“Điểm danh” một số tuyến đường chậm trễ lắp ETC
Trước đó, Bộ GTVT đã thống nhất với đề xuất của Tổng cục Đường bộ (TCĐB) về triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí ETC trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Từ 5/5 tới đây, tuyến cao tốc này chỉ phục vụ các phương tiện có đủ điều kiện tham gia dịch vụ thu phí ETC. Các phương tiện không đủ điều kiện không được đi vào cao tốc.
Theo một số LS, hiện chưa có văn bản nào quy định chủ xe bắt buộc phải dán thẻ thu phí ETC. Tuy nhiên, theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP , xử lý một số hành vi như: phạt tiền 1-2 triệu đồng với người điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức ETC (xe không gắn thẻ đầu cuối hoặc gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn thu phí ETC) đi vào làn đường dành riêng thu phí ETC tại các trạm thu phí; phạt 4-6 triệu đồng với người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện trốn tránh, không trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ khi lưu thông qua các trạm thu phí.
Là một người thường xuyên có công việc phải di chuyển xa bằng ô tô, anh Nguyễn Văn Khoa (Hoàng Mai, Hà Nội) đồng tình với mục tiêu của Chính phủ đưa ra là đến 2025 sẽ triển khai thu phí ETC tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, tiến tới xóa bỏ tất cả các làn thu phí sử dụng tiền mặt. Đồng thời anh Khoa cho rằng nếu đã vì chủ trương chung thì cũng nên bàn việc xử lý với các tuyến cao tốc đang chây ì việc lắp đặt trạm thu phí ETC.
“Để đảm bảo công bằng không nên chỉ đưa ra giải pháp để thúc ép người dân thực hiện việc dán thẻ mà quên đi việc xử lý các chủ đầu tư đang cố tình không thực hiện trách nhiệm của họ”, anh Khoa nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, anh Lê Văn Sử (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nói, sắp tới đây xe nào không dán thẻ thu phí không dừng sẽ không thể lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Trong khi đó các tuyến cao tốc khác hiện vẫn duy trì cả làn thu phí thủ công và làn thu phí tự động nên các xe chưa dán thẻ ETC vẫn có thể qua trạm bình thường.
“Nếu nói vì chủ trương chung các nhà đầu tư cần làm gương trước. Tuyến nào chưa lắp trạm thì nên cho dừng thu phí thủ công. Làm không công bằng, e rằng người dân sẽ cảm thấy mình như đang bị ép buộc thực hiện dịch vụ mới mà các nhà cung cấp dịch vụ đưa ra”, anh Sử nêu quan điểm.
Theo tìm hiểu của PV, tính đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều tuyến đường mà chủ đầu tư không thực hiện lắp trạm thu phí tự động. Trên hệ thống quốc lộ, đang có 8 trạm “không thể triển khai lắp đặt ETC” hoặc lùi thời gian triển khai. Trên đường cao tốc có 4 hệ thống thu phí kín của TCty VEC chưa triển khai ETC do vướng mắc về nguồn vốn (Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây).
Trên hệ thống đường địa phương có 3 trạm thu phí (trạm thu phí QL39B tỉnh Thái Bình, trạm thu phí ĐT768 tỉnh Đồng Nai và trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh TP HCM) chưa triển khai; và các địa phương đang báo cáo Thủ tướng xin điều chỉnh thời hạn thực hiện, hoặc dừng triển khai thực hiện.
Không lắp đặt sẽ cho dừng thu phí
Trao đổi với PV, đại diện TCĐB xác nhận, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, TCĐB đã có văn bản gửi 63 tỉnh thành để đề nghị các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động, yêu cầu chủ phương tiện giao thông trên địa bàn thuộc đối tượng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ phải dán thẻ đầu cuối; và sử dụng dịch vụ thu phí ETC để lưu thông qua các trạm thu phí.
Cùng với đó chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới phối hợp các nhà cung cấp dịch vụ thu phí dán thẻ đầu cuối khi chủ phương tiện đến đăng kiểm phương tiện; bảo đảm đến tháng 6/2022 đạt tối thiểu 90% phương tiện giao thông thuộc đối tượng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ được dán thẻ đầu cuối để sử dụng dịch vụ thu phí ETC.
Đồng thời, TCĐB cũng phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ để tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hiệp hội vận tải về lợi ích của thu phí điện tử không dừng; triển khai các giải pháp tiện lợi cho chủ phương tiện sử dụng thu phí dịch vụ điện tử không dừng. “Đây là một chỉ tiêu khó, tuy nhiên chúng tôi sẽ phấn đấu đạt được theo yêu cầu của Chính phủ”, đại diện TCĐB nhấn mạnh.
Liên quan đến việc xử lý các chủ đầu tư chậm, cố tình dây dưa không lắp đặt trạm thu phí tự động, TCĐB cho biết đã tổ chức họp với 13 dự án BOT thuộc Bộ GTVT quản lý còn phải lắp đặt thêm các làn ETC. Đến nay, cơ bản các nhà đầu tư BOT đang triển khai thực hiện lắp đặt theo yêu cầu.
“Trong trường hợp nhà đầu tư không thực hiện theo đúng tiến độ, TCĐB sẽ xem xét, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan và xử lý theo quy định của hợp đồng và theo quy định tại Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT của Bộ GTVT; trong trường hợp vượt thẩm quyền, sẽ báo cáo Bộ xem xét xử lý”, TCĐB cho hay.
Cũng theo cơ quan này, riêng với các tuyến cao tốc của VEC, trên cơ sở phương án đề xuất của VEC, Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN đã thống nhất giao VEC tổ chức thuê đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tại các dự án cao tốc.
“Các dự án do VEC quản lý không phải là các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, mà do Chính phủ vay vốn giao lại cho VEC đầu tư, vận hành khai thác và tổ chức thu phí hoàn vốn. Do vậy, việc thuê đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tại các dự án cao tốc do VEC quản lý cần có thời gian nhất định và được thực hiện từng bước theo quy định pháp luật (xây dựng hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, triển khai lắp đặt và vận hành hệ thống…). Dự kiến hoàn thành lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ trong quý I/2022, tổ chức lắp đặt, vận hành hệ thống trong quý II/2022”, TCĐB thông tin.
Với kiến nghị của người dân, quan điểm của TCĐB là phấn đấu lắp đặt đầy đủ các làn ETC tại các trạm thu phí trên toàn quốc để đảm bảo đồng bộ và liên thông về ETC trong quý II/2022 (mỗi trạm 4 - 8 làn ETC, trong đó có 2 làn hỗn hợp và sẽ đóng hơn 60 làn không lắp đặt ETC hiện nay). Nếu đến thời hạn mà đơn vị, địa phương nào không hoàn thành lắp đặt đủ các làn thu phí ETC theo quy định thì sẽ phải dừng thu phí.
Làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị khi để xảy ra lỗi kỹ thuật
Ngày 22/2, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công điện số 155/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai dán thẻ định danh đối với xe ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí giao thông đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC).
Để phát huy hiệu quả hệ thống thu phí theo hình thức ETC, góp phần giảm ùn tắc giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, tiến tới xóa bỏ hình thức thu phí thủ công, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị người đứng đầu các cơ quan và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương chỉ đạo dán thẻ định danh đối với toàn bộ phương tiện xe ô tô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị (kể cả đối với các đơn vị trực thuộc) để sử dụng dịch vụ thu phí ETC khi tham gia giao thông qua các trạm thu phí; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương gương mẫu thực hiện dán thẻ định danh đối với xe ô tô cá nhân để tham gia dịch vụ thu phí ETC, không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1/6/2022.
Bộ GTVT chỉ đạo nhà cung cấp dịch vụ thu phí tổ chức tốt công tác dán thẻ định danh cho phương tiện giao thông, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện (lưu ý công bố số điện thoại và địa chỉ liên hệ để tạo thuận tiện cho công tác dán thẻ). Có giải pháp xử lý ngay các lỗi kỹ thuật của hệ thống thu phí ETC (nếu phát sinh), đồng thời làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị khi để xảy ra lỗi kỹ thuật, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tiếp tục khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí ETC đối với một số tuyến cao tốc tại mỗi vùng miền.
Gia Lâm
“Thủ tướng Chính phủ đã nói rất nhiều lần và rất gắt gao việc thu phí ETC. Bộ GTVT cần chủ trì và xử lý trách nhiệm nếu có. Bởi khi đặt các trạm thu phí điện tử không dừng là nhu cầu thiết yếu của người dân đi lại qua đường cao tốc nhằm tránh sự ùn tắc giao thông và giảm thời gian đối với người đi đường. Việc thu phí ETC đã được triển khai mấy năm nay rồi mà chưa được, tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân, mà yếu tố chính là do lỗi của Bộ GTVT chỉ đạo tổ chức thực hiện chưa quyết liệt.
Thủ tướng đã có chỉ đạo và cho thời hạn đến tháng 6/2022 các chủ đầu tư phải lắp đặt trạm thu phí ETC trên các đường cao tốc; nếu chủ đầu tư không chấp hành thì cơ quan chức năng cần kiên quyết yêu cầu các trạm không được thu tiền của người dân khi đi qua trạm. Và cũng chỉ còn 3 - 4 tháng là đến hạn chót nên Bộ GTVT cần yêu thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng. Như vậy, người dân mới thấy được chỉ đạo ở trên được thực hiện thống nhất, các quy định pháp luật mới ăn sâu vào cuộc sống của người dân. Chứ không thể để xảy ra tình trạng những quy định pháp luật bị “nhờn”, một bộ phận không chấp hành”.
ĐBQH Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp