NSND Anh Tú thích tác phẩm bởi sự khai thác lát cắt mới, khi đi sâu vào tâm lý, bản chất con người với những cái xấu xa, sự hèn hạ, ích kỷ của một số người cùng hàng ngũ, cùng là đồng chí với chúng ta.
Đây là lần đầu tiên Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng vở diễn của một cố tác giả. Theo NSND Anh Tú, thông thường anh sẽ mời tác giả kịch bản tới cùng sát cánh để họ chắp bút cho những ý tưởng của anh. Nhưng với vở này, do tác giả đã qua đời nên anh đã thắp hương xin phép tác giả cho chỉnh sửa một vài phân đoạn, ý tứ, phát triển vở diễn cho phù hợp với ngày nay.
Vở kịch là câu chuyện xúc động và đầy ám ảnh về cuộc đời những người lính Trường Sơn năm xưa đã đi qua bao bão tố, đắng cay từ những nhỏ nhoi, ích kỷ cá nhân... song điều còn lại cuối cùng của họ không phải là hận thù...
Vở kịch là câu chuyện xúc động và đầy ám ảnh về cuộc đời những người lính Trường Sơn năm xưa . |
Mang tên Bão tố Trường Sơn nhưng những khốc liệt nơi trận địa thực tế chỉ là cái cớ để tác giả đi sâu vào mối quan hệ giữa con người với con người, những góc khuất của số phận. Bão tố ấy không chỉ là bom đạn mà còn là cuộc sống của những con người, kéo dài đến tận thời bình. Đó là đại đội trưởng Vũ Bông (Tô Dũng đóng), “con đại bàng hung hãn” nơi chiến trận Trường Sơn nhưng thực tế lại là kẻ cơ hội, vì lo ngại cho con đường thăng tiến của mình mà bất chấp tất cả, kể cả việc đề nghị người yêu bỏ đi sinh linh bé nhỏ vừa hình hài.
Là bác sĩ Diễm Lệ (Khuất Quỳnh Hoa đóng) có tình yêu trong sáng không vụ lợi với Vũ Bông, chấp nhận bị tước quân tịch và bị trả về địa phương để bảo vệ bào thai trong bụng. Cũng từ đây, những bão tố cuộc đời cứ âm ỉ xoáy sâu tâm can bao người giữa thời bình.
Đứng trước việc bị tước quân tịch, đuổi về địa phương của Diễm Lệ, Tô Dũng thản nhiên như người không liên quan. Còn anh nuôi Lê Ái (NSƯT Xuân Bắc) vì yêu đơn phương Diễm Lệ nên đứng ra nhận là cha đứa trẻ trong bụng Diễm Lệ.Trong chiến tranh, anh hùng hay hèn yếu, chỉ trong gang tấc và thước đo giá trị ấy, đôi khi không phải là bom đạn.
Trở về địa phương Diễm Lệ vẫn khẳng khái vươn lên trong cuộc sống để nuôi con và nuôi đứa con của người mẹ Tây Nguyên chết cháy vì bom B52 rải thảm năm nào… Vết thương lòng hơn 20 năm trước dường như chưa bao giờ liền miệng trong Diễm Lệ nên khi biết con mình làm việc trong công ty của Vũ Bông, tâm trí cô bác sĩ Trường Sơn năm nào lại trào lên những cơn bão tố mới: sự hận thù, cảm giác bị bội phản khi niềm tin bị đánh cắp…
Nhưng cuối cùng, bằng tình yêu thương và sự chân thành của những người đồng đội cùng thời, cái kết ngọt cũng đã đến khi đứa con nuôi tìm được cội nguồn, Diễm Lệ vượt qua được tình cảm căm hận để cho con mình nhận cha…
Đạo diễn, NSND Anh Tú đã có một bản dựng cho Bão tố Trường Sơn với những phân cảnh ngắn gọn mà đắt giá, mang lại một thành công mới cho Nhà hát Kịch Việt Nam trong việc dàn dựng kịch về chiến tranh.
Đạo diễn, NSND Anh Tú đã có một bản dựng cho Bão tố Trường Sơn với những phân cảnh ngắn gọn mà đắt giá. |
Thêm nữa, sân khấu được thiết kế gọn ghẽ với những “chuyển vai” đầy linh hoạt của những bục bệ khi là dốc đồi Trường Sơn, khi là hầm chữ A, khi lại là những ngôi nhà thời hậu chiến...
Và giữa những biến hóa ấy, có lẽ hình ảnh của tấm phông với vòng xoáy bão tố 3D nhuốm sắc đỏ, xanh, tím... có sức gợi mạnh mẽ.
Một vở diễn về đề tài cũ, cốt chuyện cũng không mới, nhưng cách thể hiện đầy tài năng của các nghệ sĩ gạo cội và dàn diễn viên trẻ của Nhà hát Kịch Việt Nam đã làm cho Bão tố Trường Sơn trở nên hấp dẫn, thu hút.
Đây là tác phẩm hiếm hoi của Nhà hát Kịch Việt Nam được thực hiện nhờ huy động theo phương thức xã hội hóa. Vở diễn được công diễn biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sĩ.