Tại Hội nghị “sơ kết Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch (PCT) UBND xã thuộc 63 huyện nghèo” do Bộ Nội vụ tổ chức sáng qua (26/6), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, “các địa phương quan tâm nhân rộng mô hình này để ngày càng có nhiều tri thức trẻ tình nguyện về các vùng khó khăn của địa phương công tác...”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Hội nghị |
Cơ hội cống hiến của trí thức trẻ
Tại Hội nghị, các đại biểu đều nhất trí đánh giá, “Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo” đã có những kết quả bước đầu khả quan, tạo động lực cho việc triển khai trong những năm tiếp theo.
Dẫu còn nhiều khó khăn do “tuổi đời còn trẻ”, còn nhiều bỡ ngỡ khi tiếp cận công việc mới, địa bàn mới, phong tục, tập quán và cả ngôn ngữ của người dân địa phương, song với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự đồng tình ủng hộ của các cấp chính quyền, nhân dân, đặc biệt tại các xã thuộc 63 huyện nghèo có triển khai Dự án, lãnh đạo địa phương kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, biểu dương những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại yếu kém, các tri thức trẻ đã có nhiều thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Nhờ đó, họ có “cơ hội để rèn luyện, trưởng thành từ thực tiễn, đóng góp sức trẻ vào phát triển các địa phương còn khó khăn về kinh tế - xã hội, cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước” như tâm sự của nhiều đội viên Dự án tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Dự án.
Tạo thuận lợi hơn nữa cho các cán bộ trẻ
Ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng trong quá trình tổ chức triển khai Dự án, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: “Việc triển khai thực hiện Dự án có ý nghĩa thiết thực góp phần đào tạo, tạo nguồn cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ trưởng thành từ thực tiễn ở cơ sở, xây dựng cơ chế chính sách về cán bộ, về điều chuyển cán bộ”.
Vì thế, “các địa phương cần quan tâm nhân rộng mô hình này để ngày càng có nhiều tri thức trẻ tình nguyện về các vùng khó khăn của địa phương công tác, qua đó đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đồng thời đáp ứng nhu cầu về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ” – Thủ tướng yêu cầu.
Với những tồn tại, hạn chế và kết quả của Đề án đã có, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp “tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, công chức, đảng viên và người dân về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của Dự án; tạo điều kiện thuận lợi cho các đội viên của Dự án, không chỉ về nơi ăn, chỗ ở mà còn là sự hướng dẫn, giúp đỡ, giao việc để các đội viên của Dự án hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của địa phương”.
Bày tỏ tin tưởng các đội viên Dự án sẽ tiếp tục phát huy tinh thần vượt khó, tính năng động, sáng tạo, tiên phong, gương mẫu của tuổi trẻ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các đội viên Dự án tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được “sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi công tác; không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, khiêm tốn, khắc phục khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương”.
Dự án được Chính phủ phê duyệt tháng 1/2011 và bắt đầu triển khai từ tháng 4/2011 với 3 mục tiêu: tăng cường nguồn nhân lực có trình độ giúp địa phương phát triển; tạo nguồn cán bộ trẻ; và góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách về cán bộ công chức trẻ. Đã có hơn 1.700 hồ sơ đăng ký dự tuyển. Qua tuyển chọn, sàng lọc, Ban Quản lý Dự án đã chọn được 580 trí thức trẻ cho vị trí Phó Chủ tịch UBND xã. |
H.Giang