"Bất lực nhìn cháu nội bị bế đi"
Những ngày qua, gia đình ông Hữu vô cùng lo lắng vì không biết cháu gái mình đang ở đâu, có được chăm sóc chu đáo và an toàn hay không?.
Ông Hữu nhớ lại: “Tới giờ, tôi vẫn chưa hết run. Bọn chúng quá manh động. Lúc đó khoảng hơn 10 giờ sáng 11/11, khi gia đình tôi đang ngồi chơi với cháu P. K thì có 6 đối tượng chạy xộc vào trong nhà. Người thì giật lấy cháu mang đi, người thì ngăn cản, chống trả gia đình tôi rồi nhanh chân vọt lên ô tô đã chờ sẵn ở bên ngoài, tẩu thoát. Gia đình chúng tôi chạy theo để níu lại nhưng bị mấy đối tượng mặt mũi rất hung dữ ngăn lại, xô đẩy và đánh tôi ngã quỵ xuống đất. Trong số này có 2 người là nữ và 4 người nam. Những người nam xăm trổ, rất to cao, nhìn rất hung hãn…”.
Người nhà ông Hữu bất lực đuổi theo khi cháu nội bị nhóm người lạ mặt bế đi |
Toàn bộ vụ việc được camera ghi lại. Sau khi bế cháu bé chạy ra khỏi nhà, các đối tượng nhanh chóng đưa bé P.K lên xe ô tô 7 chỗ mang biển kiểm soát 72A-520.90 chờ sẵn rồi cùng hai chiếc ô tô còn lại mang biển số TP Hồ Chí Minh và biển số Đồng Nai rời khỏi hiện trường.
Trong số những người tự ý xông vào nhà bế cháu P.K đi, gia đình ông Hữu nhận ra một phụ nữ tên là Nguyễn Phương L. (sinh năm 1994, sống tại đường Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Đây là con dâu đã ly hôn từ lâu với con trai ông Hữu. Bên cạnh đó, gia đình ông Hữu cho rằng nhận ra một đối tượng nam tên là Bùi Công T., sống tại phường Thống Nhất, TP Biên Hòa, Đồng Nai, là bạn trai mới của L. có tham gia vào việc bắt cháu P.K rồi tẩu thoát.
Cần sớm làm rõ vụ việc để tránh tổn thương cho bé
Lo lắng cho sự an nguy của cháu mình, gia đình ông Hữu đã làm đơn trình báo tới công an địa phương để nhờ can thiệp, xử lý kịp thời để đảm bảo sự an toàn cho cháu.
Căn cứ quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì người không trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu tòa án thay đổi người nuôi con nếu bố và mẹ thỏa thuận với nhau về việc thay đổi người nuôi con hoặc bố hoặc mẹ có căn cứ chứng minh rằng người đang trực tiếp nuôi con không còn có đủ điều kiện để nuôi con. Các yếu tố về vật chất như: gia cảnh, thu nhập, điều kiện kinh tế, tài sản… Các yếu tố về tinh thần như: thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con, điều kiện cho con vui chơi giải trí, trình độ học vấn… của cha mẹ. Bên nào đưa ra được những căn cứ thuyết phục hơn sẽ được tòa án xem xét giải quyết và trao quyền nuôi con.
Theo trình bày của ông Hữu, từ nhỏ tới giờ, bé P.K luôn ở với vợ chồng ông, được vợ chồng ông chăm sóc hết sức chu đáo nên bé P.K rất quấn quýt với ông bà. Sau khi Phương L. và con trai ông là anh K. thuận tình ly hôn, bé P.K được thống nhất để mẹ nuôi dưỡng vì cháu dưới 36 tháng tuổi, còn anh K. phải chu cấp cho con. Dù đã ly hôn nhưng Phương L. vẫn ở trong căn hộ bấy lâu, còn anh K. qua ở một căn hộ khác. Riêng vợ chồng ông Hữu không ở với con trai mà vẫn ở với Phương L. để nuôi dưỡng, chăm sóc cho cháu nội của mình từ miếng ăn giấc ngủ cho tới đưa đón đến trường hàng ngày.
Trong quá trình chung sống, gia đình ông Hữu cho rằng Phương L. thường hay vắng nhà, bỏ bê, ít quan tâm chăm sóc cháu P.K nên cũng nhiều lần khuyên can nhưng Phương L. vẫn không thấy thay đổi. Không khí lần trong gia đình ngột ngạt, tiện thể dưới quê lại có mấy đám giỗ nên đầu tháng 11 vừa rồi, vợ chồng ông Hữu mang cháu nội về quê ít hôm để thay đổi không khí thì xảy ra cơ sự như đã nói ở trên.
Theo anh K., trong những ngày qua, anh và gia đình đã tìm mọi cách để liên hệ với chị Phương L. cũng như gia đình bên chị Phương L., với mong muốn được biết cháu P.K có được chăm sóc chu đáo, an toàn hay không nhưng không thể liên lạc được. Gia đình có gọi điện cho cô giáo của bé P.K cũng như xem trên phần mềm quản lý nhà trường thì bé P.K vẫn không đến trường nên anh và gia đình càng lo lắng. Anh mong rằng chị Phương L. sẽ sớm đưa bé P.K trở về nơi cư trú để anh được thăm nom theo quy định, để bé được chăm sóc, nuôi dưỡng cũng như học hành đầy đủ.
Người nhà ông Hữu bị các đối tượng xăm trổ hung hãn ngăn cản khi chạy theo cháu nội |
Anh K. cũng cho biết, anh đã chuẩn bị nộp đơn yêu cầu tòa án cho thay đổi người nuôi dưỡng bé vì cho rằng, chị Phương L. không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng cháu, nhất là từ khi chị Phương L. có bạn trai mới. Bên cạnh đó, gia đình anh K. cũng đã báo công an vào cuộc để xử lý nghiêm minh hành vi của chị Phương L. cũng như nhóm người đã tự ý bắt cháu P.K đi.
Luật sư Hoàng Ngọc Quý cho rằng, nếu vụ việc đúng như trình báo của gia đình, nhóm người trên có dấu hiệu phạm tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi năm 2017, nếu cơ quan chức năng chứng minh được hành vi của nhóm người này có dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi.
Mức hình phạt cao nhất với tội này có thể lên đến 10 năm tù nếu nhóm người này thực hiện hành vi đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc phạm tội có tổ chức (được bàn bạc, thống nhất, phân công vai trò, nhiệm vụ của từng người trong quá trình bắt cháu bé đi, người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức…). Thậm chí nếu gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên…, thì có thể bị tuyên mức án lên đến 15 năm tù.
Cũng theo Luật sư Quý, trên thực tế đã có không ít vụ việc tương tự xảy ra. Chỉ vì tranh quyền nuôi con sau khi ly hôn mà một số bậc làm cha làm mẹ đã phải vướng vòng lao lý vì cách hành xử thiếu kiềm chế, bột phát, thậm chí thô bạo. Việc tranh quyền nuôi con là rất cần thiết trong một số trường hợp khi chứng minh được vợ hoặc chồng không đủ điều kiện cả về vật chất lẫn thời gian, môi trường sinh sống cho bé.
Tuy nhiên, một số trường hợp chỉ vì bực tức đối phương hoặc chỉ vì tranh chấp khối tài sản chung mà đưa những đứa trẻ ra để làm “bia đỡ đạn”, tranh qua đẩy lại như quả bóng khiến các cháu bị tổn thương cả tâm hồn lẫn thể xác một cách sâu sắc. Vợ chồng có thể đường ai nấy đi, tổn thương rồi cũng sẽ dần qua đi nhưng với các con thì sự hằn học, tranh giành giữa bố mẹ sẽ khiến những đứa trẻ hồn nhiên ấy dần mất đi sự vô tư, trong trắng, trở nên lầm lì và có những suy nghĩ tiêu cực về gia đình cũng như xã hội.
Chính vì vậy, hơn ai hết, mong rằng các cặp vợ chồng dù “cơm không lành, canh không ngọt” nữa thì cũng nên ra đi trong sự nhẹ nhàng, tế nhị, lịch sự, dành cho nhau những sự tôn trọng nhất định để các con của mình không bị những vết thương lòng giằng xé, đeo đẳng suốt cả cuộc đời.