“Tôi xin đặt câu hỏi với Bộ trưởng Lê Thành Long là làm thế nào để Bộ Tư pháp mạnh lên, ngành Tư pháp mạnh lên, đúng với vị trí, vai trò nhiệm vụ được giao trong bối cảnh chúng ta thực sự chú trọng công tác xây dựng, thực thi thể chế. Chúng ta phải làm gì để từng cán bộ, chuyên viên Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp cả nước phát huy được hết năng lực, trí tuệ, trách nhiệm”?
(Trích Phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017)
Theo đó, Đề án được ban hành nhằm triển khai thực hiện một số giải pháp cơ bản đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật (THPL), hướng đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức THPL.
Trong giai đoạn 2018 - 2022, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Đặc biệt, về việc đổi mới công tác theo dõi, đánh giá tình hình THPL, Bộ Tư pháp đã tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở lý luận về công tác theo dõi THPL thông qua việc nghiên cứu Đề tài cấp Bộ “Hoàn thiện cơ chế tổ chức theo dõi thi hành pháp luật ở Việt Nam hiện nay” đồng thời giao Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL chủ trì thực hiện.
Liên quan đến việc hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành và theo dõi THPL, các hoạt động phục vụ nghiên cứu, xây dựng đề xuất chính sách cho việc lập hồ sơ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật về tổ chức THPL cũng đã được Bộ Tư pháp dự kiến trong kế hoạch triển khai công tác năm 2019.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương bước đầu nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng Luật về tổ chức THPL.
Bộ Tư pháp cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tổ chức THPL thông qua nghiên cứu, xây dựng, vận hành phần mềm đánh giá tình hình THPL (phần mềm quan trắc tình hình THPL); xây dựng, vận hành phần mềm thu thập thông tin THPL (phần mềm phục vụ việc báo cáo tình hình THPL) kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia (thời gian thực hiện từ năm 2018 đến năm 2022).
Bên cạnh đó, để bảo đảm điều kiện cho công tác tổ chức THPL, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định về kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức THPL theo hướng bố trí toàn diện, đầy đủ các nội dung chi và mức chi phù hợp đối với các hoạt động tổ chức THPL.
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 242, Bộ Tư pháp đề nghị Tổ chức pháp chế các bộ, ngành và Sở Tư pháp tăng cường tham mưu với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Cụ thể như chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Đề án 242 và tổ chức thực hiện nghiêm túc, chất lượng và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Quyết định số 242; ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc tổ chức thi hành và theo dõi việc THPL đối với lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý; tiếp tục thực hiện rà soát, đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của người dân và doanh nghiệp; kịp thời, chủ động tiếp nhận, xử lý thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nói chung, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng phản ánh về những vụ việc cụ thể, những vấn đề “nóng” trong thực tiễn đời sống xã hội...
Bên cạnh đó, quan tâm kiện toàn tổ chức, biên chế làm công tác pháp chế nói chung và theo dõi thi hành pháp luật nói riêng trên cơ sở sắp xếp, bố trí hợp lý nguồn biên chế cán bộ, công chức hiện có theo hướng tại mỗi sở, ngành chuyên môn có ít nhất 01 công chức pháp chế chuyên trách.