Trước tình hình biến động giá và vấn đề “cầu lớn hơn cung”, để bình ổn, Cty TNHH MTV Nguyễn Đan Hậu Giang sẽ phụ trách phần giết mổ, Cty C.P sẽ cung cấp heo hơi. Theo đó, Sở Công Thương chỉ đạo các Phòng Kinh tế, Kinh tế hạ tầng hỗ trợ tìm địa điểm thích hợp để xây dựng các chuỗi địa điểm bán thịt “đúng giá” cho người dân.
Trước ý kiến đặt ra, “Nếu xây dựng các điểm bán bình ổn giá thì các tiểu thương trong chợ không bán được thịt với giá cũ và họ cũng muốn có thịt để bán với giá tương tự thì sẽ như thế nào?”. Đại diện C.P trả lời: “C.P và Cty TNHH Nguyễn Đan luôn có khả năng đáp ứng cho các tiểu thương tại chợ, chỉ cần các tiểu thương chấp nhận tham gia vào bình ổn giá”. Đây có lẽ là vấn đề được quan tâm đầu tiên khi các điểm bình ổn giá được xây dựng.