Ý nghĩa quan trọng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Võ Trọng Việt cho biết, có nhiều đại biểu (ĐB) kiến nghị cân nhắc không quy định về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp.
Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, thực tế việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp đã được quy định tại Điều 19 Luật DQTV hiện hành và các Nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế, với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vẫn còn khó khăn, vướng mắc.
ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc thành lập đơn vị tự vệ vì các doanh nghiệp này tập trung lo cho sản xuất, vẫn còn nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng việc đảm bảo an ninh trật tự là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Cùng với đó, hiện nay ở nhiều địa phương lực lượng thanh niên đi làm ăn xa, thoát ly gia đình rất đông. Vì vậy, lực lượng thanh niên trong độ tuổi tại địa phương không nhiều.
Theo bà Hạnh, yêu cầu thực tiễn lực lượng dân quân tự vệ không chỉ là ghi danh, kiểm đếm số lượng mà còn phải gắn với việc huấn luyện, đào tạo, huy động, đồng thời phải đảm bảo chế độ, chính sách cho lực lượng này. “Tôi kiến nghị, việc tổ chức, duy trì hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ trong các loại hình doanh nghiệp này là cần thiết và phải được luật pháp quy định”, bà Hạnh đề nghị.
Phân tích cụ thể, ĐB Hạnh cho biết, trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự đa dạng các loại hình doanh nghiệp thì việc tổ chức tự vệ, nhất là tự vệ trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không vì khó khăn mà không tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp.
Vì việc tổ chức tự vệ có ý nghĩa quan trọng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh trong điều kiện thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hóa của đất nước, nhất là trong điều kiện Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu 1.000.000 doanh nghiệp trong thời gian tới và có xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng lao động sản xuất công nghiệp dịch vụ, giảm lao động nông nghiệp.
Nếu không quy định tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, sẽ không cụ thể hoá được quy định của Hiến pháp năm 2013 xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp. Thứ hai, việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI là đúng chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, đúng với quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Quốc phòng năm 2018 và thống nhất với Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Đồng quan điểm, ĐB Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng, để đảm bảo tính khả thi, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong chấp hành sự phân công, điều động khi có yêu cầu và nên cân nhắc quy định về kinh phí đảm bảo cho tự vệ của các tổ chức kinh tế ngoài nhà nước tại khoản 2 Điều 36 cho phù hợp, tạo được sự đồng thuận cao của các chủ doanh nghiệp, tránh tình trạng chỉ có quyết toán, nhưng thực tế không có chi, không tổ chức các hoạt động.
Đề nghị bổ sung nhiều trường hợp tạm hoãn xuất cảnh
Về dự thảo Luật XCNC của công dân Việt Nam, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH, ông Võ Trọng Việt cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định chi tiết trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh vì lý do quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị bổ sung trường hợp công dân Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài bị trao trả về nước.
UBTVQH cho rằng, với trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghiệp vụ đề nghị giao cho Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ Công an quyết định đối với từng cá nhân cụ thể và không quy định chi tiết trong Luật này.
“Trường hợp công dân Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài bị trao trả về nước, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tiến hành cấp giấy tờ xuất nhập cảnh để đưa công dân về nước, nên không đưa vào diện chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh”, giải trình nêu rõ.
Ông Việt cũng cho hay nhiều ý kiến đề nghị quy định bổ sung các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh cụ thể. Tiếp thu ý kiến của các ĐB, UBTVQH đã rà soát, đối chiếu với các quy định pháp luật liên quan và đề nghị thiết kế lại điều luật này cho rõ ràng hơn, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật.
Đồng thời, thu hẹp diện các đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh cho sát hợp với thực tiễn; quy định chặt chẽ hơn các trường hợp bị tạm hoãn để tránh việc lạm dụng, lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền công dân…
Theo đó, trên cơ sở ý kiến của ĐB và căn cứ tình hình thực tiễn, UBTVQH đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp: “Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”, “người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án”, “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế” và “người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”.